Ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chất vấn Bộ trưởng vấn đề liên quan tới việc tổ chức kỳ thi quốc gia theo cách thức mới một cách chặt chẽ để phụ huynh khỏi lo lắng vì cho rằng điểm thi tốt nghiệp sẽ thấp đi nhiều.
Các em học sinh hãy yên tâm ôn tập để thi tốt
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc chấm và coi thi đều có quy chế, các thầy, cô ở địa phương hay ở Trung ương, các trường đại học đều coi trọng các em học sinh.
“Bộ đã tính toán thang điểm kỹ càng (trước đây tính chi tiết tới 1/4 điểm thì nay có thể tới 1/8 điểm). Kỳ thi này phải rất coi trọng sự trung thực. Chúng tôi đã bàn bạc kỹ với các Giám đốc Sở GD&ĐT trong triển khai tổ chức kỳ thi này”, ông Phạm Vũ Luận nói.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng gửi đến các em học sinh lời động viên: “Các em cứ yên tâm ôn tập. Sẽ không có "cú sốc" nào trong kỳ thi này. Tuy nhiên, đổi mới thì phải tạo sự chuyển biến để chất lượng tốt lên”.
Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) nêu vấn đề phát sinh mà Bộ GD&ĐT chưa đánh giá kỹ càng là nơi ăn ở, sinh hoạt cho thí sinh và phụ huynh trong kỳ thi này, vì đây không chỉ là nỗi lo của học sinh, phụ huynh mà còn là nỗi lo của chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ đã đi khảo sát và trao đổi kỹ với lãnh đạo các tỉnh, thành, các sở, ngành và thấy các địa phương vào cuộc quyết liệt. Các tổ chức chính trị, xã hội cũng tham gia giúp đỡ bằng nhiều hình thức như đưa đón thí sinh hoặc tạo thêm thuận lợi về sinh hoạt, ăn uống cho các cháu.
Theo Bộ trưởng, đối với những học sinh đăng ký thi tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay có thể dự thi tại 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Việc này làm cho học sinh và phụ huynh chỉ phải đi lại quãng đường gần hơn so với những năm trước (năm trước chỉ tổ chức 5 cụm thi) và việc 1 thí sinh đăng ký xét tuyển ở 2 khối cũng không cần phải di chuyển 2 lần cho mỗi lần thi như trước.
Đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ e ngại việc tổ chức kỳ thi quốc gia theo cụm do trường ĐH và cụm do sở GD&ĐT địa phương chủ trì sẽ không công bằng cho các thí sinh ở mỗi tỉnh. Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ có quy chế rõ ràng, chi tiết về những việc phải làm, được làm, không được làm trong kỳ thi quốc gia. Cùng với đó sẽ có bảng điểm chi tiết. Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra, phúc tra kỳ thi này một cách kỹ lưỡng, không chỉ ngay sau kỳ thi, trong khi chấm thi mà ngay cả khi học sinh vào học năm học mới rồi để đảm bảo công bằng.
“Chúng tôi quán triệt đổi mới kỳ thi là các thầy, cô giáo, nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục nhận khó về mình, tạo thuận lợi tối đa cho học sinh”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp vẫn có cơ hội vào đại học
Bộ trưởng cũng cho biết học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển ĐH thì vẫn có cơ hội vào ĐH khi Bộ đã có quy chế để các trường có phương án tuyển sinh riêng. Năm nay có trên 150 trường có phương án tự chủ tuyển chọn và học sinh hoàn toàn có thể đăng ký vào các trường này.
Trước lo ngại của một đại biểu về việc gia tăng thí sinh ảo đăng ký xét tuyển vào ĐH ở kỳ thi quốc gia, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết về mặt lý thuyết thì không có thí sinh ảo. Nhưng nếu có thí sinh ảo thì Bộ xác định nguyên tắc cán bộ quản lý nhận thêm phần khó khăn để tạo thuận lợi nhất cho học sinh. Có học sinh điểm cao nhưng đăng ký vào trường có điểm chuẩn còn cao hơn nữa thì bị trượt, có học sinh điểm không cao, đăng ký trường vừa sức lại đỗ. Vì vậy, Bộ sẽ có cách để những em có điểm cao không phải chịu thiệt thòi.
Chinhphu.vn