Tại Hội nghị, TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã báo cáo kết quả hoạt động Khảo cổ học năm 2014. Theo đó, những hoạt động khảo cổ học trong năm qua trên toàn quốc rất sôi nổi và phong phú, số lượng và nội dung các thông báo khảo cổ đã bám sát các chương trình nghiên cứu lớn; các cuộc khai quật, điều tra, thăm dò, thám sát, cùng với các phát hiện, nghiên cứu về di tích di vật đã bổ sung nhiều tư liệu mới cho ngành khảo cổ học, sử học, văn hóa... Từ đó, có những đóng góp hữu hiệu trong việc xây dựng hồ sơ, quy hoạch, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, di sản.
Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần này, Ban Tổ chức đã nhận được 472 thông báo của các tác giả trong và ngoài nước với những nội dung phong phú.
Về khảo cổ học Thời đại đá có những hoạt động tiêu biểu như: Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lai Châu khai quật, di dời 7 địa điểm và thu thập hiện vật tại hai địa điểm khảo cổ học phân bố ở hai huyện Mường Tè và Nậm Nhùn. Kết quả khai quật cung cấp nhiều tư liệu khoa học có giá trị, góp phần nghiên cứu tiền sử Lai Châu nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung. Viện Khảo cổ học cũng phối hợp với Bảo tàng Sơn La khảo sát hang Thẳm Bó, phát hiện tầng văn hóa và những di vật thu được như: công cụ ghè đẽo, rìu mài toàn thân, mảnh tước, đá nguyên liệu, đồ gốm, vết tích vỏ nhuyễn thể và quả hạt. Từ đó, cho thấy hang Thẳm Bó là nơi cư trú của cư dân thời đại Đá mới, có tuổi khoảng 7000 đến 4000 năm cách ngày nay. Tại di chỉ Bản Mòn đã phát hiện đồ đá, gốm và xương răng động vật là di chỉ - xưởng chế tác rìu tứ giác và chế tác vòng tay bằng kỹ thuật cưa khoan sớm nhất ở miền Tây Bắc. Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm Khoa học Nga phối hợp với Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn tiến hành khảo sát các hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai và Thẩm Chăn. Kết quả khảo sát cho thấy: quần động vật Thẩm Chăn có khối lượng hóa thạch động vật rất lớn và được bảo tồn khá nguyên vẹn...
Về khảo cổ học Thời đại kim khí có những hoạt động tiêu biểu như: Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Long An tiến hành khai quật di chỉ Gò Duối lần thứ nhất. Kết quả cho thấy, cư dân Gò Duối đã bước hẳn sang giai đoạn sắt, sớm có mối quan hệ với di tích Gò Ô Chùa, Lò Gạch. Những thám sát ở Cồn Cọc (Hà Tĩnh) tìm hiểu mối quan hệ với di tích Cồn Nền (hệ thống các di tích có gốm tô màu đỏ) và di tích Gò Điệp, Vĩnh Hải, Suối Cam (Khánh Hòa) đã góp thêm tư liệu tìm hiểu mối quan hệ với văn hóa Xóm Cồn với thời kỳ tiền sơ sử ở Khánh Hòa...
Những phát hiện mới về khảo cổ học thời đại kim khí.
Ảnh: HT
Về khảo cổ học lịch sử: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã khai quật Khu di tích Điện Kính Thiên từ những dấu tích kiến trúc và di vật đã xác định được rõ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Trung tâm Bảo tồn di tích Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thành phố, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khai quật ngôi mộ cổ trong khuôn viên đình An Khánh bình đồ và kết cấu kiến trúc mộ cổ tương đối phổ biến ở Nam Bộ thuộc loại hình mộ hợp chất dành cho tầng lớp thượng lưu, niên đại khoảng nửa đầu thế kỷ XIX. Những phát hiện kiến trúc cổ ở Tuyên Quang, lò gốm Gò Ngắn Dài, Gò Con Cá, Đồi Đồng Dọc, Đồi Giàng, Quan Tử đã làm phong phúc các lò gốm từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII ở Vĩnh Phúc. Những phát hiện ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), những di tích, di vật qua nhiều thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX...
Về khảo cổ học Chăm Pa – Óc Eo, khảo cổ học dưới nước: Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận khai quật lần thứ 3 di tích Hòa Lai. Kết quả khai quật làm phát lộ tháp cổng, nền móng kiến trúc cụm tháp phía bắc, tháp giữa và phía nam, hệ thống tường bao. Kết quả này đã bổ sung nhiều tư liệu nghiên cứu di tích Hòa Lai nói riêng và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc trong lịch sử - văn hóa Chăm pa. Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế tiến hành khảo sát Thành Lồi. Kết quả khảo sát cho thấy những mảnh gốm và mảnh ngói phát hiện mang nhiều nét đặc trưng của đồ gốm thô, mịn và ngói Chăm pa thuộc tầng văn hóa trên của Trà Kiệu, tức từ sau thế kỷ IV – V...
Khảo cổ học dưới nước tuy còn mới, song đã có những hoạt động khá sôi nổi như: Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban Quản lý các di tích trọng điểm của Quảng Ninh khảo sát dấu vết thương cảng Vân Đồn, mục đích tìm hiểu thời gian tồn tại và những dấu tích thương mại và xây dựng hộ thống bản đồ. Các chuyên gia khảo cổ Úc, Canada, cán bộ Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Nghệ An đã tiến hành khảo sát khảo cổ học tìm dấu vết con tầu đắm dưới sông Lam (Nghệ An). Những hoạt động khảo sát, nghiên cứu di sản văn hóa biển ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh đã làm tăng tính hấp dẫn của khảo cổ học dưới nước.
Sau buổi khai mạc, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ chia làm 4 tiểu ban: Khảo cổ học Thời đại đá; Khảo cổ Thời đại kim khí; Khảo cổ học Lịch sử và Khảo cổ họcChămPa– Óc eo để tiếp tục thảo luận và trao đổi.
Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 49 sẽ kết thúc vào ngày 26/9/2014./.
(ĐCSVN)