Mức tăng là hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho HSSV
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, BHYT là hình thức bắt buộc đối với toàn dân, trong đó bao gồm cả HSSV. Theo Luật sửa đổi, mỗi năm một học sinh phải đóng BHYT tương ứng với 4,5% mức lương cơ sở, thay vì 3% như trước (tăng gấp 1,5 lần). Thêm một điểm mới nữa là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT HSSV sẽ theo năm tài chính (từ ngày 1.1 đến 31.12 của năm), thay vì ghi theo ngày bắt đầu năm học, vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 như trước đây. Tuy nhiên, do năm nay là năm đầu tiên áp dụng quy định của Luật, nên việc đóng BHYT đối với HSSV sẽ kéo dài thêm 3 tháng (tức 15 tháng).
Theo đó, đối với HSSV tham gia BHYT đủ 12 tháng, số tiền đóng trong năm học 2015 - 2016 là 621.000 đồng. Nhưng, theo quy định của Luật BHYT, HSSV thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30%. Do vậy, các em phải đóng 434.700 đồng/năm, số còn lại sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Nhưng do năm nay là năm đầu tiên thực hiện theo luật sửa đổi, hầu hết HSSV sẽ phải đóng 15 tháng để được cấp thẻ BHYT có giá trị đến 31.12 năm sau với số tiền phải đóng là 543.375 đồng. Mức đóng này thể hiện sự công bằng với tất cả các đối tượng tham gia BHYT. Mặt khác, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được mở rộng nhiều (nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh). Vì vậy, mức đóng của người tham gia BHYT cũng phải mở rộng theo - Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Thực tế, mức tăng BHYT đối với HSSV là hoàn toàn hợp lý. Bởi, trước khi xây dựng chính sách, mức tăng 1,5 lần này là áp dụng đối với mọi đối tượng, trong đó đã tính tới cả đối với các trường hợp nghèo và cận nghèo. Việc nâng mức đóng BHYT mục đích nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Từ đó, quyền lợi của HSSV được bảo đảm hơn, kinh phí dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng được nâng lên. Nhất là đến năm 2016, theo dự tính giá viện phí và dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng. Khi đó, nếu người dân không có thẻ BHYT sẽ rất tốn kém mỗi khi khám chữa bệnh - Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm lý giải.
Nhà trường, phụ huynh than vắn, thở dài
Là giáo viên chủ nhiệm đã nhiều năm, hiện đang công tác tại trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội, năm nào cô Mai cũng phải đứng ra để thu các khoản tiền, trong đó có tiền thu BHYT của các em học sinh. Khi được hỏi việc thu BHYT năm nay của trường, cô Mai cho biết: theo quy định mới, tiền thu BHYT của học sinh tăng lên đáng kể, nhất là riêng năm học 2015 - 2016, học sinh vừa phải đóng thêm khoản tiền tăng thêm, vừa phải đóng thêm 3 tháng tiền BHYT. Như mọi năm, đơn cử là năm học 2014 - 2015, mỗi học sinh chỉ phải đóng 289.800 đồng, nhưng năm nay khoản tiền mà học sinh phải chi để mua BHYT là khá cao (543.375 đồng sau khi đã trừ 30% tiền hỗ trợ của Nhà nước). Thực tế đầu năm học mới 2015-2016, khi nhận được thông báo số tiền đóng BHYT theo quy định mới, nhiều phụ huynh đã không khỏi băn khoăn khi mức đóng BHYT đã tăng gấp rưỡi so với năm học trước.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thanh Trì, Hà Nội Nguyễn Thị Tuyết Lê nêu thực tế: việc tăng mức thu BHYT đối với HSSV thực tế đã khiến hầu hết giáo viên chủ nhiệm các khối lớp, trường rơi vào hoàn cảnh rất bối rối và áp lực. Bởi việc đóng BHYT giờ không còn là chuyện chỉ tiêu, mà là hình thức bắt buộc, 100% học sinh phải đóng. Nguyện vọng thì gia đình nào cũng mong muốn được đóng BHYT cho con em mình, nhưng do đầu năm học với nhiều khoản phải chi nên việc tăng đóng BHYT này đã khiến không ít gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ngần ngại và trì hoãn việc đóng bảo hiểm cho con.
