440
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 26/09/2014 09:29
Hội thảo “Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai”
Sáng 25/9, tại Hà Nội, Viện Văn học tổ chức hội thảo “Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai” nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất Giáo sư Đặng Thai Mai và kỷ niệm 70 năm Văn học khái luận – công trình lý luận văn học hiện đại đầu tiên có hệ thống của lý luận và mỹ thuật mác xít Việt Nam.
Hội thảo “Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai”. (Ảnh: HN)

GS. Đặng Thai Mai sinh tại làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống hiếu học, giàu lòng yêu nước. Ông là một học giả uyên bác, nhà lý luận văn học, nhà văn, nhà sư phạm, nhà báo, nhà hoạt động chính trị - xã hội, nhà văn hoá lớn của Việt Nam ở thế kỷ XX.

Xuất thân từ một gia đình Nho học có truyền thống khoa bảng và giàu lòng yêu nước, GS. Đặng Thai Mai sớm giác ngộ lý tưởng, suốt đời gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám thành công, GS. Đặng Thai Mai được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1945 – 1949); Giám đốc Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV (1952); Chủ nhiệm khoa Văn, rồi làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1956 – 1959); Viện trưởng Viện Văn học kiêm Chủ nhiệm tạp chí Nghiên cứu văn học (1959 – 1984); Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1957 – 1984).

Với tư cách là người lãnh đạo văn nghệ, GS Đặng Thai Mai đã viết nhiều công trình mang ý nghĩa định hướng, chỉ đạo, tổng kết, trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quyết định của thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng. Một trong những công lao nổi bật của GS. Đặng Thai Mai từ năm 1945 về sau là tập hợp, cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, gắn bó sâu sắc với nhân dân, xứng đáng là những nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa. Trên cương vị lãnh đạo, quản lý văn nghệ, giáo dục, ông đã tổ chức đào tạo được một thế hệ văn nghệ sĩ đứng vững trên lập trường nhân dân, yêu nước để sáng tạo; đào tạo một đội ngũ phê bình giàu bản lĩnh cách mạng, nhạy bén, kịp thời phát hiện và đấu tranh bài trừ những tư tưởng, khuynh hướng sai lầm, nguy hại đối với sự nghiệp cách mạng.

Không chỉ tích cực tham gia kiến tạo nền văn học nghệ thuật mới, GS. Đặng Thai Mai còn là một học giả góp nhiều công sức kiến tạo nền khoa học xã hội và nhân văn của chế độ mới. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng nhiều công trình khoa học của ông đến nay vẫn còn mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc như: Văn thơ Phan Bội Châu (1958); Văn thơ cách mạng ViệtNamđầu thế kỷ XX (1961), Trên đường học tập và nghiên cứu (3 tập – 1959, 1969, 1970).

Tại Hội thảo “Sự nghiệp văn học Đặng Thai Mai”, các nhà khoa học, các dịch giả, nhà nghiên cứu, phê bình văn học cùng nhau làm sáng tỏ hơn nữa những đóng góp to lớn của nhà sự phạm, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn học Đặng Thai Mai trên những phương diện: nhìn nhận, đánh giá thấu đáo hơn nữa những đóng góp và cả những hạn chế của Đặng Thai Mai trong các công trình văn học sử, lý luận văn học, phê bình văn học, dịch thuật văn học và giảng dạy văn học; khẳng định những đóng góp nổi bật, tiên phong của Đặng Thai Mai đối với sự phát triển của nền văn học cách mạng, sự hình thành nền lý luận và mỹ học mác xít ở Việt Nam; rút ra những bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật sao cho phù hợp với bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay./.

 

(ĐCSVN)