323
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 08/04/2016 08:43
Nghiên cứu văn học Nhật Bản: Khởi đầu khích lệ
Nghiên cứu văn học Nhật Bản tại Việt Nam lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, một phần do rào cản ngôn ngữ. Vì thế, cuộc thi luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản - Giải thưởng Inoue Yasushi không chỉ khích lệ các nhà nghiên cứu mà qua đó còn góp phần thu hút sự chú ý đối với văn học đất nước mặt trời mọc.

Cách tiếp cận đa dạng


Cuộc thi luận văn nghiên cứu văn học Nhật Bản diễn ra từ 1.11 - 31.12.2015 là cuộc thi đầu tiên về nghiên cứu văn học Nhật Bản được tổ chức tại Việt Nam, do Quỹ Tưởng nhớ Inoue Yasushi và Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tổ chức. Cuộc thi mang tên tiểu thuyết gia Nhật Bản Inoue Yasushi, là một cây viết về nhiều thể loại: tiểu thuyết, tiểu thuyết lịch sử, tùy bút, thơ ca… Mặc dù thời gian phát động và tiếp nhận bài dự thi rất ngắn nhưng cuộc thi đã lôi cuốn đông đảo người tham gia, gồm các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, các nghiên cứu sinh, sinh viên nhiều trường đại học ở cả ba miền; đặc biệt có nhiều tác giả trẻ.

 

Các tác phẩm văn học được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu rất đa dạng, từ tác phẩm kinh điển như Manyoshu hay Genji Monogatari của Murasaki Shikibu, Makura no soshicủa Sei Shonagon… đến tác phẩm của các nhà văn cận hiện đại như Tsubouchi Shoyo, Abe Kibo… và cả các tác giả đương đại Murakami Haruki, Yoshimoto Banana… Nhiều vấn đề nghiên cứu khó, hay và có ý nghĩa như lý luận về tiểu thuyết thời cận đại, vấn đề nữ quyền, sự chuyển thể từ văn học sang tác phẩm điện ảnh, vấn đề xuyên văn hóa, toàn cầu hóa trong văn học, motip người hóa sói… Các công trình nghiên cứu có cách tiếp cận đa dạng, từ phê bình văn học đến lý luận văn học, lịch sử văn học.

 

Theo ông Toshiki Ando, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, cuộc thi đã góp phần quảng bá rộng rãi nghiên cứu văn học Nhật Bản tại Việt Nam, khích lệ nghiên cứu văn học Nhật Bản, giới thiệu và bổ sung nhiều tài liệu tham khảo có chất lượng cho các cơ quan nghiên cứu và đào tạo, gợi lên những vấn đề nghiên cứu mới về văn học Nhật Bản… Qua đó, đóng góp một cách hiệu quả vào việc phát triển quan hệ hợp tác bền vững giữa hai nước.

 

Kỳ vọng giới trẻ


Tác giả Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1992, đoạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm Thơ ca của các nữ tác gia trong Manyoshu, được Ban giám khảo đánh giá là đã dám xông pha vào một đề tài hóc búa. Tác phẩm được nghiên cứu trong bối cảnh thời đại, về vấn đề nữ quyền, trong kết cấu phù hợp; đặc điểm của dòng văn học nữ được chứng minh thuyết phục; phần lớn thơ của các tác giả nữ được dịch khá chính xác thể hiện năng lực và niềm say mê của tác giả. Trong bối cảnh việc dịch văn học Nhật Bản còn quá ít, chủ yếu là qua ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung… thì việc xuất hiện một tác giả trẻ với đề tài khó được giới nghiên cứu khoa học kỳ vọng.

 

Sức trẻ, nội lực khám phá tìm tòi cũng được thể hiện trong công trình Lang tai ký của Inoue Yasushi: Giấc mộng Tây vực từ văn học đến điện ảnh của TS. Phan Thu Vân (giải Tư). Tác giả tâm sự, khi tìm hiểu và tra cứu tài liệu, cô phát hiện ra rằng Inoue Yasushi dù rất nổi tiếng tại Nhật Bản, nhưng chưa có tác phẩm nào được dịch ở Việt Nam, cũng chưa có bài nghiên cứu nào viết về ông bằng tiếng Việt. “Giải thưởng là khởi đầu khích lệ để tôi và nhiều người ham mê văn học Nhật Bản tiếp tục tìm tòi nghiên cứu sâu hơn về văn hóa - văn học Nhật Bản” - TS. Phan Thu Vân cho biết.

 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, thành viên Ban giám khảo nhận định: Cuộc thi lần này là dịp giới thiệu và bổ sung nhiều tài liệu tham khảo chất lượng, trong đó có nhiều vấn đề nghiên cứu mới về văn học Nhật Bản. “Đây là một tín hiệu mừng khi người trẻ ham thích văn học Nhật Bản, để công đọc, tìm hiểu và phát hiện ra vấn đề. Một điểm nữa cũng đáng nói đến là chất lượng của các bài dự thi với những công trình đến vài ba trăm trang, với nhiều đề tài, đi vào một tác giả, như Murakami Haruki. Đáng mừng nữa là chúng ta có một đội ngũ nghiên cứu văn học trong nước, văn học nước ngoài, tạo thuận lợi hơn cho việc tìm hiểu văn hóa giữa hai nước cũng như giảng dạy văn học Nhật Bản tại Việt Nam”.

 

 Nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu: “Có thể xem cuộc thi đầu tiên này là thể nghiệm thành công về nghiên cứu văn học Nhật Bản ở Việt Nam, khơi gợi công cuộc khảo cứu văn học Nhật Bản toàn diện hơn, sâu rộng hơn. Đó là mong mỏi của chúng tôi trong việc tổ chức cuộc thi và bắc cầu văn hóa cho giao lưu Nhật - Việt”.

 

Đại biểu nhân dân