360
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 14/07/2015 08:49
Nghĩ từ Đại hội Nhà văn
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 - 2020) được tổ chức tại Thủ đô ngày từ 9 - 11.7. Thời tiết Hà Nội như cũng chiều lòng người, có phần dịu mát hơn so với cái nóng gay gắt của tuần trước…
Các nữ đại biểu cùng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm Nguồn: vanvn.net

Tổng số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tính đến tháng 7.2015 là 1.014, số đại biểu tham dự Đại hội gồm 542 người của 13 đoàn từ các vùng miền đất nước. Trước khi khai mạc, toàn thể Đại hội trầm lắng trong không khí trang nghiêm xúc động, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc, tưởng nhớ các nhà văn đã hy sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và 83 nhà văn, nhà thơ đã mất trong 5 năm qua.

 

Đại hội lần này được tổ chức khá chặt chẽ, mỗi đại biểu có thẻ dán ảnh, cửa ra vào hội trường có vệ sĩ chuyên nghiệp bảo vệ nghiêm cẩn. Đại biểu nếu không mang thẻ cũng không được vào. Trong ngày Đại hội đầu tiên, không ít nhà báo đến tác nghiệp đều bị kiên quyết từ chối. Cẩn trọng hơn, hội trường còn được chia thành từng khu vực như khối các nhà văn Trung ương, khối nhà văn Hà Nội, khối nhà văn quân đội, khối nhà văn TP Hồ Chí Minh... Chưa hết, trên mỗi lưng ghế còn ghi rõ họ tên để các nhà văn “ngồi đúng quy định”. Trong khâu bầu cử, các nhà văn còn được đóng dấu “đã bỏ phiếu” vào thẻ đại biểu.

 

“Hãy học làm dân chủ” là tinh thần cốt lõi của Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam. Sau Báo cáo (dự thảo) của Ban chấp hành Khóa VIII, đã có 20 ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân thành. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (Thừa Thiên Huế) đề nghị xem xét lại tiêu chuẩn “cứng” để kết nạp hội viên mới (cần có 2 tác phẩm và 2 nhà văn giới thiệu). Hãy để mỗi người sáng tác tự chịu lấy trách nhiệm về sản phẩm tinh thần của mình (ý kiến này không được các đại biểu tán thành). Nhà thơ Bùi Hoàng Tám (Hà Nội) đề nghị cải tổ lại bộ máy nhân sự của báo Văn nghệ, phải tìm lối thoát nếu không muốn mất độc giả và trở nên tụt hậu trong thời đại thông tin. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xúc động và thẳng thắn nói về trách nhiệm, và là lương tâm, của Hội Nhà văn ViệtNam trong việc bảo vệ sinh mạng chính trị của nhà văn. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê (Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh đến ý thức công dân của nhà văn trước tình hình thời sự nóng hổi của đất nước là vấn đề biển đảo cần phải được thể hiện trong Báo cáo (vấn đề này đã được nhắc đến trong Báo cáo, tuy còn ít, chỉ một câu: “Văn hóa biển và Biển Đông là vấn đề rất mới và nóng bỏng được thể hiện khá kịp thời trong nhiều tác phẩm”).

 

Có thể nói, các ý kiến của đại biểu đều được Đoàn Chủ tịch lắng nghe, ghi nhận và mọi vấn đề cơ bản đều được quyết định tại Đại hội. Về phía các nhà văn, hầu hết ý kiến đều xác đáng, được phát biểu với thái độ thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng.

 

Trong 5 buổi làm việc của Đại hội, có thể nói công việc chiếm nhiều thời gian và công sức nhất là bầu cử (Ban chấp hành, Ban Kiểm tra). 6 nhà văn trúng cử vào Ban chấp hành Khóa IX với số phiếu quá bán hợp lệ (448), xếp theo thứ tự số phiếu từ cao đến thấp cụ thể: nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà văn Khuất Quang Thụy và nhà văn Nguyễn Bình Phương. Không ít đại biểu cảm thấy hụt hẫng khi Ban chấp hành Khóa IX chỉ có 6 người. Một lần nữa tinh thần dân chủ được dịp phát huy khi dẫu chỉ có 6 nhà văn đắc cử vẫn không bầu thêm, bầu lại, vì theo đúng quyết định của Đại hội. Chỉ có điều khiến nhiều đại biểu chưa thỏa mãn là Ban chấp hành Khóa IX vẫn chưa được trẻ hóa, tuổi trung bình 61,8. Trẻ nhất là nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng đã bước vào tuổi tri thiên mệnh (sinh năm 1965). Việc bầu ra Ban chấp hành với những người xứng đáng để gánh vác công việc là điều cần thiết, nhưng cũng không nên trở thành việc chiếm quá nhiều thời gian và công sức của Đại hội.

 

Một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. 5 năm mới có một lần gặp gỡ của các nhà văn nhiều thế hệ trên khắp mọi miền đất nước. Họ tìm đến nhau để chụp chung một tấm ảnh, để chia sẻ thông tin trong đời sống và sáng tác, để bàn bạc về một tác phẩm hay về một xu hướng phát triển của văn chương. Có thể khác nhau về tài năng, tuổi tác, vùng miền nhưng các đại biểu tham dự Đại hội đều mong muốn Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp đoàn kết, thân ái, khơi nguồn và vun đắp sức sáng tạo của các nhà văn. Họ đều có chung tâm huyết và nhiệt thành xây dựng Hội với mong muốn đó là ngôi đền thiêng của văn giới.

 

Đại hội chỉ bầu được 40% nhân sự so với dự kiến (6/15 người). Về cơ cấu vùng miền, thành viên Ban chấp hành Khóa IX tập trung duy nhất ở Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, đã không có đại biểu nào tham gia Ban chấp hành. Thất vọng không nhỏ là không có “bóng hồng” nào được tham gia chèo lái nền văn chương nước nhà trong 5 năm tới. 5/6 người trong Ban chấp hành đã và đang công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội và không có ai là người dân tộc thiểu số

Người đại biểu nhân dân