Năm ngoái, số lượng khách du lịch nội khối chiếm 46 - 48% tổng lượt khách du lịch quốc tế đến các nước ASEAN. Zulzalani Osman, người đứng đầu Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Bộ Du lịch và Tài nguyên nguồn Brunei, Chủ tịch Nhóm Công tác truyền thông và thương mại du lịch ASEAN, cho biết: “Mặc dù nhiều người ASEAN biết khá rõ nước láng giềng, nhưng vẫn còn rất nhiều điểm tham quan du lịch độc đáo ở những nước này họ chưa từng đến, thậm chí không biết để đến thăm. Chúng tôi muốn người dân ASEAN nhận thức được đầy đủ, đánh giá cao và tự hào về sự đa dạng tài sản du lịch của các nước ASEAN”.
Trong chiến dịch này, mỗi nước thành viên ASEAN đều nhận một nhiệm vụ đặc biệt dựa trên thế mạnh của mình (tương đương với một chủ đề), đóng góp vào nỗ lực chung thúc đẩy du lịch nội khối trong năm 2016, cũng như quảng bá cho thương hiệu du lịch ASEAN, để khách du lịch chọn du lịch ASEAN trước khi chọn du lịch quốc gia nào đó, hoặc chọn du lịch một quốc gia sau đó mở rộng sang các quốc gia khác trong khối. Theo đó, Brunei sẽ thúc đẩy du lịch dựa vào cộng đồng; Myanmar, Campuchia đẩy mạnh du lịch di sản và văn hóa; Indonesia chú trọng du lịch spa và chăm sóc sức khỏe; Lào tăng cường thương mại du lịch thiên nhiên; Singapore phát triển du lịch tàu biển, đặc biệt là phát triển về hành trình, cơ sở hạ tầng; Việt Nam phát triển du lịch đường sông; Malaysia đẩy mạnh du lịch mạo hiểm; Thái Lan phát triển du lịch sáng tạo và thực nghiệm; và Philippines tập trung khai thác MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội thảo, hội nghị…).
Tùy đặc thù của từng loại hình du lịch cũng như điều kiện của các quốc gia, hoạt động quảng bá được tổ chức ở tầm quốc gia và khu vực như thông qua các trang web chính thức, triển lãm, lễ hội, tạp chí, truyền hình... MICE sẽ được Philippines quảng bá rầm rộ bằng các sự kiện mang tính quốc tế như: ASEAN MICE Leaders Congress, ASEAN Plus Three Tourism Youth Summit, ASEAN Friendship Run, ASEAN Festival. Nỗ lực này gồm cả việc xây dựng thương hiện du lịch ASEAN qua các gian hàng mang thương hiệu chung “du lịch ASEAN” trong những triển lãm thương mại và thông qua các sản phẩm du lịch.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta sẽ tập trung nâng cao hiểu biết và nhận thức về ASEAN như là một điểm đến chung cả trong và ngoài khối ASEAN để mỗi người dân ASEAN có thể đóng vai trò là một đại sứ du lịch, thúc đẩy thị trường này phát triển. Thứ hai, chúng ta nên cải thiện sự kết nối trong khối ASEAN, cả trên đất liền, biển, hàng không”.
Từ thực tiễn hoạt động, Michelle Chan, điều phối viên đội dẫn du lịch tàu biển ASEAN nhấn mạnh: “Các điểm bán hàng độc đáo của hành trình là điều thôi thúc du khách thức dậy mỗi ngày để bắt đầu một hành trình mới, đến một điểm đến mới. Chúng ta có thể tiếp tục khai thác tiềm năng ngành du lịch tàu biển (đang rất phát triển) thông qua việc tập trung phát triển các hành trình và cơ sở hạ tầng. Bằng việc chung tay nỗ lực, tôi tin 2016 sẽ là một năm tốt đẹp của du lịch ASEAN”.
Ramon R. Jimenez, Bộ trưởng Bộ Du lịch Philippines cho rằng: “Chúng tôi đang trong giai đoạn được nhiều người coi là cạnh tranh mạnh mẽ, nhưng về lý thuyết (và đã nhiều lần được chứng minh), càng cạnh tranh càng phát triển. Chúng tôi bán sản phẩm du lịch của mình vừa trên danh nghĩa một quốc gia riêng biệt, vừa trên danh nghĩa một khu vực thống nhất, khu vực ASEAN”. Cũng theo ông Jimenez, 10 quốc gia thành viên ASEAN cần có visa chung, chỉ cần visa này hợp lệ tại một quốc gia là sẽ hợp lệ ở tất cả các quốc gia còn lại trong khối. Trong vòng 5 năm tới, điều này có thể sẽ thành hiện thực, khi các nước đã sẵn sàng. Những khó khăn của việc này thuộc về “công nghệ hơn là chính trị”.
Đại biểu nhân dân