Nhiều tỉnh xin rút
Năm học 2016 - 2017, hai tỉnh Hà Giang và Hà Tĩnh đã quyết định dừng triển khai mô hình trường học mới VNEN. Mới đây nhất, hơn 70 phụ huynh của Trường THCS Đất Đỏ tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã xin rút con khỏi các lớp học này. Trước đó, vào đầu năm học 2015 - 2016, tại một số trường THCS ở Đắk Lắk cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Theo hơn 70 phụ huynh của Trường THCS Đất Đỏ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, họ xin rút con khỏi các lớp học này bởi qua một năm nhìn lại kết quả học tập của học sinh rất đáng lo ngại. Cụ thể, các phụ huynh cho rằng học sinh được chia nhóm học trong lớp đều không tập trung, hay nói chuyện riêng. Học sinh giỏi thì rất thích mô hình này nhưng học sinh yếu, kém thì không. Bởi không bị chấm điểm, không truy bài, không có bài tập… nên một số em vốn lười học lại càng lười học hơn, dẫn tới mất căn bản, điểm thấp. Trong khi đó phụ huynh muốn giảng dạy cho con rất khó vì chưa có sách tham khảo, không có điều kiện kèm con học.
Hà Tĩnh cũng quyết định tạm dừng triển khai đại trà VNEN sau khi trực tiếp khảo sát thực tế và tham vấn ý kiến của các trường và những giáo viên có kinh nghiệm. Rất nhiều nỗi lo đã được “vạch” ra khi áp dụng mô hình này rộng rãi nhưng chưa bảo đảm được điều kiện và giám sát được chất lượng như không đủ kinh phí để thực hiện dự án, giáo viên phải tự làm đồ dùng dạy học, giáo viên không được tập huấn đầy đủ, chi phí SGK đắt đỏ; mô hình tự quản làm cho học sinh yếu càng yếu hơn… Do đó, quyết định của Hà Tĩnh được nhiều giáo viên, phụ huynh đồng tình, vui mừng và cho rằng cần đánh giá một cách toàn diện trước khi triển khai đại trà.
Trước đó, ngày 4.7, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành văn bản đề nghị ngành GD - ĐT Hà Giang dừng việc sử dụng tài liệu theo mô hình trường học mới từ năm học 2016 - 2017. Theo giải thích của Sở GD - ĐT Hà Giang, lý do là trên địa bàn tỉnh năng lực của đội ngũ giáo viên không đồng đều nên rất khó tổ chức các hoạt động theo mô hình trường học mới; cơ sở vật chất, tài liệu chưa phù hợp để triển khai… Thực tế không phải trường nào cũng có đủ điều kiện để tổ chức áp dụng thí điểm theo mô hình VNEN.
Chính việc chạy theo phong trào, làm vội vàng trong khi trường học chưa đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu giáo trình và giáo viên chưa được tập huấn kỹ… đã khiến VNEN trở thành nỗi ám ảnh đối với người dạy lẫn phụ huynh. Thậm chí, giáo viên ở nhiều tỉnh, thành phố khác cũng mong mỏi lãnh đạo địa phương mình có quyết sách “sáng suốt” như hai tỉnh trên và đề nghị ngành GD - ĐT nên dừng hoàn toàn mô hình này.
Vận dụng phải chọn lọc
Mọi chủ trương của Bộ GD - ĐT đều nhằm nâng cao chất lượng cho nền giáo dục nước nhà. VNEN cũng vậy, đó là nỗ lực ứng dụng một mô hình dạy học với nhiều hy vọng về sự đổi thay tích cực. Nhưng để VNEN phát huy hiệu quả, vận dụng phải chọn lọc và có sự tính toán thật chu toàn. Nhiều người đã đặt câu hỏi mô hình VNEN vốn chỉ thích hợp áp dụng cho học sinh nông thôn và miền múi, việc áp dụng đại trà vào cả những trường ở thành phố đã được nghiên cứu thực nghiệm nhằm kiểm chứng tính chất và phạm vi khả thi của nó chưa? Đặc biệt, học theo mô hình VNEN ở tiểu học, THCS rồi lên THPT quay lại với mô hình dạy học truyền thống, sự khập khiễng đó giải quyết thế nào?
TS Vũ Thu Hương - giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, không thể có mô hình hoàn hảo, mô hình vẫn sẽ có những bất cập. Đừng rập khuôn, máy móc làm theo “họ sao mình vậy” mà phải chọn lọc những cái phù hợp với mình. Còn nếu không làm gì, chắc chắn chúng ta sẽ mãi mãi giậm chân tại chỗ với những khiếm khuyết sẵn có. Quan trọng hơn, trước một cái mới nên có lộ trình thử nghiệm, đánh giá, thăm dò ý kiến phụ huynh, dư luận nếu không rất dễ thất bại.
Sau 4 năm triển khai dự án cho thấy, mô hình VNEN chỉ thực sự hiệu quả nếu được hiểu và vận dụng một cách sáng tạo. Mỗi địa phương có điều kiện khác nhau nên không thể rập khuôn máy móc đưa mô hình vào triển khai. Việc mô hình có hấp dẫn hay bước đi có đúng hay không phụ thuộc rất lớn vào giáo viên. Nếu giáo viên đi học hỏi, tập huấn rồi về lại “diễn lại” y nguyên thì chắc chắn không thể tốt được. Đáng tiếc, mô hình VNEN ở các trường tiểu học đang thực hiện hiện nay đều một hình hài na ná nhau. Sự sáng tạo của giáo viên chưa thực sự rõ nét, thậm chí không ít giáo viên còn hiểu sai bản chất của mô hình khi gượng ép lồng ghép giữa cách học truyền thống với việc học nhóm.
Trước hiện tượng mô hình VNEN đang có triệu chứng “chết yểu” như nêu trên, Bộ GD - ĐT cần đúc kết, đánh giá đúng hiệu quả của dự án. Vấn đề đặt ra là có nên triển khai đại trà trong cả nước hay phải tiến hành chọn lọc và đầu tư bài bản, khoa học hơn để nhận được sự ủng hộ thay vì “tẩy chay” như hiện nay. Việc tiếp thu, áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến cần phải được chọn lọc, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam chứ không thể bê nguyên xi, bắt các trường thực hiện một cách máy móc.
Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE - VNEN, Global Partnership for Education - Viet Nam Escuela Nueva) có khởi nguồn từ Columbia từ những năm 1995 - 2000. Theo mô hình này, quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các “ban” trong lớp, do học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. Hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Giáo viên là người hướng dẫn học, quan tâm đến sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh. Mô hình này đòi hỏi chương trình - SGK mới, cách tổ chức lớp học mới, đòi hỏi chi phí và sự thích ứng của giáo viên và học sinh
Đại biểu nhân dân