467
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 03/11/2015 08:06
Khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam: Kết nối và lan tỏa
Triển lãm bản đồ, trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam -Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được nhiều người ví như cuộc chạy đường dài, trong đó có sự góp sức của mọi cơ quan, đơn vị cùng toàn thể nhân dân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế.

Hiệu ứng sâu rộng


Khởi sự từ đề tài Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng, do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Đà Nẵng thực hiện (từ tháng 11.2009), đến nay đã lan rộng ra khắp các địa phương cả nước. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2013 - 2015 đã có 41 triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu, tại 30 tỉnh, thành phố, 9 điểm đảo, huyện đảo trong cả nước và 2 đơn vị lực lượng vũ trang.

 

Hàng trăm nghìn lượt người đã đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu các bản đồ, tư liệu, hình ảnh, hiện vật và ấn phẩm, như: tại Hà Nội có 17.000 lượt người, Hà Tĩnh có 12.000 lượt người, TP Hồ Chí Minh có 18.000 lượt người… Ngay cả những địa phương có địa hình đi lại khó khăn, lượng người tham quan triển lãm cũng lớn, như tại Phú Yên (4.2014) chỉ diễn ra trong 4 ngày nhưng có tới 8.000 lượt người đến xem. Ông Nguyễn Hữu Bình, Sở Thông tin và Truyền thông Phú Yên cho biết: “Tham quan triển lãm là rất đông cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên và bà con nhân dân... Thậm chí, ở những huyện miền núi, bà con còn cùng nhau bắt xe xuống trung tâm tỉnh để xem triển lãm. Là tỉnh có tới 190km bờ biển, qua triển lãm, trưng bày, người dân sẽ hiểu thêm lịch sử lâu đời của ngư dân vùng biển quê hương, biết các giá trị và bằng chứng pháp lý về chủ quyền biển đảo của nước mình”.

 

TS. Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng khẳng định: “Triển lãm đã tạo được hiệu ứng lớn về truyền thông, kích thích ở trong mỗi con người tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền quốc gia và mặc nhiên tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc. Bằng chứng là sau mỗi triển lãm, lại có rất nhiều người trong nước và nước ngoài liên lạc, chỉ dẫn cho chúng tôi để khai thác, tìm kiếm tư liệu, làm phong phú thêm tài liệu, bản đồ khẳng định chủ quyền của ViệtNamvà phản biện tư liệu phía Trung Quốc đưa ra”.

 

Bước ra thế giới


Sau thành công và sức lan tỏa của triển lãmHoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý, ngày 11.5.2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 616/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch Triển lãm bản đồ và Trưng bày tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn 2015 - 2017. Theo đó, triển lãm tiếp tục tổ chức tại 48 tỉnh, thành còn lại và cả ở nước ngoài, dự kiến là Pháp, Mỹ, Nga và Séc. Ông Đoàn Công Huynh, Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Chúng ta mong muốn không chỉ người dân trong nước mà cả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế cùng có sự kết nối, lan tỏa về giá trị chủ quyền của biển, đảo Việt Nam. Sự góp sức đó có thể từ những việc làm rất nhỏ như tham gia tuyên truyền, quảng bá về triển lãm, hay có thể hỗ trợ dịch những tư liệu sang ngôn ngữ ở nơi họ sinh sống…”.

 

ViệtNamcó hơn 4 triệu kiều bào sinh sống ở nhiều quốc gia khác nhau. Đó là điều kiện thuận lợi để đưa những tư liệu, bằng chứng khẳng định chủ quyền của quốc gia phổ biến rộng rãi, giúp bạn bè, dư luận quốc tế hiểu rõ lập trường của Việt Nam, những cơ sở pháp lý, chính nghĩa, lịch sử và thực tiễn chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, theo GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thẩm định tư liệu triển lãm, khi đưa triển lãm ra quốc tế thì cần nghiên cứu, chọn lọc tư liệu một cách bài bản, khoa học: “Chúng ta phải tập trung cho những tư liệu nguyên gốc, có giá trị khẳng định một cách tuyệt đối chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, cách thức trưng bày và giới thiệu, thuyết minh phải khoa học, chặt chẽ, kết hợp lập luận đầy đủ, trong đó nhấn mạnh giá trị pháp lý thì mới có sức thuyết phục”.

 

Dự kiến tháng 12 tới, triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý sẽ tới Mỹ. Là người có đóng góp lớn trong công tác sưu tập bản đồ, tư liệu, kỹ sư Trần Thắng, Việt kiều tại Mỹ cho biết, Ban tổ chức đang tích cực kết nối các điểm trường, cộng đồng du học sinh, bà con Việt kiều, các học giả nghiên cứu về Việt Nam cũng như người dân địa phương để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi cho triển lãm. Đề tài triển lãm cũng được thay đổi để thu hút sự quan tâm của công chúng ở mỗi quốc gia. “Chúng tôi chọn đề tài Giao thương ở Biển Đông, bởi công chúng ở đây quan tâm đến giao thương hàng hải như thế nào, hơn việc ai sở hữu, quản lý vùng biển. Nhưng qua trưng bày chủ đề về giao thương đó thì mình sẽ khẳng định được chủ quyền biển đảo ViệtNam”.

 

Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở ĐOÀN CÔNG HUYNH: “Vấn đề ở Biển Đông hiện nay nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Việc tổ chức triển lãm rộng rãi ở tất cả tỉnh, thành trong cả nước và ở nước ngoài là sự nối dài kênh thông tin, đáp ứng nhu cầu được hiểu một cách đầy đủ, tổng thể, hệ thống, chuẩn xác về giá trị lịch sử, pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ đó tạo sức lan tỏa, khẳng định cái lý, cái tình của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

 

Người đại biểu nhân dân