Các lớp văn hóa chồng xếp qua 10 thế kỷ
Sáng 14.12, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Namtổ chức hội thảo khoa học Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực điện Kính Thiên năm 2015. Cuộc khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn với tổng diện tích gần 1.000m2 đã làm rõ tầng văn hóa với nhiều lớp kế tiếp nhau có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ VIII - IX đến thế kỷ XIX - XX) ở trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
PGS. TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học ViệtNam, trưởng đoàn khai quật cho biết: Tầng văn hóa tại vị trí khai quật năm nay dày hơn các vị trí trước đó, khoảng 4,5 - 5m. Trong đó, dấu vết lớp văn hóa các thời kỳ chồng xếp lên nhau, dày đặc, đan xen, liên tục từ Đại La, nối tiếp Đinh, Tiền Lê - Lý - Trần - Lê Sơ - Mạc - Lê Trung Hưng - Nguyễn đến thời hiện đại. Về dấu tích kiến trúc, đậm đặc là dấu tích thời Lý, góp phần nối dài hơn, hoàn chỉnh hơn kết quả khai quật những năm trước, đặc biệt hướng phát triển về phía Nam, là cái trước đây giới chuyên môn chỉ dự đoán. Móng trụ lớn thời Lý ở bên ngoài đường nước được phát hiện, gợi nhiều suy nghĩ về trung tâm Chính điện, cho thấy cấu trúc phức tạp và hấp dẫn của kiến trúc thời Lý ở khu vực này.
Nếu vị trí khai quật những năm trước, dấu tích kiến trúc thời Trần nhỏ lẻ, chưa rõ ràng, thì năm nay, dấu tích thời Trần rất lớn, tập trung. Có thể nhận định, vào thế kỷ XIII, nhà Trần sử dụng về cơ bản bố cục kiến trúc thời Lý nhưng có xây dựng sửa chữa thêm. Mảng trang trí kiến trúc thời Trần chiếm số lượng lớn gấp bội so với thời Lý đã chứng minh điều đó. Từ cuối thế kỷ XIV, nhịp độ sửa chữa và xây dựng thời Trần rất nhiều, do đó diện mạo khu vực điện Kính Thiên thời Trần thay đổi rất lớn và hiện nay rất khó nhận biết… Ngoài ra, sau 20 năm xâm lược của nhà Minh, qua các tầng văn hóa, có thể thấy nhà Lê Sơ đã quy hoạch và làm mới hoàn toàn thành Thăng Long. Đến thời Lê Trung Hưng về cơ bản một lần nữa tiếp tục làm mới (trừ lan can thềm rồng điện Kính Thiên) nhưng bố cục chung không có nhiều thay đổi. Dấu tích của hai lớp sân Đại Triều, hai lớp hành lang, hai móng tường Đoan Môn ở khu Vườn Hồng đã chứng minh rõ điều đó. Bên cạnh đó, khai quật đã phát hiện hệ thống di vật cực kỳ phong phú, chứng minh sự tiếp nối, thay đổi, đặc trưng văn hóa các thời kỳ…
Kết quả khai quật trên, nối tiếp các cuộc khai quật từ năm 2002 đến nay, đã đem lại nhận thức có tính “đột biến” đối với việc nghiên cứu các dấu tích của kinh đô Thăng Long. Từ khu vực Vườn Hồng qua 18 Hoàng Diệu đến khu vực điện Kính Thiên, cấu trúc địa tầng và các tầng văn hóa mang tính thống nhất rất cao, với các lớp văn hóa từ Đại La qua Đinh, Tiền Lê - Lý - Trần - Lê Sơ - Mạc - Lê Trung Hưng - Nguyễn.
Đẩy mạnh quảng bá kết quả khai quật
Việc khai quật khảo cổ nhằm thực hiện 1 trong 8 cam kết của Việt Nam với UNESCO nhằm làm sâu sắc hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Theo GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, sau thời gian dài thực hiện, nhiều ý kiến đề xuất TP Hà Nội cho phép tổ chức tổng kết việc khai quật trong 5 năm trở lại đây, để tổng hợp, xâu chuỗi, đánh giá các kết quả khai quật, lên bản đồ tổng thể. Bên cạnh đó, kế hoạch nghiên cứu về khảo cổ học hiện nay vẫn làm theo từng năm một. Do vậy, cần xây dựng đề án khảo cổ học trong Hoàng thành mang tầm chiến lược, dài hạn, có kế hoạch từng năm, có mục tiêu, mục đích cụ thể, không phải tiện đâu đào đó.
Chúng ta đang đi đúng hướng và đã có kết quả, nhưng khảo cổ học đòi hỏi thận trọng, không thể làm ồ ạt, vì Hoàng thành Thăng Long có nhiều lớp văn hóa chồng lên nhau. Mở rộng khai quật phải căn cứ vào khả năng của nhà nghiên cứu khảo cổ - PGS.TS. Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam lưu ý. Ông đề xuất thêm: Kết quả khai quật phải được quảng bá tới đông đảo công chúng, không chỉ sử dụng để nghiên cứu và trao đổi thông tin trong giới chuyên môn. “Chính sách của UNESCO trong bảo tồn là di sản phải tìm được chỗ đứng trong xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, việc phổ biến thông tin, tri thức mà khảo cổ học đạt được có vẻ chưa đáp ứng nhu cầu của công chúng, nhiều người vẫn quan niệm Hoàng thành Thăng Long là phế tích. Do vậy, để thu hút khách tham quan, giúp cộng đồng tiếp cận, yêu di sản, cần chỉnh trang di tích, giới thiệu các di vật tiêu biểu mới được khai quật, cập nhật hằng năm. Bên cạnh đó, có thể bảo quản, tu bổ tôn tạo các khu khảo cổ để trở thành sản phẩm du lịch, tạo nguồn lực cho nghiên cứu”.
Đại biểu nhân dân