“Ngày ấy, tôi đang giảng dạy ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Ban Giám hiệu dẫn đến lớp tôi một phụ nữ dáng hơi đậm, khuôn mặt hiền lành và đặc biệt có nụ cười rất tươi. Chị giới thiệu mình là N.R.Deniale, phu nhân Đại sứ Vương quốc Moroccotại Việt Nam, muốn tới học vẽ. Như những lần tiếp học viên ngoại quốc, tôi đưa một số dòng tranh, chị chọn học sơn mài. Câu trả lời nhanh và dứt khoát khiến tôi không giấu được vẻ ngạc nhiên và có chút ái ngại trước người phụ nữ này, bởi sơn mài là loại hình rất khó, lại kén người học. ‘Chị nên học tranh lụa, tôi sẽ dạy chị đến nơi đến chốn’ - tôi bảo, nhưng Deniale lắc đầu: ‘Không. Tôi học sơn mài. Bởi vì Moroccokhông có sơn mài còn tôi muốn tìm hiểu và vẽ bằng chất liệu ấy’”. 9 năm đã trôi qua nhưng họa sĩ Lê Kim Mỹ vẫn không thể nào quên ngày đầu tiên gặp người học trò của mình. Theo bà, triển lãm Từ trái tim đến tâm hồnchính là kết quả của niềm đam mê hội họa và tình cảm đối với Việt Nam của bà N.R.Deniale.
Là vợ của một nhà ngoại giao, bà Deniale đã có cơ hội đến thăm nhiều quốc gia, gặp gỡ nhiều người và tìm hiểu nhiều nền văn hóa nhưng Việt Nam với những phong cảnh giàu chất thơ và truyền thống phong phú đã níu tâm hồn nghệ thuật của bà. Triển lãm Từ trái tim đến tâm hồn tựa như sợi dây kết nối văn hóa giữa hai đất nướcMorocco và ViệtNam. Những bức tranh ít nhiều phảng phất nỗi nhớ quê hương của người vẽ. Bà N.R.Deniale chia sẻ: “Từ tận đáy lòng, triển lãm tranh này của tôi là cảm nhận về sự giao thoa văn hóa giữa hai đất nước Morocco và Việt Nam được thể hiện thông qua nghệ thuật tranh sơn mài và sơn dầu. Đôi khi đó là những khoảnh khắc tôi tưởng tượng, hay những điều tôi cảm nhận được và nâng niu, có khi là những gì tôi trau dồi trong suốt 9 năm qua ở Việt Nam”.
Đối với họa sĩ Deniale, quãng thời gian sống tại Việt Namchính là thời kỳ sáng tác nghệ thuật rực rỡ và đầy cảm xúc. Đi dạo trên những con phố cổ Hà Nội, nhìn dòng người hối hả, tấp nập, bà nhớ thành cổ tráng lệ như Fes, Rabathay Marrakech ở Moroccovà thấy gắn bó với Việt Namhơn. Các bức tranh là cách Deniale viết nhật ký ghi dấu trạng thái tâm hồn. Có lẽ vì thế, chúng đem đến cho người xem cảm giác vừa quen thuộc, vừa mới lạ, như được chứng kiến sự kết nối hai sợi dây văn hóa ViệtNam vàMorocco qua từng nét vẽ, từng mảng màu.
Sử dụng chất liệu truyền thống Việt Nam nhưng Deniale cũng sáng tạo khi đưa viên sỏi, sợi dây thừng… vào tranh của mình, tạo nên những đường nét vừa mềm mại, vừa cá tính, những chấm phá vừa tỉ mỉ, vừa tự do. Đặc biệt, qua các bức tranh của bà, truyền thống Việt Nam hiện lên sống động, như hình ảnh cậu bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đọc sách (tác phẩm Bình yên); những đóa sen trắng, sen hồng bung nở giữa đầm (tác phẩm Sen trắng, Đầm sen); mùa thu lá vàng, mùa xuân thắm đỏ sắc hoa (tác phẩm Thu, Mùa xuân). Đây Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, kia gốc cây già nghiêng nghiêng dưới ráng chiều. Đây Ô Quan Chưởng, kia ngã tư phố cổ thấp thoáng gánh hàng rong… Đặc biệt là tác phẩmNgày Tết với hình ảnh cây đào lấm tấm cánh hồng, từng khóm quất quả vàng rực trong ánh mặt trời. Bức tranh này Deniale thích nhất, bởi nó được vẽ nên từ ấn tượng của bà đối với Tết Việt vốn đã xâm chiếm, thấm đượm trong trái tim bà.
Deniale nói rằng, bà luôn cảm thấy biết ơn những khoảnh khắc kỳ diệu đã trải qua trên đất nước ViệtNam. Các bức tranh là cách bà diễn giải về văn hóa và cuộc sống thường nhật của con người ViệtNamnhân ái. “Đối với tôi, hội họa vừa là sự nghiền ngẫm, vừa là một cách thư giãn. Những tác phẩm của tôi là lời mời gọi mọi người cảm nhận sự giao thoa văn hóa, về tình người và cả những điều khác biệt, khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn”.
Họa sĩ Naima Rardani Deniale sinh ngày 24.11.1953 tại Casablanca, Morocco. Năm 2006, bà theo chồng là Đại sứ Morocco tại Việt Nam đến Hà Nội. Trước khi tới Việt Nam, bà đã vẽ tranh được một thời gian dài và làm quen với các chất liệu khác nhau (dầu, acrylic, màu nước…) cũng như tham gia nhiều triển lãm tại Canada và Vương quốc Anh. Triển lãm Từ trái tim đến tâm hồn gồm 28 bức tranh sơn mài và sơn dầu, trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến hết ngày 9.4.2016.
Đại biểu nhân dân