351
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 26/11/2015 08:14
Học sinh mong muốn gì ở việc đổi mới dạy học môn Lịch sử?
Nhiều học sinh rất muốn học Lịch sử thông qua những chuyến đi tham quan, xem phim ảnh, đóng vai nhân vật…
Nguyễn Phương Uyên

Thời gian gần đây, học sinh “thờ ơ” với môn Lịch sử ngày càng gia tăng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: sách giáo khoa còn nặng nề kiến thức, phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa thực sự thu hút học sinh... Vấn đề này đã khiến dư luận xã hội thực sự quan tâm cũng như lo ngại.

 

 

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” có đề cập đến việc tích hợp nội dung môn Lịch sử với môn Đạo đức-Công dân và An ninh-Quốc phòng thành môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”.

 

 

Tuy nhiên, ngay sau khi Dự thảo được đưa ra, nhiều học giả, nhà khoa học, sử học và thậm chí là giáo viên lại phản đối cách thức tích hợp này và bày tỏ sự lo ngại vị thế môn Lịch sử có thể bị “lãng quên”. 

 

 

Vậy chúng ta phải đổi mới môn Lịch sử như thế nào và làm gì để môn Lịch sử thực sự thu hút học sinh? Xung quanh vấn đề này, chúng ta hãy lắng nghe những suy nghĩ, mong muốn của các em học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội.

 

 

 

Học sinh Nguyễn Phương Uyên: Em đồng ý với việc Bộ Giáo dục-Đào tạo tích hợp nội dung môn Lịch sử với môn Đạo đức-Công dân và An ninh- Quốc phòng thành môn học mới “Công dân với Tổ quốc”. Việc tích hợp có thể giúp giảm tải áp lực học tập cho học sinh. Thay vì học tập để lấy điểm số cho 3 môn thì nay điểm số môn học còn xuống chỉ còn 1 môn.

 

 

Hiện nay, học sinh phải học Lịch sử tương đối nặng. Trong sách giáo khoa có rất nhiều sự kiện, ngày tháng phải học thuộc nên khiến nhiều người cảm thấy không hứng thú. Để học sinh hứng thú và nắm bắt kiến thức hơn, giáo viên chỉ nên cung cấp cho các em những sự kiện quan trọng, chứ không nên giảng một cách dàn trải.

 

 

Thay vì giảng dạy ở trên sách giáo khoa có rất nhiều chữ khiến học sinh ngại đọc thì giáo viên có thể dạy học ở trên máy chiếu, có nhiều hình ảnh sinh động.

 

 

Đinh Quang Anh

 

 

 

Học sinh Đinh Quang Anh: Nhiều học sinh chán nản với môn Lịch sử nhưng theo quan điểm của em, môn Lịch sử không phải là môn học thuộc lòng, vì nó cũng giúp chúng em có tư duy tốt hơn trong việc kết nối các sự kiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

 

 

Em thích giáo viên giảng dạy phải nhập tâm vào chính bài giảng. Giáo viên không chỉ là người viết lên bảng rồi bảo học sinh đọc mà họ phải là người kể, dẫn dắt lại câu chuyện theo dòng chảy sự kiện, thời gian có trong sách giáo khoa. Để có được những bài học thu hút học sinh, giáo viên nên được đầu tư thêm máy chiếu và các tài liệu bổ trợ cho việc giảng dạy như kể về những nhân vật lịch sử nổi tiếng ở trong và ngoài nước.

 

 

Học sinh Nguyễn Thảo Linh: Mỗi một giờ học Sử, em thích giáo viên cho học sinh đóng vai một nhân vật lịch sử nào đó để bài giảng lịch sử thực sự hấp dẫn, thú vị hơn. Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức những chuyến đi dã ngoại, tham quan danh lam thắng cảnh, thăm bảo tàng để chúng em có dịp tìm hiểu về các trận đánh giặc lớn của dân tộc cũng như các phong tục, tập quán truyền thống của đất nước. Những chuyến đi như thế này vừa vui, vừa hấp dẫn học sinh hơn.

 

 

Học sinh Nguyễn Thảo Linh

 

 

 

Không những vậy, học sinh chúng em còn thích học Sử thông qua những bộ phim hấp dẫn như kiểu phim lịch sử của Trung Quốc hay nhiều nước khác trên thế giới đã công chiếu.

 

 

Ngoài ra, để việc giảng dạy-học tập môn Lịch sử hiệu quả hơn, ngoài sự nỗ lực thay đổi của giáo viên thì bản thân mỗi một học sinh cần thay đổi cách nhìn nhận môn Lịch sử chỉ là môn học thuộc lòng và nên tự học thông qua bổ sung kiến thức thông qua mạng Internet.

 

 

Học sinh Nguyễn Thượng Minh Hiếu: Em nghĩ rằng, việc đổi mới môn Lịch sử là cần thiết và có thể yêu cầu bắt buộc học sinh học phần Lịch sử dân tộc. Còn phần Lịch sử thế giới nên có phần chọn lọc. 

 

 

 Nguyễn Thượng Minh Hiếu

 

 

 

Muốn học sinh hứng thú học Sử, giáo viên hãy tìm cách tạo ra không khi vui vẻ, hài hước trong giờ học, không nên truyền đạt những kiến thức giáo điều mà hãy giảng dạy truyền cảm, đưa thông tin về các trận đánh, nhân vật lịch sử hấp dẫn bằng các hình ảnh, đoạn video sinh động, dễ nhớ.

 

 

Trong giảng dạy, em thích thầy cô liên hệ bài giảng của mình với đời sống thực tế. Có như vậy, chúng em mới cảm thấy môn Lịch sử không hề nhàm chán./.

 

 

VOV