258
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 11/04/2016 10:10
Kể chuyện bằng tranh
Hơn 50 tác phẩm của 11 nghệ sĩ nổi tiếng trường phái Leipzig đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, không chỉ góp phần thay đổi quan niệm về nghệ thuật thị giác mà còn mang sứ mệnh kết nối đồ họa Việt Nam và Đức.
Những kí họa Venezia của Tilo Baumgartel

Người kể chuyện giới thiệu tác phẩm đặc trưng của các nghệ sĩ đại diện cho nghệ thuật đồ họa Đức như Sesbastian Stump, Tilo Baumgartel, Henrieette Geahnert, Julius Hofmann, Rosa Loy… Các tác phẩm sử dụng nghệ thuật khắc kim loại, in thạch bản cũng như màu nước, ký họa hay cắt giấy làm phương tiện để kể những câu chuyện bằng tranh, thể hiện cái nhìn chủ quan của nghệ sĩ về lịch sử hay cuộc sống đời thường hiện tại. Ví dụ những bi kịch của con người, tình yêu, thất vọng, thương tổn, chết chóc, đau buồn và mất mát… được hiển thị dưới các ký họa tempera dao động, các vết cắt xén trên giấy, giữa các mảng màu đối lập, cảnh siêu thực như xanh da trời và đỏ, các bong bóng nói của truyện tranh được để trống cho người xem tự điền lời thoại… tạo nên cảm giác rùng rợn xuyên suốtNhững ký họa Venezia của GS. Tilo Baumgartel. Trong tranh của Rosa Loy, các nhân vật luôn là phụ nữ. Họ thường được gắn với cây cỏ và thiên nhiên, nội dung các bức tranh xoay quanh suy tư về chức năng làm mẹ, về thai sản, về sự sinh sôi nảy nở. Ngôn ngữ hội họa của cô có cả yếu tố thần thoại Hy Lạp và sức mạnh lôi cuốn của thiên nhiên. Các nghệ sĩ video cũng đều đã học đồ họa truyền thống, từ đó đến với nghệ thuật của hình ảnh chuyển động điện tử. Chẳng hạn như trong thế giới hình ảnh và video của Julius Hofmann đầy ắp kịch tính. Bằng nghệ thuật kích thích thị giác, khêu gợi trí tưởng tượng, Hofmann khiến thế giới hình ảnh của mình chứa đựng câu chuyện vừa hư vừa thực.

 

Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Almuth Meyer-Zollitshch cho rằng, với cảm hứng từ truyền thống hiện thực cũng như chương trình đào tạo nghệ thuật thủ công xuất sắc của Đại học Leipzig, trong tác phẩm của mình, các nghệ sĩ đã phóng tầm mắt vào cuộc sống xung quanh, cùng sự mẫn cảm tinh tế trong hội họa, kể chuyện đời thường như cuốn nhật ký thị giác. Còn theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Leipzig, TS. Hans-Werner Schmidt, những câu chuyện bằng tranh dù siêu thực nhưng vẫn nằm trong dòng lịch sử thế giới. Càng nhiều cách nhìn, càng nhiều câu chuyện thì dòng lịch sử càng dễ hiểu. Tên của triển lãm Người kể chuyện dựa theo bức ảnh hộp đèn của Jeff  Wall. Trong ảnh là một nhóm người ngồi rải rác dưới gầm cầu, kết nối với nhau qua việc kể chuyện và nghe chuyện bên đống lửa trại. “Triển lãm này như đống lửa trại, không chỉ khiến không gian thêm ấm cúng mà còn kết nối con người, kết nối các nền văn hóa”.

 

Đây là lần đầu tiên Viện Goethe và một bảo tàng lớn ở Đức hợp tác tổ chức triển lãm tại Việt Nam. Người kể chuyện góp phần thay đổi quan niệm về nghệ thuật thị giác; đồng thời mang sứ mệnh kết nối văn hóa giữa Việt Nam và bang Sachsen - nơi có nhiều người Việt Nam học tập và làm việc. Giám đốc Quỹ Văn hóa Sachsen Ralph Lindner hy vọng: “Các tác phẩm nghệ thuật sẽ như những “sứ giả có thời hạn”, đánh thức tâm tư và suy nghĩ của khán giả, truyền cảm hứng và gây ngạc nhiên, đóng góp cho cuộc đối thoại văn hóa giữa Việt Nam và bang Sachsen.

 

Từ những năm 1970, công chúng đã biết tới khái niệm “Trường Leipzig”. Các nghệ sĩ Bernhard Heisig, Wolfgang Mattheuer và Werner Tubke không kết nối với nhau bởi phong cách nghệ thuật thống nhất, mà bởi ngôi trường họ đã học: Đại học chuyên ngành về đồ họa và thiết kế sách Leipzig. Triển lãm Người kể chuyện giới thiệu các tác phẩm của thế hệ nghệ sĩ thứ 3, phần lớn chịu ảnh hưởng bởi học trò của Heisig và Mattheuer là Sighard Gille và Arno Rink, đồng thời mô tả mối tương quan của tác phẩm với thời đại. Triển lãm diễn ra đến ngày 27.4. Các tác phẩm trên giấy được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; các tác phẩm video được giới thiệu tại Viện Goethe Hà Nội


Đại biểu nhân dân