Khách quốc tế giảm 11 tháng liên tiếp
Số lượng khách quốc tế đến ViệtNamđã giảm 11 tháng liên tiếp (từ tháng 6.2014 - 4.2015). Xét trong giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng trưởng ngày càng giảm: năm 2010 là 34,8%; 2011 tăng 19,1%; 2012 tăng trưởng 13,9%; 2013 là 10,6%; 2014 tăng trưởng 4%... Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, nếu không có giải pháp cấp bách, ViệtNamsẽ tụt hậu rất xa trong khu vực, bởi ngay cả Thái Lan thời gian qua tình hình chính trị phức tạp nhưng ngành du lịch vẫn tăng trưởng cao. Năm nay, Malaysia phấn đấu đạt 30 triệu lượt khách, trong khi Thái Lan đặt mục tiêu đón 28 triệu khách. Nếu so sánh số lượng khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) và khách Việt Nam ra nước ngoài (outbound) trong khu vực ASEAN năm 2014 sẽ thấy Việt Nam thua ngay trên sân nhà. Khách Việt Nam đến Lào đạt 910.164 lượt, gấp 6,66 lần so với lượng khách Lào đến Việt Nam (136.636 lượt); khách Việt Nam đến Campuchia là 908.801 lượt, gấp 2,24 lần khách Campuchia đến Việt Nam (404.159 lượt)… Khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài tăng khoảng 10%/năm, với các thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore… và các thị trường mới nổi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu.
Khách quốc tế đến Việt Nam giảm, theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân khách quan (chiếm khoảng 20%) như bất ổn chính trị, kinh tế của khu vực Biển Đông và một số vùng trên thế giới; nguyên nhân chủ quan chiếm tới 80%: một số chính sách mới đã làm khó cho thu hút khách du lịch như chế độ visa mới, siết chặt du lịch tàu biển… Bên cạnh đó, cơ chế quản lý hiện nay làm hiệu lực của cơ quan quản lý nhà nước bị suy yếu, giảm khả năng chỉ đạo và liên kết các địa phương. Công tác xúc tiến du lịch ngày càng thiếu chuyên nghiệp do có quá nhiều cơ quan tham gia, nguồn lực thiếu nhưng lại phân tán, không thể tổ chức được các chiến dịch mới làm thay đổi thị trường, thu hút khách du lịch vào Việt Nam. Thiếu nguồn lực đầu tư xây dựng sản phẩm và hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch…
Miễn visa là biện pháp hàng đầu
“Vấn đề quan trọng nhất là phải đổi mới chính sách thị thực hiện hành, tiếp tục miễn visa cho một số thị trường trọng điểm. Đây là vấn đề mấu chốt để kích thích thị trường” - ông Vũ Thế Bình khẳng định. Nhiều nước cũng coi đây là biện pháp hàng đầu để thu hút khách du lịch. Trong khu vực, Singapore miễn visa đơn phương cho khách tới từ 158 quốc gia, Philippines - 157 nước, Malaysia - 155 nước, với Thái Lan con số này là 66, Lào 40, Campuchia 19 và Việt Nam hiện tại miễn visa đơn phương cho khách du lịch từ 16 nước. Đáng lưu ý, trên thế giới, khách du lịch từ Mỹ, Đức, Anh được 174 nước miễn visa; khách Canada được 173 nước miễn visa; 172 nước miễn visa cho khách du lịch Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Italy, Bồ Đào Nha, Luxembourg… Việt Nam là một trong số ít nước không miễn visa cho khách du lịch các nước này.