Không chỉ đối với các nhà trường, thầy cô giáo kêu khó, và áp lực trong việc thu BHYT, nhiều bậc phụ huynh cũng than vắn, thở dài khi mà cùng với nhiều khoản phí đầu năm học, việc tăng mức đóng BHYT theo quy định mới cũng tạo nên gánh nặng lớn đối với gia đình họ. Tâm tư về chuyện này, bác Bùi Văn Bình - xóm ngõ Lộc, Đông Khê, Đan Phượng, Hà Nội cho biết: gia đình bác có 4 con đang trong độ tuổi ăn học, trong đó có 1 con gái học đại học, 2 con học PTTH, 1 tiểu học. Bác Bình than thở, năm học này, tính riêng tiền BHYT của các cháu nhà tôi đã tốn tới hơn 2 triệu đồng. Nếu chỉ phải đóng tiền BHYT thì không vấn đề, nhưng đầu năm học có nhiều khoản phải chi như tiền mua sách vở, bút mực, đồng phục, đóng học phí và nhiều khoản thu ngoài khác nữa nên gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Việc mua thẻ BHYT để bảo đảm quyền lợi cho các con khi KCB là điều hết sức cần thiết và phải làm, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên để tham gia đóng được, chắc chắn tôi phải vay mượn của bạn bè...
Chia nhỏ thời gian đóng BHYT
Đem tâm tư này của các trường cũng như nhiều bậc phụ huynh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH ViệtNam) Phạm Lương Sơn về giải pháp nào để tháo gỡ, giảm áp lực cho nhà trường cũng như các bậc phụ huynh HSSV trong việc đóng BHYT. Ông Sơn cho biết: Dù ở cấp học tiểu học hay đại học thì các khoản phí đầu năm cũng là một gánh nặng đối với rất nhiều gia đình, nhất là những gia đình ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, để giảm gánh nặng về các khoản phí đầu năm cho phụ huynh HSSV, tùy điều kiện và quy định cụ thể, các địa phương có thể chia nhỏ thời gian đóng BHYT của các em là 3 tháng hoặc 6 tháng. Những HSSV thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, các em có quyền tham gia BHYT theo hộ gia đình để được Nhà nước hỗ trợ mức cao hơn (người nghèo được hỗ trợ 100%, người cận nghèo được hỗ trợ 70%).
Cũng theo Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm: Để triển khai Luật BHYT (sửa đổi), đã có nhiều văn bản hướng dẫn cách thực hiện. Cụ thể, đối với HSSV, việc đóng BHYT cũng được quy định rất rõ tại Thông tư 105 liên Bộ Y tế - Tài chính. Nội dung thông tư có đề cập đến việc có thể đóng BHYT theo đợt 6 tháng, 1 năm, việc thực hiện tùy theo lựa chọn linh hoạt của các trường, các địa phương...
Như vậy, rõ ràng quy định hiện hành đối với việc tham gia BHYT rất mở và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng. Nhưng hiện nay, sở dĩ việc thu BHYT của các trường và việc đóng BHYT của HSSV còn nhiều khó khăn là do ở cách nghĩ và cách làm. Thiết nghĩ, nếu các trường tuyên truyền kỹ hơn và linh động hơn trong cách thu, cụ thể thay vì thu 1 lần đầu năm học thì nên tách ra làm 2 hoặc vài đợt thu để giảm gánh nặng về chi phí cho các bậc phụ huynh thì chắc chắn việc tham gia BHYT của các em HSSV sẽ hiệu quả.
Người đại biểu nhân dân