299
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 15/12/2015 08:40
Hòa nhập để có luồng gió mới
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG khi trao đổi với PV Báo ĐBND bên lề Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Ông nhấn mạnh, 5 năm qua có sự tiếp nối nghệ thuật giữa các thế hệ nghệ sĩ; đặc biệt, nhiều họa sĩ trẻ đã tìm tòi, bứt phá để hội nhập nhưng tác phẩm của họ vẫn đậm chất Việt.
Nhà xưa sơn mài của Nguyễn Thị Loan Phương

Phát triển cả về lượng và chất


Ông đánh giá thế nào về mỹ thuật Việt Nam 5 năm qua?


- 5 năm qua, mỹ thuật Việt Namđã tổ chức được nhiều triển lãm mang tính toàn quốc. Điểm qua các triển lãm gây tiếng vang có thể kể đến triển lãm đồ họa ứng dụng, triển lãm mỹ thuật ứng dụng, triển lãm gốm, festival trẻ, triển lãm lực lượng vũ trang toàn quốc, triển lãm tranh cổ động toàn quốc… Đó là chưa kể những triển lãm khu vực của Hội Mỹ thuật tổ chức hằng năm; triển lãm của các nhóm tác giả. Qua các triển lãm cho thấy rất nhiều tác phẩm được sáng tác trong thời gian này.

 

Tuy nhiên, sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam không chỉ ở nội tại tác phẩm, cũng không chỉ là sáng tác, mà là sự trưởng thành của cả một thế hệ họa sĩ. Đến nay, 50% tác phẩm có mặt trên thị trường là của các tác giả sinh sau năm 1975. Đây là lớp nghệ sĩ trẻ, sung sức, có những tìm tòi khác hẳn thế hệ cha anh. Đương nhiên thành quả nghệ thuật xưa được tiếp nhận và có thêm hơi thở của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Số lượng họa sĩ hiện nay đã lên đến hàng vạn người. Điều này cũng cho thấy mỹ thuật Việt Nam đang phát triển không chỉ ở đội ngũ, mà cả chất liệu, ngôn ngữ sáng tác và nội dung các tác phẩm.

 

- Có vẻ mỹ thuật Việt Nam đang trong giai đoạn thuận lợi, thưa ông?


- Chưa bao giờ mỹ thuật Việt Nam có điều kiện phát triển như hiện nay, cả về thông tin nghệ thuật, về chất liệu và diện tích trưng bày. Cho nên, nỗ lực của các nghệ sĩ sẽ đưa đến thành công. Hiện nay có thuận lợi là nhiều loại hình nghệ thuật hậu hiện đại đã du nhập vào Việt Nam và đang phát triển như video art, performance art, nghệ thuật sắp đặt, body art, light art... Các nghệ sĩ hòa nhập và tìm tòi để có những luồng gió mới. Đặc biệt, sau thế hệ cha anh, lực lượng trẻ đã tiếp tục sự nghiệp, có chỗ đứng vững vàng. Chính họ làm chúng ta tin tưởng về sự phát triển của mỹ thuật ViệtNamnhững năm tiếp theo.

 

Tiếp thu có chọn lọc


- Ông có lo ngại quá trình hội nhập quốc tế sẽ khiến các tác phẩm của Việt Nam mất tính dân tộc, mất bản sắc?


- Không chỉ riêng ViệtNammà nhiều quốc gia cũng rất quan tâm đến quá trình phát triển mỹ thuật hiện đại. Hiện nay, chúng ta rất dễ học tập kỹ thuật mới, phong cách mới nhưng theo tôi phải Việt hóa. Điều đó chắc chắn là khó. Gần đây, nhiều tác giả có những tác phẩm khai thác cái hiện đại nhưng vẫn đậm chất Việt. Nếu đặt tác phẩm mỹ thuật của ViệtNambên cạnh tác phẩm của các nước khác, chúng ta vẫn dễ dàng phân biệt được.

 

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có nền văn hóa riêng, nghệ thuật riêng. Không ai phủ nhận những tinh hoa nghệ thuật thế giới, vấn đề là tiếp thu có chọn lọc để bồi đắp cho nền nghệ thuật của mình thêm phong phú, đa dạng và ngày càng cao hơn. Đó mới là ý nghĩa của hội nhập và phát triển, tự do sáng tạo nghệ thuật. Nghệ sĩ khi sáng tác bao giờ cũng muốn mang tính dân tộc nhưng kết hợp với hiện đại. Dân tộc nhất là thế giới nhất, tức là phải đậm đà tính dân tộc mới thành thế giới, còn nếu vẽ như thế giới thì sẽ bị hòa tan.

 

Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, ông dự báo mỹ thuật Việt Nam 5 năm tới sẽ thế nào?


- Tôi nghĩ, nếu mỗi họa sĩ tự tìm tòi, sáng tạo thì chắc chắn nền mỹ thuật nước nhà sẽ tiếp tục đổi mới theo xu hướng tích cực. Nghệ thuật tranh đồ họa đã có những bứt phá trong ngôn ngữ sáng tạo và kỹ thuật in ấn sẽ tiếp tục khởi sắc. Hội họa đang lúng túng để tìm ra cái mới song vẫn có nhiều cơ hội cho các thế hệ họa sĩ khẳng định mình. Điêu khắc hướng đến nhiều hơn những giá trị thẩm mỹ phục vụ đời sống xã hội. Và trong sự chững lại của nghệ thuật đương đại, hướng khai mở những sáng tạo mới cũng đang được tìm tòi. Đặc biệt, hy vọng 5 năm nữa, thế hệ họa sĩ sinh sau năm 1980 (chiếm gần 40%) sẽ chín chắn hơn, tiếp tục có những giải thưởng xứng đáng.

 

- Xin cảm ơn ông!

 

Được tổ chức 5 năm/lần, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 (trước gọi là Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc) trưng bày 409 tác phẩm trên tổng số 4.076 tác phẩm gửi tham dự, trong đó 38 tác phẩm xuất sắc đã được chọn trao thưởng. Ban tổ chức đánh giá: Các tác phẩm trưng bày lần này đều có nội dung tư tưởng tốt; phản ánh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có tinh thần nhân văn, hướng thiện; mang hơi thở của cuộc sống đương đại; sáng tạo trong ngôn ngữ, kỹ thuật thể hiện, tạo ấn tượng thị giác...


Đại biểu nhân dân