211
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 01/04/2019 10:05
Kết nối để hội nhập
Chung ngôn ngữ là hình khối, màu sắc, mỹ thuật có thể bước nhanh hơn các loại hình nghệ thuật khác trong quá trình hội nhập quốc tế. Mật độ dày đặc triển lãm của nghệ sĩ Việt Nam và các nước trong vài năm trở lại đây đã cho thấy cuộc giao lưu ấy ngày một sâu rộng.
Một góc triển lãm giao lưu mỹ thuật Hàn Quốc - Việt NamẢnh: Th. Nguyên

Hai “khuôn mặt” khác biệt

Thực hiện sáng kiến của Hiệp hội Mỹ thuật Kiro Hàn Quốc, từ ngày 27 - 30.3, tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Mỹ thuật Kiro Hàn Quốc tổ chức triển lãm giao lưu Mỹ thuật quốc tế Hàn Quốc - Việt Nam lần thứ nhất. Triển lãm giới thiệu 116 tác phẩm của 110 tác giả, trong đó có 76 tác phẩm của 70 hội viên Hiệp Hội Mỹ thuật Kiro Hàn Quốc và 40 tác phẩm của 40 Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều tác phẩm được nghệ sĩ hai nước sáng tác thời gian gần đây với các chất liệu, trường phái, bút pháp, phong cách khác nhau, thể hiện những đặc trưng văn hóa và tạo hình của từng quốc gia.

Có thể thấy, những năm qua, giao lưu giữa họa sĩ Việt Nam - Hàn Quốc được duy trì thường xuyên với nhiều triển lãm chung. Ngay đầu năm 2019, triển lãm mỹ thuật Việt - Hàn “Vision in Harmony” của hai nữ họa sĩ Văn Dương Thành và Julia Oh đã được tổ chức tại Hà Nội. Trong tuần qua, triển lãm Mỹ thuật Việt - Hàn do Hội Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Mỹ Thuật Hàn Quốc cũng diễn ra ở phương Nam.

Với triển lãm vừa kết thúc tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội, hai “khuôn mặt” khác biệt của hai nền mỹ thuật phần nào được thể hiện. Chủ tịch Hiệp hội Mỹ thuật Kiro Hàn Quốc Yun Bu Nam cho biết, Hội rất quan tâm đến hội họa, thư pháp truyền thống và muốn quảng bá các tác phẩm tới công chúng Việt Nam. Tại triển lãm, nhiều bức tranh thuốc nước, thư pháp bằng mực nho, tranh tĩnh vật, hoa cỏ... cho thấy truyền thống mỹ thuật Hàn Quốc vẫn được duy trì và tiếp nối. Tại quốc gia này còn có hàng trăm hội mỹ thuật, khoảng 200 cơ sở đào tạo mỹ thuật, cho thấy lĩnh vực này đã được xã hội hóa cao... Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét, các tác phẩm của nghệ sĩ Hàn Quốc cho thấy họ vẫn giữ nguyên vẻ đẹp truyền thống, qua tranh và nghệ thuật thư pháp. Trong khi đó, tác phẩm của họa sĩ Việt Nam đại diện cho nghệ thuật đương đại, với cách nhìn, cách sáng tác, chất liệu đa dạng. Điều đó cho thấy, trong quá trình phát triển mỹ thuật, nghệ sĩ mỗi nước có con đường riêng!

Vẽ theo lối truyền thống, nhẹ nhàng, thanh thoát, tác phẩm của các họa sĩ Hàn Quốc rất phù hợp với tình cảm của người Việt. Vì vậy, theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, triển lãm chung mỹ thuật hai nước đều được khách tham quan Việt Nam thích thú, còn giới chuyên môn thì chú ý tới kỹ thuật, là những lối vẽ mà nghệ sĩ Việt Nam ít dung…

Không bị lạc lõng

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, những năm gần đây, mỹ thuật Việt Nam và Hàn Quốc đã tổ chức nhiều triển lãm chung, không chỉ ở Việt Nam, mà còn tại Hàn Quốc, góp phần giới thiệu nền mỹ thuật của từng quốc gia đến với công chúng, tăng cường sự hiểu biết về mỹ thuật giữa nghệ sĩ tạo hình hai nước. Triển lãm lần này đã tạo điều kiện để công chúng và các nghệ sĩ tạo hình Việt Nam thưởng thức và hiểu biết sâu sắc hơn về mỹ thuật Hàn Quốc. Nhưng triển lãm chỉ là bước đầu, vì phần lớn vẫn là tác phẩm kích thước trung bình và nhỏ. Sắp tới hai Hội Mỹ thuật hướng đến trưng bày tác phẩm kích thước lớn hơn, có đề tài và cách thể hiện mới hơn, bởi nghệ sĩ Việt Nam cũng quan tâm các nghệ sĩ hiện đại của Hàn Quốc đang làm gì, vẽ và sống ra sao…

Không chỉ với mỹ thuật Hàn Quốc, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đã khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ bước ra thế giới Giao lưu giữa họa sĩ Việt Nam với nước ngoài ngày càng được mở rộng thông qua các trại sáng tác, chương trình lưu trú nghệ thuật, triển lãm... Nhiều nghệ sĩ Việt Nam tham gia các chương trình nghệ thuật, triển lãm ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, nhiều sự kiện giao lưu mỹ thuật lớn nhỏ cũng được tổ chức trong nước.

Các hoạt động giao lưu này không chỉ tạo điều kiện quảng bá mỹ thuật Việt Nam, mà còn đồng thời giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đưa các nền mỹ thuật thế giới đến với khán giả trong nước. Từng đến Việt Nam hàng chục lần, tham gia triển lãm với nhiều nghệ sĩ Việt Nam, họa sĩ Thái Lan Wattanachot Tungateja cho biết: “Các hoạt động giao lưu như vậy là sự kết nối thường xuyên của nghệ sĩ trong khu vực, và mở rộng ra thế giới. Qua hoạt động nghệ thuật cùng nhau, các nghệ sĩ đến từ các nơi gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu những nền văn hóa riêng biệt. Đất nước, con người và văn hóa Việt cũng tạo cho tôi thêm cảm xúc để sáng tạo tác phẩm”.

Mỹ thuật may mắn là có ngôn ngữ chung, nên có thể giao lưu, hội nhập nhanh hơn các loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên, theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, khi hòa nhập, điều quan trọng nhất là tiếng nói của nghệ thuật không bị “lạc” trong khung cảnh chung của nghệ thuật thế giới, mà vẫn giữ nét rất Việt Nam. Nghệ sĩ được thừa hưởng những gì cha ông truyền lại từ nhiều thế kỷ nay, trách nhiệm và cũng là thành công của mỗi nghệ sĩ là giữ vững bản sắc, để mỹ thuật Việt tự tin khẳng định vị trí khi ra thế giới.

daibieunhandan.vn