234
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 03/11/2016 14:30
Hợp tác điện ảnh giữa các nước ASEAN: Tăng nội lực, phát huy bản sắc
Các quốc gia khu vực Đông Nam Á có sự gần gũi về địa lý và tương đồng về văn hóa, tuy nhiên, rất ít phim trong khối ASEAN được chiếu tại rạp của nhau. Việc hợp tác sản xuất phim giữa các nước hầu như không có. Đây là ý kiến được đưa ra tại tọa đàmHợp tác sản xuất, phát hành phim giữa các nước thành viên ASEAN chiều 2.11, trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ IV, nhằm đưa ra giải pháp tăng cường nội lực đi đôi với giữ gìn và phát huy bản sắc các nền điện ảnh khu vực.
Các nghệ sĩ tại LHP Quốc tế Hà Nội Nguồn: ITN

Nhu cầu có thật


Những năm gần đây, cùng với sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, điện ảnh các nước ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Giảm số lượng phim được sản xuất của mỗi nước; phim hợp tác sản xuất trong khu vực, phim hợp tác và cung cấp dịch vụ sản xuất cho nước ngoài trong tình trạng tương tự. Trong khi đó, các cường quốc công nghiệp điện ảnh, đặc biệt là Mỹ lại sản xuất số lượng phim khổng lồ, thống trị thị trường phát hành và phổ biến phim ở các nước ASEAN. Nhiều quốc gia ASEAN, số lượng phim Hollywood chiếm khoảng 70% tại rạp chiếu. Tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh cho biết, năm 2015 có 41 phim trong nước chiếu rạp, nhưng có tới 207 phim nhập từ nước ngoài, chủ yếu là phim Hollywood.

 

Việc hợp tác sản xuất và phát hành phim giữa các nước ASEAN được quan tâm, nhưng thực tế vẫn còn hạn chế. Phim của các nước ASEAN chiếu tại rạp Việt Nam khá hiếm. Ông Pok Borak - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh và Phổ biến văn hóa Campuchia cho biết, trong số phim chiếu rạp tại quốc gia này, có phim Việt Nam, nhưng rất ít, phần lớn là phim Hollywood (70%) và Thái Lan (15%). Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm có khoảng 60 bộ phim nước ngoài được sản xuất tại Campuchia, nhưng chủ yếu là từ ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Australia...

 

Còn theo bà Wei Xuan Sim, đại diện Ủy ban Điện ảnh Singapore, trong nỗ lực tăng cường mối quan hệ giữa các nhà làm phim ASEAN, nước này sẽ tổ chức Liên hoan phim quốc tế Singapore vào tháng 12 tới, và có dự án Thị trường tài chính cho ngành điện ảnh Đông Nam Á, nhằm hỗ trợ các nhà làm phim tìm nguồn tài chính, biến dự án điện ảnh trở thành hiện thực. Thông qua LHP, các nhà làm phim Singapore cũng muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác phát hành, sản xuất, để tăng lượng phim Singapore (nay là 10 - 15 phim/năm) và đưa phim chinh phục khán giả khu vực và thế giới. Trong nỗ lực kết nối với các nước thành viên ASEAN, một nhà làm phim Singapore đang triển khai dự án Hãy tự giúp chính mình,với ý tưởng tập hợp các nhà sản xuất phim từ 5 quốc gia ASEAN, mỗi người làm phim ngắn 20 phút và ghép lại thành 1 bộ phim hoàn chỉnh dài 100 phút. Đây là một hoạt động tìm kiếm khả năng hợp tác giữa các nhà làm phim trong khu vực.

 

Cơ hội cho điện ảnh ASEAN


“Về chính sách trong điện ảnh, Việt Nam và các nước ASEAN cần tạo cơ hội liên kết hợp tác để sản xuất phim” - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Duy Anh khẳng định. So với các nước trong khối, có lẽ chỉ Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi cho nhà làm phim nước ngoài sản xuất phim tại Việt Nam. Cục Điện ảnh đang đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án này, kỳ vọng khuyến khích sự hợp tác với các nhà làm phim trong khu vực.

 

Hiện tại, với dân số lên tới gần 700 triệu người, ASEAN là một thị trường điện ảnh lớn. Sự phát triển công nghệ là điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác làm phim, phát hành phim từ các quốc gia trong khu vực. Chủ tịch Quỹ Điện ảnh ASEAN Briccio Santos cho rằng: Thời đại thay đổi, công nghệ sản xuất, phát hành phim thay đổi, thì chính sách của các nền điện ảnh cũng phải thay đổi để duy trì tính năng động trong lĩnh vực nghe nhìn. Trong một cộng đồng hội nhập, có thể nghĩ tới quỹ chung của ASEAN để hỗ trợ làm phim. Bởi phim Mỹ, châu Âu có nhiều nguồn tài chính để các nhà làm phim tiếp cận, trong khi nhà làm phim của Đông Nam Á vẫn thiếu tài chính sản xuất phim, cần có cơ chế chung để hỗ trợ họ... “Chúng ta có nhiều cơ hội, tiềm năng, điều kiện để hợp tác theo nhiều hướng, đặc biệt sẽ chào đón Giải thưởng điện ảnh ASEAN vào năm tới. ASEAN có thể xây dựng các liên hoan phim quốc tế, sự kiện điện ảnh tiên tiến để cả thế giới tìm đến”.

 

“Đây là thời kỳ của điện ảnh các nước ASEAN” - TS. Ngô Phương Lan khẳng định. “Trong khu vực ASEAN, có nền điện ảnh tiến bộ, phát triển hơn, có nền điện ảnh trải qua thăng trầm và thụt lùi, nhưng cơ hội là của chúng ta, đặc biệt khi ASEAN là một cộng đồng, cơ hội hợp tác trong điện ảnh tăng lên gấp nhiều lần. Nhà làm phim ở các quốc gia có thể học được ở nhiều nền điện ảnh lớn, phát triển từ lâu, nhiều kinh nghiệm. Nhưng những nền điện ảnh đang phát triển, sự chia sẻ, hợp tác là cần thiết, bởi có nhiều điểm tương đồng, nét hay đáng học hỏi lẫn nhau. Nếu các nền điện ảnh trẻ như ASEAN gặp gỡ, hiệp lực, bước tiến sẽ nhanh hơn và có dấu ấn, đột phá”.

 

“Vài năm qua, sự nổi lên của điện ảnh ASEAN tại các liên hoan phim lớn như Cannes, Berlin, Venice... đem đến niềm tự hào chung cho cả khu vực, cho thấy sự ghi nhận của thế giới. Vấn đề hợp tác sản xuất, đồng sản xuất phim sẽ thúc đẩy sự tương tác của các quốc gia ASEAN lên tầm cao mới. Với các sự kiện như Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội sẽ là điều tốt để phát triển mối quan hệ hợp tác này. Trên hết, điện ảnh là con đường ngắn nhất giúp nhân dân các nước trong khu vực đến gần nhau hơn, cùng nhau chia sẻ mục tiêu chung. Đó là nền tảng quan trọng để xây dựng Cộng đồng ASEAN thực sự phát triển bền vững”. Phó Tổng Thư ký ASEAN  Vongthep Apthakaivalvatee

 

Đại biểu nhân dân