Thực tế, thời gian qua, sau khi Việt Nam miễn visa cho khách du lịch một số quốc gia, lượng khách nước đó đến Việt Nam tăng trưởng nhanh, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Năm 2004, khách Nhật đến Việt Nam đạt 267.000 lượt, đến 2014 tăng lên 648.000 lượt; khách Hàn Quốc tăng từ 232.000 lượt năm 2004 lên 848.000 lượt năm 2014; đặc biệt, khách Nga tăng từ 30.000 lượt lên 365.000 lượt trong giai đoạn 2004 - 2014. Giám đốc Hanoi Redtour Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: “Phí visa của ViệtNamcao, hơn nữa, thủ tục cực kỳ phức tạp, từ khâu ở trong nước. Có những thị trường chúng tôi phải làm nhiều giấy tờ, từ các xác nhận trong nước, bảo lãnh của công ty du lịch, thẻ của hướng dẫn viên. Đến khi có thư chấp nhận làm visa, tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại, thủ tục tiếp tục phiền nhiễu, nhiều khách phản ánh họ không được trực tiếp nộp phí mà phải qua đầu mối môi giới, hoặc có lệ phí visa ngoài phí 45USD như quy định”...
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, trước hết nên kiến nghị Chính phủ miễn visa cho 4 thị trường trọng điểm có lượng lớn khách đến Việt Nam, gồm Anh, Pháp, Đức, Australia. Bên cạnh dó, kiến nghị Chính phủ miễn lệ phí visa cho tất cả khách du lịch đến ViệtNamtrong 6 tháng, và đơn giản hóa thủ tục. Ngoài ra, triển khai phương thức lấy visa trực tiếp ở cửa khẩu như các nước trong khu vực; sớm triển khai cấp visa điện tử (E - Visa) tạo thuận lợi hơn cho khách du lịch…
Lữ hành, địa phương vào cuộc
Ngoài các giải pháp từ Chính phủ, các doanh nghiệp, địa phương cần chủ động khắc phục tình trạng suy giảm khách quốc tế. Phó giám đốc Saigontourist Vũ Duy Vũ chia sẻ kinh nghiệm: khi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm, doanh nghiệp ngay lập tức có chương trình kích cầu chào đối tác; hợp tác với đối tác cập nhật thường xuyên về giá, diễn biến mới của Việt Nam như phát triển cơ sở hạ tầng, điểm đến, sản phẩm du lịch mới... để thu hút sự chú ý của họ, và đưa khách trở lại khi điều kiện có thể. Bên cạnh đó, về quảng bá, tiếp thị, Saigontourist đang hướng đến một số thị trường như ASEAN, là thị trường gần đường bay ngắn, lượng khách đông, yêu cầu sản phẩm du lịch không quá cao, mức chi tiêu du lịch vừa phải; bên cạnh đó là các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông...; một số thị trường chuyên ngành như du lịch tàu biển, đường sông... chưa được Tổng cục Du lịch quan tâm xúc tiến. Hy vọng từ nay đến cuối năm Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam có các chương trình xúc tiến hiệu quả hơn, và cần thông tin sớm đến doanh nghiệp để có sự phối hợp. Bởi mỗi doanh nghiệp đều có chương trình xúc tiến riêng, nếu kết hợp sẽ cho hiệu quả cao với chi phí tiết kiệm.
Ở cấp độ địa phương, để đạt kết quả 4 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế tăng 35%, khách nội địa tăng 25% so với năm 2014, Đà Nẵng đã cùng doanh nghiệp xúc tiến, hỗ trợ để thiết lập các đường bay trực tiếp quốc tế. Đà Nẵng hiện có 30 đường bay trực tiếp. Bên cạnh đó, Đà Nẵng chủ động tạo ra một số sự kiện quốc tế, cả văn hóa, thể thao và du lịch; tập trung đầu tư cho sản phẩm độc đáo, khác biệt; cho cơ chế phát triển một số loại hình du lịch; nghiên cứu nhu cầu của khách để có dịch vụ phù hợp, quảng bá du lịch qua mạng xã hội và các blogger nổi tiếng của các thị trường trọng điểm… Đây là điều các địa phương có thể học hỏi để thu hút khách du lịch.
Người đại biểu nhân dân