403
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 28/07/2015 08:12
Khơi dậy thói quen đọc sách
Sách tranh được đánh giá cao về vai trò đánh thức khả năng phát triển tư duy và ngôn ngữ, giúp trẻ dần học được sự giao tiếp với thế giới bên ngoài, cao hơn nữa, khơi dậy trong các em thói quen đọc sách.

Kích thích trí tưởng tượng


Sách tranh (picture book) là nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh, có tuổi đời khoảng 130 năm. Đây là một thể loại độc lập, tồn tại song song với các thể loại kể chuyện bằng hình ảnh khác như: truyện tranh (comic), điện ảnh, hay nhiếp ảnh. Sách tranh luôn mở rộng và dường như không ngừng tìm cách xóa đi những định kiến về độ tuổi của độc giả mà nó hướng tới. Theo họa sĩ trẻ Phạm Thu Thùy, sách tranh thường có khổ lớn, nhiều màu sắc, dễ đọc và đơn giản trong tuyến truyện cũng như cấu trúc. Sách tranh không quá dài, thường từ 16 - 32 trang, có hai mạch kể song song, hỗ trợ linh hoạt và gắn kết chặt chẽ: phần lời không quá nhiều, thường 1 - 4 câu/trang; phần tranh không đơn thuần diễn tả những nội dung đã có trong phần lời, mà câu chuyện có thể hiểu được chỉ với phần hình ảnh. Do đó, sách tranh có khả năng gợi trí tưởng tượng và tương tác rất tốt với trẻ em.

 

Đề tài của sách tranh rất đa dạng, không ngoại trừ vấn đề nào, ngay cả những đề tài vốn được coi là khó tiếp cận với trẻ em như chính trị, chiến tranh, bạo lực, cái chết, mất mát... Sách tranh cũng được phân chia thành các mức khác nhau tùy theo trình độ đọc của trẻ. Các tác phẩm sách tranh không chỉ dừng ở việc mang lại hình ảnh giải trí cho độc giả, mà còn đánh thức trong trẻ khả năng phát triển tư duy và ngôn ngữ, là cách trẻ dần học được sự giao tiếp với thế giới bên ngoài, và cao hơn nữa, khơi dậy trong các em thú vui, thói quen đọc sách. “Khi trẻ chưa biết chữ, tranh vẽ sẽ là cái hấp dẫn đầu tiên. Phần tranh thay cho phần lời, kể những thứ lời chưa nói hết hoặc thêm cho phần lời” - họa sĩ Kim Duẩn chia sẻ. Họa sĩ Đức Annette Kohnen đồng quan điểm: “trẻ em không đợi để đọc, hiểu, mà nó sờ, ngửi cuốn sách và cảm nhận theo cách riêng. Vì thế, để kích thích được trí tưởng tượng của trẻ em, họa sĩ cần tìm ra chìa khóa, bởi trẻ em nhìn thế giới khác với người lớn”.

 

Khám phá từ ngữ, hình ảnh


Là người có nhiều kinh nghiệm lựa chọn và hướng dẫn trẻ làm quen với sách, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương đánh giá cao lợi ích của sách tranh đối với trẻ. Chị cho hay, sách tranh đặc biệt phù hợp cho bước đầu trẻ làm quen với việc đọc, sự hấp dẫn từ hình ảnh, sự cô đọng, chắt lọc của từ ngữ sẽ giúp các em khám phá mối quan hệ giữa từ ngữ, hình ảnh và thế giới mà các em trải nghiệm hằng ngày. Họa sĩ Phạm Thu Thùy phân tích thêm: “Khi trẻ được cha mẹ cho làm quen với một cuốn sách tranh, chúng sẽ được tiếp cận vốn từ vựng từ cơ bản đến phức tạp tùy theo trình độ đọc của mình, làm quen dần với vần điệu, chơi chữ, các loại câu. Hơn nữa, mỗi cuốn sách tranh đều có tác động phát triển tư duy văn học cho trẻ, trong đó có tư duy kể chuyện. Trẻ được nhận diện màu sắc, hình khối, không gian, bố cục...; biết cách phân tích thông tin từ hình ảnh; làm quen với các phong cách vẽ, các chất liệu khác nhau để phát triển tư duy thẩm mỹ. Sách tranh còn là một yếu tố nhằm phát triển thói quen đọc sách cho trẻ. “Việc quan trọng nhất khi xây dựng thói quen đọc cho trẻ là phải khiến các em thấy thích thú với cuốn sách, cụ thể ở đây là câu chuyện được kể. Giá trị của một câu chuyện không nằm ở số lượng câu chữ, mà là sự kết hợp tổng hòa giữa hình ảnh và ngôn từ” - họa sĩ Phạm Thu Thùy nói.

 

Lựa chọn và hướng sự chú ý của trẻ vào sách, khiến chúng đam mê đọc sách là một việc làm không chỉ các bậc cha mẹ mà nhiều người làm nghệ thuật quan tâm. Theo họa sĩ Kim Duẩn, trẻ thường thích các chi tiết trong sách tranh. Chỉ một chi tiết nhỏ như đôi mắt, cái cúc áo... của nhân vật nhưng dưới con mắt trẻ thơ, đó lại là những điều đặc biệt, chứa những điều bí ẩn bất ngờ. Nhìn vào tranh vẽ, các em có thể tưởng tượng, hình dung ra những điều mới mẻ hơn những gì mà lời văn không thể truyển tải hết được. Họa sĩ Phạm Thu Thùy khẳng định: “Sách cần gây được sự đồng cảm, thu hút sự chú ý của trẻ, và sách tranh làm được điều đó”.

 

Tại Việt Nam, thị trường sách tranh mới xuất hiện 7 - 8 năm nay, chủ yếu là sách tranh dịch từ nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người do không hiểu hết quá trình sáng tác của nghệ sĩ nên vô tình đánh đồng về giá thành giữa các loại sách. Phụ huynh khi chọn mua sách cho trẻ còn e ngại về giá thành khi sách tranh đắt hơn sách chữ.

 

Người đại biểu nhân dân