284
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 19/01/2016 08:24
Hồn nhiên tranh Tết
Nếu kỹ năng điêu luyện của các nghệ nhân khiến cho những bức tranh Tết truyền thống mang đầy tính nghệ thuật thì dưới bàn tay của các em nhỏ, chúng như bừng lên sức sống mới. Chính những mảng màu, nét vẽ có thể còn nguệch ngoạc ấy đã gieo hy vọng về tương lai của tranh dân gian Việt.

Hòa vào truyền thống


“Vào mỗi dịp Tết xưa, ngoài chuẩn bị bánh chưng, câu đối, quần áo mới… mỗi gia đình đều mua một bức tranh dân gian ngày Tết. Các em có biết để làm gì không? Thứ nhất là để thay vào các tranh cũ trên bàn thờ, thứ hai là để trang trí cho ngôi nhà của mình thêm đẹp. Cũng tùy những năm khác nhau mà người ta sẽ sử dụng loại tranh Tết phù hợp, để tranh nói lên mong muốn, cầu chúc cho năm mới có thêm nhiều may mắn, tốt đẹp đấy các em ạ!”. Sau lời giới thiệu về tranh dân gian, tranh Tết, cả gian phòng tràn ngập cảm xúc tưng bừng, háo hức. Tất cả các em nhỏ tham gia dự án Cùng bé sáng tạo - Khám phá tranh Tết ngày 17.1, tại Bảo tàng Mỹ thuật ViệtNam, đều thích thú trước loại hình nghệ thuật truyền thống này.

 

Những hộp sơn đủ màu sắc, thếp giấy dó, giấy điệp, ván gỗ in… lần đầu tiên các em được trông thấy, được sử dụng, ban đầu còn ngượng nghịu nhưng lộ rõ vẻ tò mò, thích thú. Dưới sự hướng dẫn của các họa sĩ, các em bắt rất nhanh vào các công đoạn thực hiện những bức tranh dân gian. Đỗ Xuân Quân, học sinh lớp 6A Trường THCS Lại Yên (Hà Nội) giơ bức tranh vừa hoàn thành ra khoe, hào hứng chia sẻ: “Trước đây, em đã được nghe cô giáo giới thiệu về dòng tranh dân gian ngày Tết và cũng được xem trên ti vi nên rất muốn có một bức tranh Đám cưới chuột. Hôm nay, em rất vui vì được tự tay tô màu cho bức tranh đáng yêu, ngộ ngĩnh này. Em sẽ mang tranh về nhà, đóng khung để treo trong phòng và cũng sẽ vẽ thêm bức tranh Vinh hoa phú quý để tặng cho bố mẹ, ông bà nữa”.

 

Những cô bé mặt rạng rỡ, ngồi bệt xuống đất, xòe tà váy rộng, tay giữ bức tranh, tay cầm cây cọ đưa trên giấy, tô vẽ nên những sắc màu xanh, đỏ... Có cậu bé miệng cười tươi, đôi mắt chăm chú nhìn từng họa tiết khắc trên bản gỗ, thỉnh thoảng, liếc sang nhìn bạn bên cạnh, cũng đang loay hoay in tác phẩm của mình… Với những đứa trẻ ấy, Tết năm nào cũng thật đáng trông đợi. Nhưng hôm nay, Tết không chờ mà đến. Tết trở lại trên trời mây, trong những nét uốn lượn hoa văn, trong hình vẽ con vật ngộ nghĩnh, vẽ cảnh hội đua thuyền, đấu vật, vẽ trò chơi kéo co, rồng rắn, đánh đu… Nào tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ rồi tranh Kim Hoàng ở đất Bắc, tranh làng Sình ở đất Huế… đều chứa đựng những tinh hoa, tư duy và triết lý sống của người Việt. Dưới bàn tay các em nhỏ, các bức tranh như được phả vào sức sống tươi mới, ngộ nghĩnh, hồn nhiên. Khám phá những dòng tranh dân gian ngày Tết, các em như như được chạm vào linh hồn Tết cổ truyền, được phiêu lưu trong không gian truyền thống. Mạch ngầm văn hóa Việt nhờ thế lan tỏa một cách thật nhẹ nhàng, tự nhiên mà sâu sắc.

 

Khởi phát đam mê


Các làng tranh xưa, cứ đến Tết lại rộn rịp in, người dân quẩy tranh đi bán khắp các nẻo chợ quê, mang hương xuân, sắc Tết đến từng nhà. Tuy nhiên, trong đời sống đương đại, nhiều giá trị truyền thống bị phai nhạt. Những năm gần đây, nhiều hoạt động văn hóa dân gian được chấn hưng, tranh dân gian, tranh Tết bắt đầu trở lại nhưng còn gặp nhiều khó khăn.

 

Dự án Cùng bé sáng tạo - Khám phá tranh Tết đã mở ra cho các em nhỏ một môi trường để chơi mà học. Ngoài khắc, in và vẽ tranh, các em còn tự tay làm những sản phẩm đậm chất đương đại như thiệp chúc Tết, bao lì xì năm mới, hoặc những bức tranh được tạo hình từ cảm hứng dân gian, trải nghiệm tiếp cận với nghệ thuật đồ họa hiện đại từ di sản của cha ông… Qua đó, các em sẽ hiểu về những hoạt động chuẩn bị cho không gian Tết Việt truyền thống, biết yêu và trân trọng các giá trị văn hóa hơn. TS. Trang Thanh Hiền - chủ trì Dự án cho biết: “Sau những buổi trải nghiệm như thế này, điều quan trọng là kiến thức mà các em thu được. Các em biết thêm dòng tranh và cũng hiểu thực sự thế nào là tranh dân gian Việt Nam, rồi cách làm tranh như thế nào, in, vẽ, tô màu có khó khăn không…”. 

 

Đây cũng là cách thông qua “câu chuyện thế hệ”, để khởi phát niềm đam mê của mọi người đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Việt nói chung, để lấp dần những khoảng trống về các giá trị văn hóa dân gian trong dòng chảy đời sống đương đại. “Tôi cho rằng, nếu ta biết cách chia sẻ văn hóa truyền thống một cách hấp dẫn nhất thì văn hóa truyền thống sẽ có một chỗ đứng vững vàng. Đơn giản là văn hóa luôn năng động trong sự cộng nhập và tiếp biến, do đó chúng tôi thực sự lạc quan khi khơi lại những nét đẹp của cha ông. Việc khơi nguồn truyền thống cho các em ngay từ tấm bé sẽ là hành trang cho các em trong tuổi trưởng thành, một hành trang cần thiết nuôi dưỡng tình yêu đối với văn hóa Việt” - TS. Trang Thanh Hiền nói.

 

 Cùng bé sáng tạo - Khám phá tranh Tết là sự tiếp nối thành công dự án Cùng sáng tạo mặt nạ Việt - Vui Tết Trung thu do nhóm Cùng bé sáng tạo thực hiện. Hạt nhân của dự án là TS. Trang Thanh Hiền và sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, nhằm khơi gợi ở trẻ tiềm thức đối với văn hóa dân tộc. Sau buổi khai mạc ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hoạt động này sẽ được tiếp tục triển khai tại số 5 Đào Duy Từ, Hà Nội, trong khuôn khổ triển lãm Nét Xuân, dự kiến khai mạc ngày 21.2. Tiền thu được từ chương trình sẽ được dành tặng các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Yên Lạc, Nguyên Bình, Cao Bằng.

 

Đại biểu nhân dân