287
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 22/09/2015 08:29
Lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc
Cứ vào cuối tuần, khu phố cổ Hà Nội, đặc biệt là các phố đi bộ, lại tấp nập hơn thường ngày. Đáng chú ý là đông đảo cư dân phố cổ, khách du lịch trong và ngoài nước thường tập trung trước một sân khấu được trang trí đơn giản để thưởng thức âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Điểm đến hấp dẫn


Một cư dân phố cổ cho biết, đã thành thói quen, tối thứ sáu và chủ nhật hàng tuần, trước cửa đền Hương Tượng, ngã tư phố Mã Mây - Lương Ngọc Quyến, và tại sân khấu Đồng Xuân vào tối thứ bảy hàng tuần, nhiều người tới đây từ rất sớm, chọn chỗ để có thể thưởng thức trọn vẹn chương trình biểu diễn Hà thành 36 phố phường do các nghệ sĩ Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam biểu diễn. Đúng 20h, âm nhạc, lời ca vang lên, hàng trăm khán giả xung quanh dõi theo chăm chú. Từ người cao tuổi tới giới trẻ, thậm chí những em bé cũng nhún nhảy, lắc lư, vỗ tay theo nhạc. Nhiều khách du lịch nước ngoài thích thú chụp ảnh, ghi lại các màn biểu diễn độc đáo họ lần đầu được thưởng thức.

 

Bên cánh gà, nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm trực tiếp chỉ đạo chương trình. “Kể từ khi Trung tâm bắt đầu biểu diễn tại phố cổ Hà Nội tới nay thấm thoát đã 10 năm, tạo ra món ăn tinh thần quen thuộc cho khán giả. Khi đặt vấn đề biểu diễn xẩm ở phố Hàng Đào, nhiều nhà quản lý còn hoài nghi, thậm chí can ngăn vì không tin rằng nghệ thuật truyền thống có khán giả, và cũng có trường hợp không thành công trước đó. Tuy nhiên, ngay đêm biểu diễn đầu tiên, không chỉ bác xe ôm, cô lao công mà cả những bạn trẻ trong nước và khách nước ngoài đều đắm mình trong lời ca tiếng hát, điệu nhạc đặc trưng của dân tộc ViệtNam” - nhạc sĩ Thao Giang nhớ lại.

 

Từ thành công ấy, Trung tâm tăng dần số buổi diễn phục vụ khán giả, tới nay là 12 buổi diễn/tháng. Mỗi buổi diễn có một nội dung riêng với các tiết mục khác nhau, như “mâm cơm hằng ngày đổi món cho khán giả đỡ nhàm chán”. Đó có thể là trình diễn hát văn, quan họ, ca trù, hát xẩm, trống quân, trình tấu nhạc cụ... Đặc biệt, mỗi chương trình, các nghệ sĩ dành 15 phút giao lưu với người xem, qua đó giới thiệu sâu hơn về nghệ thuật dân tộc ViệtNam. Ví dụ, trong nghi lễ hầu đồng, việc lên khăn cho giá hầu của ông quan thì phải làm như thế nào, hay bài hát Chân quê (phổ thơ Nguyễn Bính) lồng vào thành bài hát xẩm ra sao; buổi thì giới thiệu nhạc khí, như đàn nguyệt dùng trong hát văn, hát chèo, đờn ca tài tử; hay nghệ thuật diễn tấu của đàn bầu, đàn nhị... Các buổi diễn vừa phục vụ nhu cầu thưởng thức, vừa góp phần tăng hiểu biết về âm nhạc truyền thống cho công chúng.

 

Được khán giả nuôi dưỡng


Biểu diễn ngoài trời, không có ghế ngồi, rạp che, cũng không có giấy mời hay quảng cáo, nhưng nhiều khán giả vẫn tìm đến vì sức hút của nghệ thuật dân tộc. Nhạc sĩ Thao Giang kể: có khán giả không vắng buổi nào, còn tình nguyện giúp nghệ sĩ sắp xếp đồ đạc để diễn. Không chỉ những người ở trung tâm Hà Nội và phố cổ hay khách du lịch nước ngoài, mà có người đi xa vài chục cây số chỉ để được nghe nhạc truyền thống. Có ngày, đến giờ diễn, trời bất ngờ mưa lớn, nghệ sĩ và khán giả lại lục tục đi về... “Có thể nói, chương trìnhHà thành 36 phố phường đã được khán giả nuôi dưỡng. Sự tán thưởng của người xem là động lực để các nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo, tập luyện và biểu diễn. Đó cũng là do chúng tôi nắm bắt được nhu cầu thưởng thức của người xem; nhiều nghệ nhân cũng góp mặt, được tôn vinh một cách trang trọng”.

 

Ngoài Hà thành 36 phố phường, hiện nay tại phố cổ Hà Nội còn có thêm nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và nhạc trẻ, góp phần tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp của phố cổ Hà Nội, là điểm du lịch ưa thích của khách nước ngoài. Tuy nhiên, nhạc sĩ Thao Giang cho rằng: Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc ViệtNam biểu diễn không nhằm phục vụ du lịch mà là nỗ lực để bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân tộc. “Khi còn công tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), nhiều tài liệu tôi và đồng nghiệp viết thường nằm im trên giá sách. Dù việc nghiên cứu rất cần thiết, nhưng nghệ thuật truyền thống cũng phải vang lên trong tai, hiển hiện trước mắt khán giả, để họ thấy hát xẩm, ca trù, tiếng đàn đáy... hay đến mức nào. Từ biểu diễn tại phố cổ Hà Nội, các nghệ sĩ của Trung tâm cũng được mời biểu diễn định kỳ tại một số không gian văn hóa trong thành phố. Hy vọng qua đó, khán giả sẽ thêm yêu nghệ thuật truyền thống”.

 

Qua chương trình “Hà thành 36 phố phường”, nhiều khán giả Việt Nam và cả người nước ngoài đã tới đăng ký theo học tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Chị Đặng Thị Thanh, ở 24 Đào Duy Từ cho biết: “Trước kia tôi chỉ hát nhạc mới, nhưng từ khi được xem các buổi biểu diễn của Trung tâm, tôi thêm yêu nhạc cổ, với ca từ rất hay, âm nhạc da diết, trữ tình. Khi biết Trung tâm có mở lớp, tôi rủ bạn bè đi học. Qua hơn 2 năm, tôi đã hát được các làn điệu quan họ, hát xẩm, hát văn...”.

 

Người đại biểu nhân dân