420
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 12/08/2015 08:42
Kéo giới trẻ đến với nghệ thuật
Hoạt động giáo dục là công cụ hữu hiệu để thu hút công chúng của nhiều bảo tàng trên thế giới. Chính vì vậy, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã bước đầu xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh từ mầm non đến phổ thông, để các em học qua nghệ thuật, hiểu và đến với nghệ thuật từ khi còn nhỏ.

Trong khuôn khổ hợp tác song phương Việt Nam và Wallonie - Bruxelles (Bỉ) giai đoạn 2013 - 2015, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thực hiện dự án Phát triển chương trình giáo dục nghệ thuật, dưới sự đào tạo của chuyên gia Marie - Aude Laoureux đến từ Bảo tàng Hoàng gia Mariemont - Bỉ. Trong 3 năm qua, chuyên gia Bỉ đã thực hiện 3 chuyến công tác tại Việt Nam; bên cạnh đó hằng tháng có các buổi làm việc trực tuyến qua internet để chia sẻ và hướng dẫn nhóm cán bộ dự án về phương pháp khai thác tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng nhằm xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh và đối tượng gia đình. Ngoài ra, 4 cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được cử sang học tập thực tế tại các bảo tàng của Bỉ. Bà Marie - Aude Laoureux cho biết, dự án nhằm phát triển năng lực chuyên môn nhóm giáo dục của bảo tàng; tạo mối liên hệ giữa bảo tàng với trường học; phát triển chương trình giáo dục trong bảo tàng và xem xét những nội dung phù hợp với từng lứa tuổi; dự toán kinh phí cho một hoạt động giáo dục, qua đó chứng tỏ là với nguồn kinh phí ít ỏi vẫn có thể đạt kết quả tốt...

 

Đến nay, 8 chương trình dành cho học sinh trong nhà trường và 3 chương trình cho đối tượng gia đình đã được thử nghiệm thành công, được xây dựng dựa trên các chủ đề về lịch sử, tự nhiên, xã hội... thể hiện qua sưu tập hiện vật bảo tàng, sự liên kết với các môn học trong nhà trường, tâm lý lứa tuổi và nhu cầu thực tế nhằm tạo cho các em nhỏ những trải nghiệm thú vị, bổ ích, đồng thời khuyến khích sự quan sát, trí tưởng tượng, óc tò mò, sự sáng tạo... của các em.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho biết: với hoạt động giáo dục này, học sinh trường Nguyễn Tất Thành được học môn Mỹ thuật cả ở nhà trường và bảo tàng. Sau giờ học, các em thu lượm được nhiều kiến thức thực tế, có tác phẩm mang về, và rất hào hứng. Giáo viên mỹ thuật của trường được học các chuyên gia của bảo tàng. Hoạt động của bảo tàng cũng là gợi ý để nhà trường tổ chức các chương trình nghệ thuật... Thời gian tới, hy vọng tiếp tục có nhiều hoạt động giáo dục hiệu quả cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện. Còn theo bà Bùi Thị Thanh Mai - Trường Đại học Mỹ thuật ViệtNam: “Chương trình giáo dục của Bảo tàng Mỹ thuật ViệtNamgiúp học sinh các cấp từ mầm non đến THPT có thể tiếp nhận, cảm thụ nghệ thuật. Bên cạnh đó, các em tiếp thu được nhiều kiến thức thông qua nghệ thuật, bởi một tác phẩm nghệ thuật có thể tích hợp kiến thức của nhiều bộ môn chứ không riêng mỹ thuật. Tuy nhiên, chương trình cần mở rộng hơn, thường xuyên làm mới nội dung và cần quảng bá tốt hơn.

 

Kết quả của dự án đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Bảo tàng Mỹ thuật ViệtNamlà tổ chức thường xuyên các hoạt động giáo dục, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là hoạt động này sẽ được duy trì ra sao sau khi dự án kết thúc? Phát biểu tại Lễ tổng kết báo cáo kết quả dự án mới đây, Giám đốc Bảo tàng Phan Văn Tiến chia sẻ: “Dự án này là cơ sở để đào tạo cán bộ cho bảo tàng thực hiện hoạt động giáo dục. Kết thúc dự án, chúng tôi vận dụng tất cả kiến thức để đưa vào hoạt động của bảo tàng. Không chỉ dừng lại với 8 chương trình dành cho học sinh và 3 chương trình cho gia đình, Bảo tàng tiếp tục xây dựng những nội dung khác cho các lứa tuổi. Trong giai đoạn đầu, về cơ bản, Bảo tàng sẽ đầu tư kinh phí, tiến tới ít nhất lấy thu bù chi...”.

 

Sắp tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ đẩy mạnh quảng bá, ra mắt sách giới thiệu hoạt động giáo dục tới các trường học và nhóm gia đình; nỗ lực duy trì các hoạt động để thu hút khách tham quan và có thêm các chương trình đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng

 

Người đại biểu nhân dân