Dã ngoại trong… trung tâm thương mại
Cứ gần kết thúc học kỳ I và học kỳ II, nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội lại tổ chức cho học sinh đi dã ngoại. Ngoài thăm mô hình trang trại, làng nghề Bát Tràng thì đa số các trường tổ chức cho các em vào trung tâm thương mại cả ngày chơi trò chơi, xem phim, ăn uống… Dù không bắt buộc nhưng nếu học sinh không tham gia thì cuối năm vẫn bị nhận xét là chưa tích cực trong hoạt động tập thể. Mức phí đi dã ngoại khá cao, từ 280.000 đồng trở lên cho cả ngày, từ 150.000 đồng trở lên nếu đi nửa ngày.
Một phụ huynh ở quận Long Biên cho biết, năm trước 2 lần nhà trường cho đi dã ngoại đều vào trung tâm thương mại ở Royal City, Vincom, năm nay lại Times City. Các con ở thành phố thường xuyên được vào siêu thị, trung tâm thương mại, nên dã ngoại ở trung tâm thương mại khiến cả bố mẹ và học sinh đều không thích. Một phụ huynh ở quận Đống Đa cũng phàn nàn: “Năm nay, nhà trường lại lựa chọn điểm dã ngoại là trung tâm thương mại. Chương trình có nêu mục đích cho các cháu tham quan, làm quen với một số ngành nghề qua trò chơi. Do thấy điểm tham quan này con đã đi nhiều lần và quen thuộc với các trò chơi ở đây nên tôi không đăng ký, nhưng cô giáo chủ nhiệm lại thông báo đây cũng là tiêu chí đánh giá thi đua của lớp, nên phải đi đủ 100%”.
Một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ du lịch, lữ hành cho các trường học cho biết, họ chỉ đưa ra địa điểm, còn quyết định là nhà trường. Nhiều trường do lo ngại về sự an toàn của học sinh nên chọn các trung tâm thương mại, bảo tàng, di tích lịch sử để tham quan. Có địa điểm cách Hà Nội 30 - 40km như Sơn Tây, Sóc Sơn... học sinh có thể cắm trại, khám phá thiên nhiên, nhưng hầu như không được lựa chọn vì chi phí tốn kém mà trách nhiệm bảo đảm an toàn cho học sinh lại cao.
Phải phù hợp với lứa tuổi
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội khẳng định: “Hoạt động ngoại khóa như đi thăm làng nghề, thăm trang trại đồng quê... rất bổ ích đối với học sinh thành phố. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Đi để biết những hoàn cảnh, hình ảnh thực tế. Học sinh đến nông trại sẽ biết thế nào là cấy lúa, cày bừa… Chính qua hoạt động ngoại khóa, các em được học, được trải nghiệm. Hoạt động này còn tạo tính đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao ý thức lao động, khả năng làm việc theo nhóm, đặc biệt có thêm hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, con người”. Tuy nhiên, ông Thống cũng nhấn mạnh, việc tổ chức cho học sinh đi dã ngoại cần phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi thì mới tạo hứng thú cho các em. Năm nay đi chỗ này, sang năm vẫn đi chỗ đó, sẽ gây nhàm chán. Bên cạnh đó, cũng rất cần vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong giám sát cộng đồng.
“Mặc dù hoạt động dã ngoại là cần thiết, bổ ích cho học sinh, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Hằng năm, Sở GD - ĐT Hà Nội đều có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các trường trên địa bàn TP siết chặt các hoạt động tham quan, dã ngoại. Các trường khi tổ chức hoạt động này phải có kế hoạch, được phụ huynh đồng ý, được sự cho phép của cấp quản lý. Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố, tai nạn đối với học sinh. Tôi khẳng định, hoạt động ngoại khóa vô cùng cần thiết, tuy nhiên phải bảo đảm an toàn cho học sinh. Ngoài ra, hoạt động này không chỉ nhà trường, mà cần có sự chung tay của cha mẹ học sinh, bằng cả nhân lực và vật lực” - ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết thêm.
Có thể nói, hoạt động ngoại khóa giúp bổ trợ kiến thức, bổ sung các kỹ năng và kinh nghiệm sống cho học sinh. Thế nhưng hoạt động ngoại khóa phải gắn với chương trình học tập và phù hợp với lứa tuổi của các em thì mới mang lại hiệu quả. Chưa bàn về chuyện tiền nong đóng góp cho mỗi chuyến đi nhưng đã đến lúc cần xem lại công tác tổ chức hoạt động ngoại khóa của các nhà trường hiện nay.
Đại biểu nhân dân