Tư duy GD lệch nhau như thế hỏi sao GD không mãi loay hoay? Một đất nước có hơn 400 trường đại học liệu có mừng không? Người học mừng, vì đại học mở nhiều, vào ĐH giờ quá dễ, cứ có tiền, cứ học vài năm là ai cũng có bằng cử nhân. Bởi thế, số cử nhân giờ ứ thừa xếp hàng mỗi năm mỗi dài ra mà không có việc làm. Đất nước cứ kêu khó, cứ nói thách thức nhiều, mà sao người có học lại không sử dụng hết thì đào tạo ra làm gì nhiều thế?
Người “có học” cũng là ngôn từ để gọi người có bằng cử nhân, trở lên. Nhưng thực tế nhiều DN không muốn nhận cử nhân, nên nhiều chàng trai, cô gái phải giấu cả bằng cấp của mình đi để có việc làm. Cả những người có bằng thạc sĩ cũng đâu dễ chen chân, vì các cơ quan nhà nước đang lo tinh giản biên chế, mà vẫn đủ nỗi khó, đủ loay hoay: Tinh ai và giảm ai (?)
Phải thẳng thắn nhận ra rằng: Các trường ĐH mở ào ạt, tuyển sinh “đầu vào” lỏng tay, giáo trình kiến thức chưa trang bị cho sinh viên đủ chăng, nên chất lượng sinh viên cầm bằng cử nhân ra trường gần đây rất non. Thì cứ nhìn sự “lắc đầu” của các nhà tuyển dụng, cứ nhìn các trường ĐH giờ chỉ lo trang bị cho sinh viên mớ lý thuyết, mà lãng quên việc tạo điều kiện đi sâu vào thực hành của nghề nghiệp cần học. Hơn 400 trường ĐH cả nước, không ít trường mà giảng viên cơ hữu thiếu, ai biết cho? Rồi các trường ĐH ngoài công lập ồ ạt mở ra như cách kinh doanh GD, đặt lợi nhuận lên đầu, nên đào tạo cũng đâu đã chuẩn. Cứ học, cứ cấp bằng, rồi “tung” ra cuộc sống, nhiều trường ĐH chả cần biết sinh viên mình đào tạo ra trường sẽ bươn chải, lăn lộn với cuộc sống ra sao? Đó là sự khập khiễng của nơi đào tạo là nhà trường, và nơi sử dụng nguồn lực là các cơ quan DN cứ như đang ngày càng quá xa nhau.
Kinh tế trí thức rõ ràng phải gắn chặt từ đào tạo, từ cách trang bị tri thức gắn sát với thực tế cuộc sống. DN cần gì, cơ quan ở từng lĩnh vực cần gì đúng ra phải “đặt hàng” cho các trường ĐH. Hơn thế chính các trường ĐH cũng không thể “phó mặc” cứ đào tạo, cứ dạy, cứ cấp bằng, cứ tung sinh viên ra đời, chả cần hay biết “đôi cánh trí thức” của trường trang bị, trò có bay lên được hay không?
Cũng bởi thiếu gắn kết giữa cơ sở đào tạo và người sử dụng nguồn lực, nên ĐH của chúng ta không chịu bám sát thực tế để hiểu các DN đang cần gì ở lớp người trẻ, mà tính cách đổi mới đào tạo ĐH cho sát, cho trúng?
Nhìn con số 200 ngàn cử nhân không có việc ai mà không xót xa! Con số này sẽ còn kéo dài thêm đâu đã chịu dừng, khi tư duy làm đại học của chính Bộ GD - ĐT đang còn đó những loay hoay. Rõ ràng quá lãng phí bạc tiền. Không ít chuyện các gia đình nhà nông vì lo cho con cái vào ĐH mà nghèo khó. Ngỡ cho con cái vào học để vươn tới sự giàu, để xóa đi cái nghèo, cái khó. Nào ngờ nghèo khó như càng đè nặng vì học để có được cái bằng cử nhân, để xếp vào hàng ngũ là người “có chữ”, nhưng không việc làm.
Mới hay, quy hoạch ĐH chưa chuẩn. Cử nhân thì thừa ra, nhưng lao động có nghề đang quá cần, thì lại quá thiếu. Vậy thì sao ai cũng cố vào ĐH? Vì sao các trường nghề teo tóp đến thảm hại, vì thiếu người học. Cái bằng nghề không sang trọng bằng cái bằng cử nhân chăng? Khập khiễng từ cách nghĩ, cách nhìn như thế trong cuộc đua cả nước học ĐH, quyết có bằng được tấm bằng cử nhân, hay là vấn nạn trọng bằng cấp, đã vô tình làm cho cái khập khiễng trong đào tạo nguồn lực như càng khập khiễng hơn?
Kinh tế tri thức là chiếm lĩnh khoa học công nghệ hiện đại, là phải thành thạo hiểu biết sâu rộng công nghệ cao, là am tường công nghệ phần mềm tạo ra chất lượng sản phẩm tinh túy từ trí tuệ? Nhưng nhìn xem, các trường ĐH của chúng ta có được bao nhiêu sinh viên đáp ứng nổi yêu cầu như thế? Rõ ràng là còn quá ít người giỏi, người tài, mà lại quá dư thừa những người đang cầm trong tay bằng cử nhân, thạc sĩ… Thôi thì cái gì cũng hay, cũng biết một ít, nhưng chả cái gì sâu tỏ ra bài bản cho ra tấm ra miếng cả. Thế thì sao cuộc sống có “chỗ đứng” cho những người này?
Đất nước đầu tư cho GD không ít bạc tiền. Đó là sự đầu tư rất trúng. Vì có gì cần hơn, khôn ngoan hơn là đầu tư cho con người! GD là quốc sách thì sao có thể tiếc bạc tiền đầu tư cho GD?
Khai thác tài nguyên để làm giàu ư? Tài nguyên nhiều đến mấy, rồi cũng đến lúc cũng cạn kiệt. Trí tuệ con người mới là vô tận, vô giá, quốc gia nào biết đào tạo, biết vun đắp cho con người thì đó là cái phúc lớn cho quốc gia ấy!
Suy cho cùng, việc khởi nguồn sáng tạo đâu khác, là tuổi trẻ? Phải nhìn, phải trông vào lớp người trẻ ngay từ hôm nay để truyền cảm hứng cuộc sống, truyền đam mê khát khao vào trái tim nhiệt huyết của lớp người trẻ trung này. Phải biết khai thác trí tuệ từ con người, đó mới là điều căn cốt của kinh tế tri thức và tầm nhìn trí tuệ!
Đại biểu nhân dân