318
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 25/08/2015 08:25
NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ GD - ĐT TRẦN XUÂN NHĨ: Tuyển sinh đại học nên giao cho các trường
Kỳ thi THPT Quốc gia đã bộc lộ những bất hợp lý. Với tinh thần đánh giá đúng thực trạng để tìm giải pháp tốt hơn cho kỳ thi sang năm, Báo ĐBND đã phỏng vấn PGS.TS. TRẦN XUÂN NHĨ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT.
Các thí sinh rút và nộp hồ sơ trong ngày xét tuyển cuối cùng của đợt 1 Ảnh: Đình Dũng

Cách thi như năm nay sẽ khiến học sinh học lệch


- Trước những diễn biến trong kỳ thi vừa qua, theo ông, việc Bộ GD - ĐT chọn đổi mới thi cử làm khâu đột phá để đổi mới giáo dục có đúng không, trong khi thi cử là kết quả của một quá trình?


- Tôi cho rằng, đối với bất kỳ kỳ thi nào, trước khi tổ chức thực hiện phải xem xét cả một hệ thống, quá trình học của học sinh từ tiểu học lên trung học, cao đẳng… Giống như ta xây cái nhà, phải có kiến trúc sư vẽ ra bản thiết kế, từ bản thiết kế đó ta mới làm từng phần, từ phần thô đến phần tinh. Logic của giáo dục cũng tương tự như vậy, đổi mới giáo dục cũng phải bắt đầu như vậy. Bộ GD - ĐT lấy đổi mới thi cử làm khâu đột phá và sau đây tiếp tục đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì có thể thấy giống như chưa có bản thiết kế mà đã xây móng, xây tường, tô trát… Tôi cho là không hợp lý và tất nhiên khi không hợp lý sẽ bộc lộ những nhược điểm.

 

- Thi thế nào học thế nấy. Kỳ thi này sẽ tác động tới việc dạy và học trong thời gian tới ra sao, thưa ông?


- Có thể thấy, về các môn thi trong kỳ thi này, Bộ GD - ĐT quy định thi 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn sẽ tạo cho học sinh học lệch. Việc học lệch sẽ dẫn đến chất lượng kém. Kiến thức phổ thông là kiến thức cơ bản, toàn diện nhất để chuẩn bị nền tảng cho các em khi vào đời. Nếu tình trạng này không được giải quyết sẽ dẫn đến tình trạng cho ra đời một thế hệ thiếu kiến thức cơ bản và chất lượng giáo dục không thể gọi là cao được. Đó là điều nguy hại nhất. Chúng tôi cảm thấy lo lắng khi thế hệ tiếp sau đó, mỗi năm ra hàng triệu em mà kiến thức lệch lạc như vậy thì làm sao có thể nói ta đào tạo có chất lượng được.

 

Không học nghề mình thích, khó mà học tốt


- Nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi 2 trong 1, Bộ GD - ĐT cần có sự chuẩn bị, điều chỉnh như thế nào để khắc phục những bất hợp lý như ông vừa phân tích ở trên?


- Tôi cho rằng, Bộ GD - ĐT cần rút kinh nghiệm, nhìn thẳng vào những mặt làm được, chưa làm được, để lần sau làm tốt hơn. Việc tổ chức một kỳ thi là tốt nhưng không nên tổ chức 2 trong 1 mà chỉ xem đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chỉ cần hiểu một cách đơn giản, người ta đã học 12 năm rồi thì mình phải tổ chức thi để đánh giá và trên cơ sở đánh giá đó để tuyển chọn họ vào CĐ, ĐH. Tôi thấy, phải phân cấp rõ là giao cho các Sở GD - ĐT, chính quyền địa phương tổ chức kỳ thi, vì họ quản lý học sinh suốt 12 năm. Tuy nhiên, một số địa phương có thể chưa đủ năng lực ra đề thi thì Bộ GD - ĐT nên giữ vai trò ra đề thi. Riêng việc tuyển sinh CĐ, ĐH, nên giao thẳng cho các trường, đa số các nước trên thế giới cũng làm như thế.

 

Về việc quy định được rút, nộp hồ sơ theo nguyện vọng cũng là nguyên nhân gây nên lộn xộn. Tôi thí dụ, ngay từ khi học cấp tiểu học, có em thích nghề nghiệp là bác sĩ, em thích làm lái xe, em thích làm cô giáo… đây là vấn đề hướng nghiệp nếu không được học ngành nghề mình yêu thích thì sẽ khó có động lực để học tốt. Tôi băn khoăn, tại sao Bộ GD - ĐT không đưa ra quy định về những trường tốt, trường khá, trường trung bình và tương ứng với mức điểm nào thì được vào trường tốt, trường khá…? Đó là quy định khiến việc chọn lựa sẽ rất đơn giản và chỉ cần chưa đến 5 ngày đã biết kết quả.

 

Cùng với đó, nên có cơ chế rõ ràng về điểm sàn để các trường tự chủ tuyển sinh thích hợp với ngành, nghề. Đề thi theo tôi nên có 5 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và hai môn tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học…), xã hội (Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân…). Và học sinh phải được thi liền ngay trong tháng 5 chứ không để kéo dài đến tháng 7, tránh lãng phí hàng triệu ngày công. Chúng tôi luôn mong muốn, từ những đóng góp của nhân dân, Bộ GD - ĐT sẽ tổ chức được một kỳ thi khoa học, nhẹ nhàng, tiết kiệm mà vẫn bảo đảm chất lượng đề ra.

 

- Xin cảm ơn ông!  

 

Người đại biểu nhân dân