Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang là nơi Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã ở và làm việc từ cuối năm 1952 - 1954. Từ đây, thực hiện những nhiệm vụ và trọng trách to lớn được Đảng và Nhà nước giao phó, Ban Thường trực Quốc hội cùng Chính phủ đã xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, tổ chức toàn dân tộc đoàn kết một lòng chiến đấu giữ trọn lời thề độc lập, hoàn thành sứ mệnh lịch sử đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi vẻ vang.
Để lưu giữ truyền thống của Quốc hội nước ta trong những năm kháng chiến, năm 2010 Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với tỉnh Tuyên Quang khởi công xây dựng công trình Nhà lưu niệm và hạ tầng kỹ thuật Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội, khánh thành đầu năm 2011, đúng dịp kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam. Nhà lưu niệm rộng khoảng 300m2, gồm 3 gian, trong đó một gian trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp và các hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; 2 gian dành để tái hiện quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Ảnh, tài liệu, hiện vật được sắp xếp theo các chủ đề chính: Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào đến Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Quốc hội Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Quốc hội Việt Nam với công cuộc khôi phục và đổi mới đất nước; Hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Đặc biệt ngay chính gian giữa là bức phù điêu với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay đi bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân của mình, bầu đại biểu Quốc hội.
Nhà lưu niệm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; thể hiện đạo lý ‘’uống nước nhớ nguồn’’, là sự tri ân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đùm bọc, chở che cho cán bộ Ban Thường trực Quốc hội trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp gian khổ. Phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà lưu niệm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội (tháng 1.2011), Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Nhà lưu niệm không chỉ giúp các thế hệ đại biểu Quốc hội nhớ về cội nguồn cách mạng Tân Trào - Việt Bắc, mà còn giúp cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau, mãi mãi hướng về cội nguồn, hướng về Thủ đô kháng chiến, khơi dậy truyền thống anh hùng, bất khuất, đoàn kết, thủy chung, thắm tình đồng chí, nghĩa đồng bào sâu nặng”.
Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào, Văn phòng Quốc hội sẽ bàn giao Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, cho tỉnh Tuyên Quang quản lý, nhằm bảo vệ và phát huy tốt hơn giá trị lịch sử của địa chỉ đặc biệt ý nghĩa này. Đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang Âu Thị Mai khẳng định, tỉnh sẽ làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, tạo thành một địa chỉ du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đóng góp vào sự phát triển du lịch của địa phương. Trước mắt, từ nay đến 6.1.2016, Tuyên Quang sẽ tổ chức chương trình Về nguồntại Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội kết nối với một số di tích lịch sử trong thời kỳ kháng chiến trên địa bàn tỉnh...
Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang trải rộng trên địa bàn 11 xã thuộc 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn, với 138 di tích, cụm di tích, trong đó 18 di tích, cụm di tích đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia, 30 di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch, UBND tỉnh Tuyên Quang đã triển khai quy hoạch tổng thể Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào. Mục tiêu quy hoạch theo lộ trình cấp quốc gia, phù hợp với tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, nhằm phát triển du lịch, bảo đảm tính bền vững, gắn kết chặt chẽ với việc phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; giữ gìn cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù; thực hiện xã hội hóa đầu tư du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong khu du lịch.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang Âu Thị Mai cho biết: Tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, tôn tạo, xây dựng, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Đến nay, các di tích lịch sử quan trọng, các điểm di tích của các bộ, ban, ngành Trung ương đã và đang được đầu tư tôn tạo. Thời gian tới, tỉnh cùng các bộ, ngành tập trung đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà đón tiếp khách, khu lâm viên, làng văn hóa dân tộc... để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình trở về với quê hương cách mạng.
Người đại biểu nhân dân