Lịch sử phải là môn học độc lập
GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, sau những tranh cãi thời gian qua về môn Lịch sử, xu hướng chung là đòi hỏi môn Lịch sử phải có vị trí trong giáo dục. “Vị trí” không phải là cắt nhỏ nó ra chỗ này một chút chỗ kia một chút. “Tích hợp là xu thế rất hiện đại của giáo dục. Tích hợp có từ những năm 80 của thế kỷ trước và tích hợp không có gì mới đối với các nhà khoa học. Chúng tôi không chống tích hợp. Nói chúng tôi phản đối tích hợp là vu khống. Vấn đề là đi vào cụ thể như thế nào mà thôi. Không nên cho rằng nền sử học hiện nay sa sút bởi không tích hợp. Đúng là dạy sử hiện nay sa sút nhưng phải tìm nguyên nhân từ đâu?”. Theo GS. Phan Huy Lê, vấn đề chính hiện nay là nghiên cứu xác định vị trí, yêu cầu của môn sử có thực sự cần thiết hay không? Vì sao môn Lịch sử lại sa sút như vậy? Chỗ nào tích hợp được, chỗ nào không tích hợp được?
Cùng về việc tích hợp, GS. Trần Thị Vinh nêu quan điểm: tích hợp môn Lịch sử ở cấp tiểu học hiện nay không cần bàn nhiều và có thể tiếp tục phát huy, vấn đề là ở cấp THCS và THPT ra sao. Theo GS. Trần Thị Vinh, ở bậc THCS, bà đã tham gia nghiên cứu khảo sát về việc học môn Lịch sử tại 31 nước, đa phần các nước coi Lịch sử là môn học độc lập. Một số nước đã tích hợp Lịch sử vào các môn khác nhưng đang có xu hướng tách trở lại, như Nhật Bản, Hàn Quốc.Singaporedạy Lịch sử là môn độc lập từ lớp 6 - 12… GS. Trần Thị Vinh đề nghị bậc THCS và THPT, Lịch sử cần được là môn độc lập, không ghép chung với môn khác.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cần nhìn vào thực tế ở nước ta. “Tại sao chúng ta phải đặt môn sử quan trọng hơn? Chúng tôi chỉ phản ánh tâm thế của xã hội mà thôi. Vấn đề là tìm cách thay đổi việc dạy sử thế nào. Có người nói đùa rằng, việc ghép lịch sử với các môn khác không khác gì đem con gà cúng đi nấu lẩu và cúng bằng nồi lẩu!”.
Tích hợp ở tiểu học, phân hóa ở THCS và THPT
Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD - ĐT cho biết, mọi người đều thấy rõ tầm quan trọng của môn Lịch sử trong nhà trường và đây là điều đã được thống nhất. Vấn đề chỉ là giải quyết môn Lịch sử trong nhà trường thế nào để thể hiện tầm quan trọng đó. Thống kê ở 46 nước cho thấy rất nhiều nước bắt buộc dạy môn Lịch sử, nhưng không phải ở đâu cũng dùng tên là “Lịch sử”. Chúng ta chưa hiểu nhau trong chương trình mới, lịch sử - địa lý không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử. Lịch sử và địa lý có phần giao nhau, gọi chúng là những chủ đề liên môn, còn những phần không giao nhau vẫn dạy độc lập. Tích hợp không có nghĩa là xóa nhòa, trộn lẫn!”
Tuy nhiên, GS. Phan Huy Lê đưa ra kiến nghị: “Chúng tôi cho rằng môn Lịch sử, đặc biệt là môn Lịch sử ViệtNamphải đứng ngang với quốc ngữ và toán học. Chúng ta coi tích hợp là xu thế hiện đại nhưng tích hợp ở cấp dưới và phân hóa ở cấp trên”. Theo đó, THCS phải tách 2 môn Sử và Địa, có những khoảng tích hợp giữa 2 môn này. Còn đối với THPT, việc tích hợp là phi lý, tách Lịch sử thành môn học độc lập. Phải làm thế nào đó để Lịch sử phải thực sự là một môn khoa học, tư liệu phải khách quan. Phải thay đổi chương trình vì nếu vẫn dạy như vậy thì chính tôi cũng chẳng muốn học sử” - GS. Phan Huy Lê nhấn mạnh.
Kết luận cuộc tọa đàm, ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương với vai trò người kết nối Bộ GD - ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng, cần để cho thế hệ trẻ biết được giá trị cốt lõi về lịch sử. Ông Hoàng đề nghị, đối với tiểu học, thống nhất như phương án của Bộ GD - ĐT đưa ra là tích hợp. Còn ở THCS cần chuẩn bị 3 phần: lịch sử, địa lý và phần tích hợp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu đặt tên môn học thế nào, hoặc là sử - địa; hoặc là sử riêng, địa riêng. Phần thứ 3 là môn gì thì cần có những buổi tọa đàm khác. Nếu Sử - Địa đứng riêng thì phần tích hợp sẽ thiên về sử nhiều hơn. Đối với THPT, cần có cuốn lịch sử 1 và lịch sử 2. Lịch sử 1 dành cho các em theo khối khoa học xã hội và nhân văn và là môn bắt buộc. Lịch sử 2, trùng với kiểu trình bày ở THCS dành cho khối tự nhiên.
Ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GD - ĐT cho rằng giữa Bộ và các nhà nghiên cứu lịch sử đã “tiến lại gần nhau” hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ông Hiển băn khoăn, nếu tích hợp một phần thì sẽ dùng 1 hay 3 quyển sách? Quan điểm là phải tiến bộ dần, làm đơn giản nhưng phải tạo ra điểm mới. Bộ muốn dồn vào 1 quyển sách và việc 1 quyển sách 3 người dạy thì thế giới đã làm.
Đại biểu nhân dân