205
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 20/06/2016 08:08
Hội nghị Đối thoại Giáo dục Toàn cầu 2016: Sáng tạo và cơ hội việc làm
Ngày 16 - 17.6, khoảng 130 đại biểu gồm lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học, cùng các nhà nghiên cứu và học giả đến từ Vương quốc Anh, ASEAN và Việt Nam, thảo luận những phương thức đổi mới để thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp hiệu quả hơn nhằm đào tạo ra những cử nhân có trình độ và sáng tạo.
Toàn cảnh Hội nghị Đối thoại giáo dục toàn cầu 2016 (Ảnh: Hội đồng Anh cung cấp)

Hội nghị Đối thoại Giáo dục Toàn cầu 2016 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh với chủ đề Đại học và doanh nghiệp: Sáng tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Đây là một trong những hoạt động thực hiện Tuyên bố chung về Hợp tác giáo dục đại học giữa Bộ GD - ĐT Việt Nam, Hội đồng Anh Việt Nam và Tổ chức Quốc tế Đại học Vương quốc Anh ký kết tại London tháng 9.2015. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga đánh giá: Với mục đích thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, diễn đàn tạo ra cuộc đối thoại giữa các tổ chức chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp về vai trò, trách nhiệm và nguyện vọng của các trường đại học trong việc tạo ra những giải pháp sáng tạo cho doanh nghiệp và lực lượng lao động có kỹ năng làm việc.

 

Doanh nghiệp tham gia đào tạo


Tại ViệtNam, 6,3% người trong độ tuổi 15 - 25 đang thất nghiệp. Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng 1 trong 5 người thất nghiệp ở Việt Nam có bằng đại học hoặc thạc sĩ, trong khi 62% doanh nghiệp được khảo sát nói rằng họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng. Trong một báo cáo mới đây của Ủy ban Kỹ năng, Việc làm và Đại học Vương quốc Anh, nước Anh cũng đang đối mặt với thách thức lớn về kỹ năng của người lao động. Vào năm 2022, 2 triệu việc làm mới sẽ đòi hỏi những kỹ năng nâng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Anh cũng nói rằng có nhiều kỹ năng và bằng cấp của nhân viên hoàn toàn không được sử dụng. Theo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever, “thách thức này cần cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn, để đẩy mạnh hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng lực lượng lao động có năng lực và kỹ năng”.

 

Không chỉ ở ViệtNamhay Anh, các trường đại học trên khắp thế giới đều đang đối mặt với thách thức trang bị cho sinh viên tốt nghiệp những kỹ năng cần thiết để tham gia vào thị trường việc làm toàn cầu hóa đầy cạnh tranh. Giám đốc Tổ chức Quốc tế Đại học Vương quốc Anh Vivienne Stern cho rằng, để làm được điều này, các trường phải thay đổi dần chương trình giảng dạy, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để có thể cung cấp kinh nghiệm chuyên môn, tìm ra mô hình nghiên cứu mới và tạo ra cơ sở chuyên dụng cho phép sinh viên và nhân viên có thể tìm ra tiềm năng thương mại trong công việc của họ.

 

“Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình đào tạo, đóng góp về trang thiết bị hoặc chuyên gia tham gia giảng dạy. Với doanh nghiệp ViệtNam, đây vẫn là điều mới mẻ; nhà trường đôi khi phải trả tiền cho doanh nghiệp để sinh viên thực tập. Hy vọng quan niệm đó sẽ được thay đổi qua những đối thoại thế này” - Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga nói.

 

Phát triển hệ sinh thái sáng tạo


Một nghiên cứu trong đối thoại năm nay đã chỉ ra 7 yếu tố mà nhờ đó một trường đại học phát triển hệ sinh thái sáng tạo địa phương, gồm: Văn hóa, con người, chính phủ, nhu cầu thị trường, sáng tạo, kinh phí và cơ sở hạ tầng. Một điểm độc đáo là trường này (Đại học Keele, Vương quốc Anh) đã rất chú trọng sáng tạo kiến thức trong quan hệ đối tác. Cơ chế sáng tạo là 4 chuỗi hoạt động mà cả nhân viên trong trường và sinh viên đều nên tham gia. Đó là những hoạt động công cộng và dựa trên yếu tố con người (tham quan bên ngoài, tham dự hội nghị, phát triển chương trình giảng dạy), hoạt động cộng đồng (bài giảng công cộng, thể thao cộng đồng, triển lãm), hoạt động thương mại hóa (nghiên cứu được cấp phép, sáng chế, công ty được ra đời từ nghiên cứu), hoạt động giải quyết vấn đề (tạo ra cơ sở vật chất, xuất bản, tạo mẫu/thử nghiệm).

 

Ngoài ra, trong số ưu tiên của trường đại học, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tiếp cận được sự hỗ trợ đổi mới, nhấn mạnh vai trò không thể tách rời của đổi mới trong bất kỳ sự hợp tác đại học - doanh nghiệp nào. Các trường đại học và doanh nghiệp đối tác cũng cần phải đến gần hơn cái được gọi là “technopolis”. Đây là nơi mà cả doanh nghiệp và trường đại học chia sẻ nguồn lực bao gồm cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất nghiên cứu, các chi phí nghiên cứu và phát triển khác.

 

Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam hy vọng, “kinh nghiệm thực tế cùng những nghiên cứu được trình bày bởi các diễn giả từ Vương quốc Anh, Việt Nam và các nước ASEAN sẽ đóng góp cho chương trình cải cách giáo dục đại học tại Việt Nam, với sự chú trọng vào việc quốc tế hóa, chất lượng và sự công nhận”.

 

Hiện nay, 24 trường đại học của Anh đã và đang hợp tác với các đối tác Việt Nam để thực hiện 59 chương trình hợp tác đào tạo. Vương quốc Anh cũng cam kết cho sự phát triển giáo dục của Việt Nam thông qua nguồn hỗ trợ hợp tác giáo dục đại học do Hội đồng Anh thực hiện. Quỹ Newton giúp hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo tại Việt Nam để giải quyết các thách thức xã hội vì lợi ích xã hội và sự phát triển kinh tế bền vững.

 

Đại biểu nhân dân