569
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 17/07/2014 15:46
Học thật và thi thật
Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 với sự tham dự của gần 1,2 triệu lượt thí sinh trong cả nước vừa được tổ chức đang trở thành một trong những tâm điểm của dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, đây là kỳ thi "thành công cơ bản, từ công tác chuẩn bị, công tác đề thi đến công tác coi thi và sự phối hợp hiệu quả trong tổ chức thi".

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đó là sự đổi mới đáng khích lệ, đặc biệt là đề thi đã buộc các thí sinh phải học thực chất. Các thí sinh, nhất là những thí sinh ở nông thôn, miền núi thì phấn khởi bởi nhiều em đã làm được bài mà không cần phải đến các "lò luyện thi" ở thành phố. Đông đảo các nhà giáo tâm huyết kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện Đề án "Một kỳ thi quốc gia nhằm hai mục đích - xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng", trong đó, phải thi thật để học sinh phải học thật và giáo viên phải dạy thật.

 Học thật, dạy thật và thi thật là ba khâu quan trọng có liên quan mật thiết với nhau và quyết định đến chất lượng giáo dục, đến sự đánh giá năng lực, giá trị của con người trong xã hội. Khi tổ chức thi thực chất, buộc các thầy giáo, cô giáo phải dạy thực chất và học sinh phải học thực chất.

 Học sinh, sinh viên được học thật sẽ nhận thức được rằng học là cho mình, học vì sự tiến bộ của chính bản thân mình chứ không phải học vì điểm, học để đối phó với các bài thi... Khi đã nhận thức được như vậy, các em sẽ có động lực phấn đấu thực sự trong học tập và kiến thức thu được sẽ là kiến thức thật của các em để có thể vận dụng vào thực tế.

 Các thầy giáo, cô giáo dạy thật sẽ truyền đạt kiến thức thật cho học sinh, sinh viên để học sinh, sinh viên có thể vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chứ không phải cung cấp cho các học sinh những đáp án sẵn để làm bài thi.

 Để có học thật, dạy thật, thi thật, trước hết, cần thay đổi quan niệm của toàn xã hội về vấn đề này. Đột phá của toàn bộ quy trình này cần bắt đầu từ khâu kiểm tra, đánh giá. Nếu chỉ là đánh giá chung chung, học sinh, sinh viên không biết được những mục tiêu cụ thể mình cần đạt được trong học tập, từ đó sẽ học theo kiểu đối phó. Muốn vậy, khâu ra đề thi, ra đề kiểm tra rất quan trọng. Đề ra phải phù hợp với trình độ của học sinh, sinh viên, đánh giá được đúng năng lực thực của học trò, đặc biệt là năng lực vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, chứ không phải chỉ nhằm kiểm tra khả năng... học thuộc lòng của học trò, bởi trên thực tế, học sinh, sinh viên không chỉ học trong nhà trường mà còn học ngoài xã hội, thu nhận kiến thức qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Chính vì lẽ đó, dư luận xã hội rất đồng tình với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc ra đề thi tuyển sinh đại học năm nay: "Đề thi có tính phân loại cao, không đánh đố, tăng cường kiểm tra kiến thức thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc".

 Mặt khác, để có kỳ thi thật, khâu tổ chức thi phải thực sự nghiêm túc, tránh để học sinh, sinh viên quay cóp. Tại một số trường đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đã tiến hành lắp máy quay camera trong phòng học với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc giám sát các kỳ thi, coi các máy quay camera là những “giám thị” đặc biệt. Cách làm này cần được nhân rộng cho việc tổ chức các kỳ thi quan trọng như tuyển sinh đại học, cao đẳng.

 Về tuyển dụng, đề bạt cán bộ, cần lấy tiêu chí đầu tiên là kiến thức thật, không phải là bằng cấp, bởi lẽ, học thật mới có năng lực thật để làm thật, làm thật mới có sự nghiệp thật.

 Dư luận xã hội rất quan tâm với tuyên bố mới đây của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về Đề án một kỳ thi quốc gia nhằm hai mục đích - xét tốt nghiệp trung học phổ thông và làm dữ liệu tin cậy cho kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo tâm huyết, để đề án này trở thành hiện thực, trước mắt, bắt đầu từ năm học này, ngành giáo dục nên phát động phong trào "học thật, dạy thật, thi thật" trong phạm vi toàn quốc./.

 QĐND