358
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 17/03/2015 07:44
Kiên quyết loại bỏ những lễ hội phản cảm, không có tính giáo dục
So với trước đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2015 đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy dư luận vẫn quan tâm lưu ý tới một số tiêu cực gây mất mỹ quan và làm giảm đi ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên về vấn đề này
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên trả lời phỏng vấn (Ảnh: K.T)

Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết, những chuyển biến tích cực của mùa lễ hội năm nay ?


Thứ trưởng Vương Duy Biên: Mặc dù chưa tổng kết và lễ hội đang vào mùa cao điểm, nhưng theo đánh giá bước đầu, lễ hội năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực so với mọi năm. Qua kiểm tra, đánh giá thực tế cho thấy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã đạt được những kết quả tốt, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy; lượng người tham gia lễ hội đông hơn, văn minh hơn. Tại các di tích, lễ hội, việc thắp hương, hoá vàng mã, hoá sớ… đã thực hiện đúng quy định của Ban Tổ chức; vệ sinh môi trường, cảnh quan di tích, lễ hội đảm bảo sạch, đẹp; tình trạng đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch đã hạn chế nhiều; hàng quán, dịch vụ, giao thông, bến bãi... được bố trí khoa học, đảm bảo không gian lễ hội văn minh, trật tự….

 

Để có được những chuyển biến nhất định này, nguyên nhân là do lãnh đạo cũng như lực lượng thanh tra Bộ đã quyết liệt vào cuộc kiểm tra (kể cả đột xuất) ở cả ba giai đoạn: Trước, trong và sau lễ hội. Cũng chính vì sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà chính quyền các địa phương đã thấy được trách nhiệm phải tổ chức các lễ hội tốt hơn.



Cùng với việc vào cuộc của cơ quan quản lý, trong năm qua, công tác giáo dục tư tưởng, tuyên truyền về lễ hội cũng được đẩy mạnh, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân tham gia lễ hội. Mặc dù vẫn còn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cơ bản, ý thức của người dân tham gia lễ hội đã ngày càng tốt hơn, văn minh hơn.

 

Trong năm qua, các nhà quản lý, nghiên cứu về văn hóa, lễ hội cũng đã lên tiếng bài trừ, lên án những thói hư, tật xấu, tập tục chưa phù hợp tại các lễ hội. Chính sự cộng hưởng, cùng vào cuộc của các cấp, các ngành đã dần đẩy lùi những tiêu cực tại các lễ hội, làm cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội đi vào nề nếp.

 

Sới vật hội Lim (Bắc Ninh thu hút hàng vạn người tham dự
(Ảnh: Thế Dương)

 

PV: Mặc dù có những chuyển biến nhất định, nhưng thực tế, trong năm 2015, tại một số lễ hội vẫn còn có những hiện tượng không đẹp như: Cướp kiệu hoa tre ở hội Gióng, cướp lộc tại Đền Trần… phản cảm, gây bức xúc trong dư luận. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?


Thứ trưởng Vương Duy Biên: Đúng như báo, đài đã phản ánh, trong mùa lễ hội năm 2015, mặc dù đã có những chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu là do lễ hội lớn, có sức hút nên quá đông người tham gia, dẫn đến việc quá tải khiến an ninh trật tự không đảm bảo, kẻ xấu lợi dụng….

 

Đây không phải là vấn đề mới, mà năm nào cũng xảy ra. Mặc dù công tác tổ chức được chuẩn bị tốt, nhưng do không lường trước được số người tham gia nên vẫn có những biến cố xảy ra. Quan điểm của Bộ là tất cả các lễ hội, đặc biệt là lễ hội truyền thống và lễ hội dân gian đưa về cho nhân dân tự tổ chức. Bộ chỉ tổ chức những lễ hội mang tính chất quốc gia, lễ kỷ niệm có ý nghĩa chính trị…. Vì vậy, để xảy ra những tiêu cực tại các lễ hội, trách nhiệm trước hết phải thuộc về chính quyền địa phương, cơ quan tổ chức lễ hội. Bộ có thanh tra, kiểm tra nhưng không phải lúc nào cũng giám sát hết được.

 

Để đẩy lùi được những tiêu cực tại các lễ hội, điều quan trọng là cần có sự vào cuộc kiên quyết, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bộ cũng sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết xử lý những sai phạm trong các lễ hội.

 

PV:Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức lễ hội tràn lan như hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân kiến cho chất lượng của lễ hội không được đảm bảo. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?


Thứ trưởng Vương Duy Biên: Hiện cả nước có tới 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Trung bình mỗi ngày, nước ta có đến hơn 20 lễ hội diễn ra, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, hơn 8.000 lễ hội lớn, nhỏ này không phải lễ hội nào cũng giữ được truyền thống và ý nghĩa tốt đẹp vốn có. Qua thời gian, nhiều lễ hội đã bị biến tướng, phản giáo dục, không còn phù hợp với hiện tại và cần phải loại bỏ, quy hoạch lại.



Hiện Bộ đã được giao thực hiện Đề án Quy hoạch lễ hội. Căn cứ vào nghiên cứu thực tế, Bộ sẽ tham mưu lên Chính phủ giảm tần suất, quy mô lễ hội, nhưng giá trị tinh thần, hàm lượng văn hóa sẽ tăng lên. Thực tế, việc triển khai thực hiện Đề án này sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi việc tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương mang lại nguồn thu lớn, thậm chí còn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để trả lại ý nghĩa tốt đẹp cho các lễ hội, chúng ta cần phải kiên quyết thực hiện.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!


ĐCSVN