234
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 01/06/2016 07:57
Nghiên cứu khoa học trong nhà trường: Bài 1:Học đi đôi với hành
Kiến thức liên môn mà không khô khan, sáng tạo từ thực tiễn, càng làm càng hứng khởi… là điều có thể thấy ở các học sinh tham gia CLB nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Các tiết học nhờ vậy trở nên hấp dẫn hơn.
Học sinh Trường Tạ Quang Bửu, Hà Nội

Chủ động tìm tòi


Cô bé tháo chiếc khăn đỏ đang quàng trên cổ, trải lên mặt giá đỡ có ánh đèn chiếu sáng, đưa ống kính lại gần. Màn hình điện thoại hiện rõ hình ảnh từng sợi vải li ti xen kẽ mà mắt thường không nhìn thấy. Cả nhóm học sinh xúm xít xung quanh, hào hứng nghe thuyết trình: “Đây là chiếc kính hiển vi làm từ ống nước có thể dùng điện thoại thông minh soi và chụp hình. Chỉ cần 2 tấm mica, ống nhựa, vài chiếc đinh dài, kính… là có thể làm được. Hơn nữa, nó không hề tốn kém và còn phục vụ trực tiếp cho việc học”. Trần Hạnh Giang, lớp 6H2 chỉ là một trong rất nhiều học sinh Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội tham gia trình diễn sản phẩm nghiên cứu khoa học tại Ngày hội STEM 2016 do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia và tạp chí Tia sáng tổ chức.

 

Sau 3 năm thành lập, các em tham gia CLB Nghiên cứu khoa học Trường THCS Trưng Vương đã sáng tạo ra hàng trăm sản phẩm dựa trên mô phỏng các đồ vật xung quanh nhưng sử dụng vật liệu sẵn có, rẻ tiền. Những ý tưởng được phát triển từ kiến thức vật lý như: chế tạo kính hiển vi, flycam, bình khí nén…; kiến thức sinh hóa điều chế tinh thể tuyết từ muối ăn, làm dầu dừa, nến thơm, giấy thử hàn the… Hay kết hợp liên môn để tạo ra các sản phẩm bảng led điện tử hiển thị chữ rượt đuổi có thể đo độ ẩm, máy chế xuất tinh dầu bạc hà, máy phát điện động cơ hơi nước, đèn phát quang… Chủ động tìm tòi, chế tạo sản phẩm, khoa học với các em học sinh đó dường như không còn xa xôi trong ý niệm mà là sự thấy, nghe, sờ chạm một cách sinh động.

 

Bùi Danh Tùng, lớp 9K1, THCS Trưng Vương chia sẻ: “Quá trình nghiên cứu làm sản phẩm đã giúp em tiếp thu thêm nhiều kiến thức, hiểu được ý nghĩa của các môn học. Em thấy việc tham gia nghiên cứu khoa học rất bổ ích đối với học sinh vì học mà không thực hành thì chỉ nắm kiến thức trên sách vở chứ không hiểu ứng dụng thực tiễn và giờ học cũng sẽ kém thú vị”.

 

Phát huy sáng tạo


Ban đầu, phần lớn đề tài nghiên cứu đều do thầy cô định hướng, hướng dẫn nhưng càng về sau các em càng chủ động mày mò, tự đề xuất thực hiện. Mặc dù đa số đề tài của CLB Nghiên cứu khoa học cấp Tiểu học và THCS mới chỉ thực hiện sản phẩm, thí nghiệm đơn giản, mô phỏng nhưng đây là bước đi quan trọng và cần thiết để khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học cho các em. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, khi dạy khoa học - kỹ thuật, nhất là với trường ở vùng nông thôn còn hạn chế thì việc thành lập các CLB Nghiên cứu khoa học có ý nghĩa quan trọng trong phát triển khả năng sáng tạo, tư duy hệ thống cũng như nâng cao kỹ năng làm việc nhóm. Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương Trần Thị Thanh Thảo cho biết: “CLB Nghiên cứu khoa học của trường ngày đầu thành lập chỉ có 40 học sinh nhưng nay đã hơn 300 em, tạo ra không ít sản phẩm khiến cả thầy cô và phụ huynh bất ngờ. Điều đó cho thấy hiệu quả hoạt động của CLB, nuôi dưỡng đam mê, tình yêu lao động và trang bị kiến thức về nghiên cứu khoa học, tạo dựng nền tảng vững chắc cho các em lên THPT, Đại học, đặc biệt khi lập nghiệp”.

 

Trong Ngày hội STEM 2016, ngoài Hà Nội còn có sự tham gia của đại diện ngành giáo dục, hiệu trưởng, thầy cô một số trường ở Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Nguyên… nhằm học hỏi mô hình tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học. Huyện Thái Thụy, Thái Bình là một trong các địa phương đi đầu về xây dựng CLB Nghiên cứu khoa học với 96 CLB/96 trường Tiểu học và THCS. Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Thái Thụy Tô Văn Dũng cho biết: “Đặc điểm của học sinh ở Thái Thụy nói riêng, ở khu vực nông thôn nói chung là ít có cơ hội bắt nhịp với đổi mới khoa học - công nghệ. Từ ý tưởng tận dụng kiến thức khoa học từ nguồn sách của tủ sách phụ huynh, CLB Nghiên cứu khoa học ra đời đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các em phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mình”.

 

Tuy nhiên, khó khăn của hầu hết các CLB Nghiên cứu khoa học hiện nay chính là cơ sở vật chất và thời gian. Chất lượng môi trường nghiên cứu hạn chế, kiến thức trên lớp nặng nề, gây khó khăn cho các em trong quá trình tham gia sinh hoạt và nghiên cứu. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Đồng, Nam Trực, Nam Định Lê Thị Hạnh nói: “Trường Tiểu học Nam Đồng đang triển khai CLB Nghiên cứu khoa học cho các em khối 3, 4, 5. Khó khăn lớn nhất của trường là cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực khắc phục để các em có môi trường nghiên cứu tốt hơn. Ngoài ra, tôi thấy nếu đã kích thích được các em rồi thì có thể nhân rộng mô hình này không chỉ trong trường mà còn liên kết các trường với nhau thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.

 

“CLB Nghiên cứu khoa học đã góp phần đổi mới hình thức dạy học, phương pháp đánh giá, phát triển năng lực của học sinh, thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Hình thức đánh giá không chỉ dựa trên điểm kiểm tra mà còn qua những sản phẩm nghiên cứu. Điều này cũng giúp các em hứng khởi hơn, thấy việc học tập không đơn thuần là lý thuyết khô khan mà quan trọng hơn là vận dụng lý thuyết đó để làm ra sản phẩm”.

 

Đại biểu nhân dân