Hang Lèn Hà nằm trong một khu rừng rậm cách đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh khoảng 10km, thuộc xã Thanh Hóa-xã rẻo cao huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ở nơi hiu quạnh lưng núi Trường Sơn ngày xưa, nay đã hình thành nên cụm di tích tưởng niệm miền tráng ca Lèn Hà, một nhà bia, một nhà lưu niệm, tấm bia ghi danh tưởng niệm 13 người hy sinh, đặc biệt trên vách đá còn lưu dấu dòng chữ: “Quý xăng như máu/ Yêu máy như con/ Quyết tâm bám máy giữ vững thông tin liên lạc”. Trong nghi ngút khói hương, 3 nữ chiến sĩ còn sống trong trạm cơ vụ A69 ngày ấy đã đưa khán giả trở lại với không gian, thời gian của những người đồng đội tại Lèn Hà thuở nào…
Tác giả kịch bản “Tóc mây Lèn Hà”- Ngọc Minh, đã bám sát trung thực những cứ liệu lịch sử về những chiến sĩ ở trạm cơ vụ A69 trong thời gian ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những ngày đầu tháng 7-1972.
Vở kịch không chia ra các tuyến nhân vật chính, phụ cụ thể nhưng lại rất nhiều nhân vật, đó là 13 cô gái cùng các cán bộ, chiến sĩ đã được đạo diễn và tác giả kịch bản khéo léo xử lý để nêu bật được tinh thần của những con người không sợ đối đầu với cái chết, ngày đêm bám trụ, vượt lên tất cả những hiểm nguy của bom đạn, sự khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống giữa rừng thiêng nước độc, sự khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn để tạo dựng một cuộc sống mới nơi đây. Không những thế các anh, các chị được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương làm công trình đập nước ở khe suối cách trạm khoảng 2km để tạo nguồn điện phục vụ cho công việc. Hiểm nguy, gian khổ là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ của trạm cơ vụ A69 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững thông tin liên lạc, phục vụ cho các mặt trận, các chiến dịch, chiến đấu thắng lợi. Ngày 2-7-1972, trong lúc các cán bộ, chiến sĩ trạm cơ vụ A69 đang làm nhiệm vụ thì máy bay Mỹ ập tới, 13 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có 10 chiến sĩ nữ. Các chiến sĩ hy sinh đều còn rất trẻ, đa số tuổi đời từ 17 đến 20. Các anh, các chị đã ngã xuống, hiến dâng tuổi thanh xuân, dâng trọn cuộc đời để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Vở diễn đạt được chất lượng nghệ thuật, là vở bi kịch, nhưng là bi kịch lạc quan, khiến người xem phải ngăn nước mắt để nở nụ cười trong những cảnh mừng vui khôn xiết của một đồng chí nhận được thư tin vợ ở quê sinh con trai; hay tình yêu đơm hoa kết trái của hai chiến sĩ trong trạm cơ vụ được đạo diễn khéo léo tạo ra trong những cảnh tỏ tình lãng mạn, nên thơ… Nổi bật lên trong các nhân vật là câu chuyện tình xúc động của chị Vũ Thị Lan (NSƯT Minh Thư vào vai), khiến khán giả rơi nước mắt. Chị Lan yêu anh Hưng, một người cùng đơn vị trên đường Trường Sơn. Cùng làm việc trên một cung đường, nhưng vì nhiệm vụ có khi cả năm trời họ cũng chẳng được gặp nhau. Biết được hoàn cảnh 2 người, cùng với những thành tích cộng lại, đơn vị cho chị Lan về tuyến sau để tổ chức đám cưới và lo chuyện cho 2 gia đình ở hậu phương. Trong ngày bịn rịn chia tay với những đồng đội, chị Lan lại hy sinh cùng với 12 đồng chí khác. Mối tình Trường Sơn của chị Lan và anh Hưng như tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội trên đường ra trận...
PGS Nguyễn Thị Minh Thái xúc động chia sẻ, “Tóc mây Lèn Hà” là một khúc tráng ca đẹp. Đạo diễn, NSND Lê Hùng đã không “lạm dụng” những tiếng súng, tiếng bom ùm oàm trên sân khấu, mặc dù đây là vở diễn đề cập tới vấn đề chiến tranh. Tất cả những cảnh diễn, tình huống đã thể hiện niềm lạc quan yêu đời, những cô gái trẻ trung, hồn nhiên nhưng rất dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ để vươn lên sống, khát vọng yêu đương gắn với khát vọng hòa bình của dân tộc.
NSND Lê Hùng, đạo diễn của “Tóc mây Lèn Hà” chia sẻ, ông từng có thời gian sống và chiến đấu ở chiến trường, nên sự cảm nhận về cuộc sống của đồng đội rất rõ. Do đó, làm vở diễn về chiến tranh không nhất thiết lúc nào cũng có bom rơi đạn nổ. “Tóc mây Lèn Hà” như một sự tri ân của những người làm nghệ thuật ngày nay ngưỡng vọng về những tinh thần, khát vọng của các đồng chí, đồng đội hơn 40 năm về trước. Nay đất nước đang trên đà phát triển, những người làm nghệ thuật như NSND Lê Hùng luôn có tâm trạng còn mắc nợ với đồng đội của mình, về những vở diễn, những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm với sự hy sinh thầm lặng của những người con đất Việt quên mình vì nghĩa cả.
QĐND