291
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 05/11/2015 08:40
Khủng hoảng thừa - thiếu lao động: Thiếu hụt kỹ năng trầm trọng
Mỗi năm có hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, trong khi các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động cần thiết. Cuộc khủng hoảng thừa - thiếu lao động được các chuyên gia nhận định là chưa tuân thủ quy luật cung - cầu, đặc biệt là lao động thiếu hụt kỹ năng trầm trọng.
Nguồn: hanoimoi.com

Con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nhân lực là nhiệm vụ cấp thiết, điều kiện tiên quyết, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong quá trình hội nhập, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng ASEAN. Trong tình trạng tỷ lệ lao động Việt Nam qua đào tạo thấp, nhân lực vừa thừa, vừa thiếu… một lần nữa, vấn đề đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội lại được tập trung bàn luận tại hội thảo quốc tế Chuyển biến kinh tế - xã hội và giáo dục, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Pháp tổ chức ngày 3 - 4.11.


Đào tạo kiểu tháp ngà


TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD - ĐT nhận định: khó khăn của lao động ViệtNamhiện nay không phải thiếu cầu lao động mà là thiếu hụt kỹ năng. Ở quốc gia nào, lao động cũng thiếu hụt kỹ năng, nhưng ở Việt Nam là trầm trọng và đáng lo ngại, khi tỷ lệ thiếu hụt kỹ năng so với mong đợi của doanh nghiệp lên tới hơn 37% trong ứng dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế, 21,64% về trình độ ngoại ngữ, 20,53% về khả năng tư duy logic. Đặc biệt, thiếu hụt này không phải vấn đề mới, nhưng chưa nằm trong nhận thức của cơ sở đào tạo, thậm chí ngay các doanh nghiệp ViệtNamcũng nhận thức không đầy đủ.

 

Tìm hiểu nguyên nhân từ phía cơ sở đào tạo, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: xét về phương diện cung cấp kỹ năng cho nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo phải là hệ thống trong quan hệ tương tác với 5 loại cơ sở khác: cơ quan tuyển dụng (nơi sử dụng kỹ năng), các doanh nghiệp (nơi sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học), các viện nghiên cứu (nơi phối hợp nghiên cứu khoa học), các cơ sở đào tạo khác (nơi phối hợp cung cấp kỹ năng) và các trường phổ thông (nơi đặt nền móng về kỹ năng). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2012, các cơ sở đào tạo ViệtNamvẫn được tổ chức và hoạt động theo kiểu tháp ngà, biệt lập, không có liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo với 5 cơ sở trên.

 

Nguyên nhân của tình trạng thiếu gắn kết này, nhìn từ phía cơ sở đào tạo là do: thiếu thông tin (thiếu cơ chế cung cấp thông tin cho nhà trường và sinh viên, thông tin cần thiết về thị trường lao động; thiếu thông tin về cung của cơ sở giáo dục đại học và về cầu của doanh nghiệp để kết nối cung - cầu và các khả năng, phương thức gắn kết có hiệu quả); thiếu năng lực (trình độ giảng viên không theo kịp những biến động của thị trường lao động; cơ sở đào tạo chưa tạo được niềm tin cần thiết về năng lực để doanh nghiệp tìm đến). Ngoài ra, các cơ sở đào tạo công lập, với số học sinh, sinh viên lên tới khoảng 80% tổng số, thiếu động lực gắn kết do không bị áp lực cạnh tranh. Tình trạng thiếu tự chủ và thiếu trách nhiệm giải trình cũng khiến các cơ sở đào tạo thiếu động lực cần thiết…

 

Tuân thủ quy luật giá trị


Để giải quyết khủng hoảng trên, GS. TS. Nguyễn Minh Đường, Viện Khoa học giáo dục ViệtNamcho rằng: Phải chuyển sang đào tạo theo hướng cầu. Khi cung bằng cầu thì thị trường đào tạo được cân bằng. Điều này đòi hỏi việc đào tạo nhân lực phải điều chỉnh kế hoạch cung ứng của mình để tránh khủng hoảng thừa hoặc thiếu. Hơn nữa, đào tạo nhân lực là một thị trường, do vậy cần tuân thủ các quy luật để phát triển. Muốn có những sản phẩm chất lượng cao, cần có chi phí đào tạo cao, đầu tư cao. Muốn được hưởng dịch vụ giáo dục chất lượng cao phải đóng học phí cao. Sản phẩm đào tạo với chất lượng cao phải được đánh giá cao hơn…

 

Hiện nay, chúng ta chưa tuân thủ quy luật giá trị nên chưa xếp hạng được các cơ sở đào tạo, đầu tư dàn trải, chất lượng đầu ra thấp. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, các cơ sở đào tạo không chỉ cạnh tranh với các cơ sở đào tạo trong nước mà còn với các cơ sở đào tạo của nước ngoài trên đất nhà. Nâng cao chất lượng nhà trường và chất lượng đào tạo đang là nhu cầu cấp bách. Để “hướng cầu”, Việt Nam đã có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực dài hạn, vốn rất cần thiết, tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thị trường lao động luôn biến động. Do đó, bên cạnh quy hoạch, cần có biện pháp thu thập thông tin, cập nhật sự biến đổi thường xuyên của thị trường lao động để điều chỉnh cơ cấu đào tạo hằng năm.

 

  Theo TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến, Việt Nam đã đưa ra các giải pháp về chính sách khá đầy đủ: Chuyển hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp từ hướng cung sang hướng cầu, như đưa cơ chế cạnh tranh vào tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo với NQ40 của Chính phủ; từng bước mở rộng quyền tự chủ của cơ sở đào tạo, xây dựng cơ chế khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo - được quy định trong Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp. Bên cạnh đó, đã có chính sách nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở, đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra… Tuy nhiên, điểm yếu là khâu tổ chức thực hiện và bài toán này sẽ còn đó chừng nào việc tổ chức thực hiện chưa tìm được lời giải hiệu nghiệm.


Người đại biểu nhân dân