485
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 01/06/2016 07:59
Lối nào cũng áp lực
Việc không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 được xem là giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học.
Học sinh lớp 5 vẫn phải chịu nhiều áp lực giải thưởng để "chạy đua" vào các trường tốp đầu. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Thế nhưng sau 1 năm thử nghiệm, đến nay bước sang năm thứ hai, phương án này lại tiếp tục khiến các trường điểm, trường chất lượng cao rơi vào tình trạng lúng túng trước mùa tuyển sinh đang rất cận kề.

 

Trường tốp đầu gặp khó


Trước tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như lâu nay ở cấp tiểu học thì quy định “cấm thi vào lớp 6” của Bộ GD&ĐT rõ ràng là cần thiết. Cô Trần Thị Kim Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà cho hay, việc bỏ thi tuyển lớp 6 là hoàn toàn hợp lý bởi thực tế đã chứng minh, còn tổ chức thi tuyển vào lớp 6 thì còn tình trạng học thêm, dạy thêm và áp lực này chắc chắn sẽ lại tiếp tục đè nặng trên vai học sinh tiểu học. Cùng quan điểm với cô Trần Thị Kim Hoa, cô Nguyễn Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái cho rằng, việc bỏ thi tuyển lớp 6 sẽ trút được gánh nặng thi cử cuối cấp cho học sinh và phụ huynh. 

 

Năm 2016 là năm thứ hai Bộ tiếp tục yêu cầu các trường không được tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới bất kỳ hình thức nào. Theo cô Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long, các trường thuộc diện phân tuyến tuyển sinh như Trường THCS Thăng Long sẽ phải nhận đủ tất cả các học sinh đúng tuyến. Tuy nhiên, việc Bộ kiên quyết không đồng ý phương án thi tuyển vào lớp 6 của bất cứ trường nào thì đây cũng là một bài toán khó đối với một số trường điểm, trường dân lập chất lượng cao như: Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS Nguyễn Tất Thành…

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với một số trường là tâm điểm lựa chọn của các phụ huynh và học sinh, các hồ sơ đăng ký xét tuyển quá cao so với chỉ tiêu. Chính sự mất cân đối giữa hồ sơ nộp và chỉ tiêu của trường khiến các trường buộc phải đặt ra “tiêu chí phụ” để xét tuyển học sinh. Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành là trường thực hành sư phạm thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, năm học này trường Nguyễn Tất Thành tuyển 240 học sinh vào lớp 6 được chia thành 6 lớp, các em được học bán trú. Phương thức tuyển sinh vào lớp 6 là tuyển thẳng và xét tuyển.

 

Điều kiện được cộng thêm điểm vào điểm xét tuyển của trường là những học sinh thuộc diện gia đình chính sách, học sinh đoạt huy chương trong các giải thi đấu TDTT cấp thành phố trở lên; học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp trường năm học 2015-2016 các môn: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tin học; học sinh có chứng chỉ TOEFL Primary đạt từ 110 điểm đến 112 điểm trong đó phần Reading và Listening đạt 4/5 điểm trở lên.

 

Nghi ngờ chất lượng điểm 10 của tiểu học


Anh Lưu Ngọc Quý, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An nửa mừng, nửa lo vì con mình 5 năm học tiểu học đều đạt học sinh giỏi. Các môn Văn, Toán đều đạt 9, 10. Nếu như các trường xét tuyển dựa vào học bạ thì khả năng trúng tuyển của con anh là rất cao. Song, theo anh tìm hiểu thì những trường hợp như con anh rất nhiều. “Mọi năm những trường điểm như Hà Nội –Amsterdamđều yêu cầu rất cao, vậy mà số học sinh đạt điều kiện đã lên tới vài nghìn. Nếu chỉ xét tuyển học bạ thì chắc chắn lượng hồ sơ còn tăng lên gấp bội. Tỷ lệ chọi cao hơn một số trường đại học cho thấy sức cạnh tranh để có một suất học lớp 6 của các trường điểm là khá lớn”, anh Quý phân trần.

