345
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 07/01/2016 08:18
Ngăn chặn tình trạng chảy máu cổ vật
Sự phát triển của kinh tế - xã hội cùng với sự mở rộng nhanh chóng của thị trường nghệ thuật, đặc biệt là qua internet đã đưa đến nhu cầu ngày càng cao về sở hữu các tài sản văn hóa, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ buôn bán trái phép các cổ vật, tài sản văn hóa. Điều này đã và đang gây nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tài sản văn hóa, đặc biệt là cổ vật. Vấn đề đặt ra là, cần phải xây dựng cơ chế để ngăn chặn tình trạng chảy máu cổ vật.
Một triển lãm giới thiệu những cổ vật, hiện vật - di sản văn hóa đặc sắc của các quốc gia châu Á tại Việt Nam Ảnh: Duy Thông

Chảy máu cổ vật


Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Đây là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Namvà là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Tuy nhiên, việc thất thoát, buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép quyền sở hữu các cổ vật, tài sản văn hóa đã diễn ra trong nhiều năm nay. Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Đình Thành chia sẻ, ở nước ta việc chảy máu cổ vật được xác định là do nạn đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học, lấy cắp cổ vật trong di tích đền, chùa, miếu và do chiến tranh. Những mất mát cổ vật trong chiến tranh thường xảy ra với quy mô lớn, nghiêm trọng, thậm chí những mất mát này cũng được ghi lại rõ ràng trong sách sử. Ông nêu dẫn chứng, ngày 5.7.1885 khi tấn công vào kinh đô Huế, quân đội Pháp đã lấy đi hàng loạt cổ vật ở đây. Linh mục Père Siefert, người chứng kiến sự việc này đã ghi lại: kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc, 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ... Tại các tôn miếu thờ các vua, hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm long sàng, hỏa lò, màn thêu hoa, đỉnh trầm, khay chén... đều bị lấy.

 

Đề cập đến thực trạng thất thoát cổ vật ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến nay, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết, việc thất thoát cổ vật, tài sản văn hóa của nước ta trước hết là do các nguyên nhân chiến tranh, tiếp đó là việc đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học, lấy cắp cổ vật trong các di tích để mua bán trong nước cũng như xuất khẩu trái phép ra nước ngoài… Thất thoát, buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép tài sản văn hóa đã và đang trở thành vấn đề được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, trong đó có ViệtNam. Chưa kể đến, trong những năm gần đây, Đông Nam Á tiếp tục là trung tâm lớn về buôn bán trái phép, đồng thời là nguồn của các hiện vật văn hóa và điểm trung chuyển. Chính điều này đã làm gia tăng nguy cơ buôn bán trái phép các cổ vật, tài sản văn hóa có nguồn gốc từ các nước đang phát triển, những nơi thường thiếu vắng các khung pháp lý và công cụ thực thi, cũng như nhận thức chung còn thấp về các hậu quả của việc này.  

 

Bảo vệ giá trị di sản văn hóa


Trên bình diện quốc tế, việc ngăn chặn tình trạng thất thoát, chống buôn bán, xuất nhập khẩu trái phép cổ vật, tài sản văn hóa luôn diễn ra gay go, phức tạp, bởi không dễ gì để một quốc gia sẵn lòng trao trả những hiện vật văn hóa quý giá mà họ có được bằng cách này hay cách khác trở về những nước xuất xứ của những hiện vật đó - Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết. Tuy nhiên, để bảo vệ và phát huy giá trị tài sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới, những năm qua nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như triển khai nhiều hoạt động quan trọng để thực thi bảo vệ các tài sản văn hóa này. Trong đó phải kể đến việc phê chuẩn Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa và các Công ước liên quan khác về lĩnh vực này. Có thể nói, việc phê chuẩn Công ước UNESCO 1970 đã trở thành công cụ pháp lý quốc tế quan trọng để nước ta cùng các quốc gia thành viên trên thế giới cùng hợp tác giải quyết vấn nạn thất thoát, buôn bán, xuất, nhập khẩu trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.

 

Ngoài ra, việc đưa Công ước UNESCO 1970 vào vị trí nổi bật ở khu vực Đông Nam Á rất đúng lúc. Bởi trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực cùng với sự mở rộng nhanh chóng của thị trường nghệ thuật đã đưa đến nhu cầu ngày càng cao đối với các tài sản văn hóa, dẫn tới sự gia tăng nguy cơ buôn bán trái phép các tạo vật văn hóa. Trên cơ sở những biện pháp thực hành tốt nhất, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam Phạm Sanh Châu cho rằng, để đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng của nguy cơ buôn bán trái phép tài sản văn hóa, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần cùng nhau đánh giá và vạch ra chiến lược, các biện pháp bảo vệ, cơ chế địa phương để bảo vệ các khu di tích, di sản khỏi bị cướp bóc. Xây dựng năng lực kiểm kê và sử dụng các công cụ nghiệp vụ; tăng cường nhận thức về các quy trình thu hồi, hoàn trả; xây dựng mạng lưới bảo vệ di sản văn hóa cấp quốc gia và khu vực; đồng thời nâng cao hiệu quả các chương trình quảng bá và giáo dục về cuộc đấu tranh này trong khu vực… Quan trọng hơn cả là xây dựng được sự hợp tác xuyên biên giới để cùng nhau ngăn chặn dòng chảy buôn bán trái phép những di sản văn hóa độc đáo, không có gì có thể thay thế được của các quốc gia. 

 

Đại biểu nhân dân