 

Theo nhìn nhận của một số chuyên gia giáo dục, sau 1 năm học, lứa học sinh lớp 6 đầu tiên bỏ thi tuyển ở các trường điểm vất vả hơn trong dạy học. Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Lương Thế Vinh, năm đầu tiên bỏ thi, số lượng nộp hồ sơ dự tuyển đông hơn hẳn so với khi còn thi tuyển. Trong đó, hồ sơ của các học sinh có toàn điểm 10 trong tất cả các bài kiểm tra học kỳ của 5 năm tiểu học khá cao. Tuy nhiên, thực tế, nhiều học sinh trong số này thiếu kỹ năng làm bài, kỹ năng tự học và hổng cả kiến thức cơ bản khi học lên lớp 6. Các thầy cô phải bỏ ra nhiều thời gian để xốc lại toàn bộ cho các em. PGS Văn Như Cương cho rằng chính việc đánh giá học sinh tiểu học ngày càng theo hướng nhẹ nhàng hơn trước là nguyên căn của tình trạng này. Số học sinh giỏi ở tiểu học chiếm tỷ lệ áp đảo so với học sinh tiên tiến hoặc trung bình nên chọn tiêu chí học bạ ở tiểu học cũng chưa hẳn chính xác.

 

Đi kèm theo đó là những nghi ngại về tiêu cực “chạy giải”, “chạy thành tích”. Thay vì áp lực thi cử, phụ huynh và học sinh lại đau đầu với áp lực khác. Việc giải thưởng của cuộc thi trở thành một “tấm vé” vào các trường THCS mà trước đây học sinh phải luyện và thi hai môn Văn, Toán rất khổ sở cũng chưa vào được khiến bố mẹ phải “oằn mình” tìm lớp học, tìm nơi thi, nơi cấp chứng chỉ cho con cái. Thế nên ngoài việc học văn hóa, các em còn phải lao đầu vào ôn luyện, đầu tư cho các kỳ thi để “có giải” về năng khiếu như thể dục thể thao, nghệ thuật… hay giải từ các cuộc thi trí tuệ như Violympic Toán, Olympic tiếng Anh… Điều này dường như lại đi ngược với quan điểm của ngành giáo dục là giảm tải cho học sinh tiểu học.

 

Bàn về vấn đề này, PGS Văn Như Cương khẳng định, quy chế xét tuyển thực sự chưa hợp lý và gây ra nhiều bất cập. PGS Văn Như Cương kiến nghị Sở GD&ĐT cho phép các trường tốp đầu, các trường ngoài công lập như Trường THCS Lương Thế Vinh dù không thi Toán, Tiếng Việt nhưng có thể áp dụng thêm một hình thức tuyển sinh nào đó, ví dụ như phỏng vấn thêm hoặc kiểm tra IQ, EQ... vì thực tế nhiều em đạt toàn điểm 10 trong suốt 5 năm tiểu học nhưng chất lượng thực sự vẫn không đáng tin cậy khi vào học tại trường.

 

Còn theo cô Nguyễn Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái, nên bỏ các trường chuyên, lớp chọn ở bậc tiểu học và THCS. Những trường chất lượng cao hay mô hình đặc thù... nên trở lại là một trường THCS hoạt động bình thường, xét tuyển theo phân tuyến tuyển sinh một cách nhẹ nhàng như tất cả các trường khác. Cô Trần Thị Kim Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà khuyên các phụ huynh không nên ép các con theo học các trường chuyên, lớp chọn. Thay vào đó, phụ huynh nên quan tâm đến việc rèn luyện về mọi mặt để con có thể phát triển toàn diện.

 

Nhằm hạn chế tình trạng phụ huynh chạy đua theo các cuộc thi để có giải, Sở GD và ĐT Hà Nội đã ban hành danh mục các cuộc thi mà các trường được phép căn cứ để xét tiêu chí phụ trong việc tuyển sinh. Theo đó, những cuộc thi không do ngành GD-ĐT tổ chức hoặc tham gia phối hợp tổ chức sẽ không được tính là tiêu chí phụ trong xét tuyển.

 

QĐND