347
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 17/03/2015 07:43
Hệ thống trường đại học trọng điểm: Vắng bóng trường ngoài công lập
Trong các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục đại học (GDĐH) mà Chính phủ đã đưa ra đều không phân biệt trường công và trường tư, thậm chí còn khuyến khích xã hội hóa, tăng tỷ lệ trường tư thục. Tuy nhiên, trong số 21 trường đại học trọng điểm hiện nay lại không có bóng dáng của bất cứ trường đại học tư thục nào.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng đầu tư dàn trải thì không thể có chất lượng.

 Trong khi đó, đối với trường công lập, để trở thành trường trọng điểm sẽ được Nhà nước tăng đầu tư ngân sách, thu hút nguồn vốn ODA và FDI đầu tư cho GDĐH… Ngược lại, trường tư lại không cần vốn từ ngân sách mà cái họ cần là cơ chế và sự hỗ trợ về chính sách.

 

Hướng đi tất yếu


Thực tế cho thấy, trong suốt hai thập kỷ qua GDĐH ViệtNamluôn tăng trưởng nóng về số lượng và hiện nay phải tập trung tái cấu trúc nhằm tăng cường chất lượng đào tạo. Dự thảo Nghị định về phân tầng và xếp hạng các trường ĐH đang được lấy ý kiến rộng rãi là một nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm cấu trúc lại hệ thống GDĐH. Tuy nhiên, việc phân tầng các trường ĐH nhằm vào mục tiêu quy hoạch dựa trên sứ mạng và xếp hạng để minh bạch về chất lượng. Trong khi đó, ĐH trọng điểm là mô hình ĐH thể hiện mức độ ưu tiên của Nhà nước nhằm giúp cho một số trường có điều kiện đạt được một số mục tiêu mà Nhà nước đề ra trong từng thời kỳ cụ thể.

 

Từ năm 2001, Thủ tướng đã ký Quyết định 47 quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ giai đoạn 2001 - 2010 đã chú trọng đầu tư cho các “trường ĐH trọng điểm”. Quyết định này nêu rõ các trường trọng điểm sẽ được “Tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ vốn vay và viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, vốn huy động từ xã hội và các nguồn lực khác để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tập trung đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở mới của hai ĐH quốc gia; đầu tư cho các ngành đào tạo theo các hướng ưu tiên tại các trường trọng điểm. Giai đoạn này có 14 trường được chọn là trường trọng điểm”.

 

Mới đây, Quyết định 37 điều chỉnh lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020 Chính phủ cũng khẳng định chủ trương tập trung đầu tư xây dựng các trường ĐH trọng điểm với mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2015 có 10 trường ĐH mà mỗi trường có ít nhất 1 khoa (ngành) hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng tương đương so với các trường có uy tín trên thế giới; đến năm 2020 có 20 trường ĐH đạt tiêu chí nêu trên và năm 2020 có 1 trường ĐH được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới”.

 

Hiện nay có 21 trường ĐH trọng điểm (trong đó có 2 ĐH quốc gia, 5 ĐH vùng) được xác định dựa trên vùng lãnh thổ và những ngành đặc biệt quan trọng cho đời sống kinh tế xã hội và an ninh quốc gia (sư phạm, y dược, kinh tế, nông lâm ngư nghiệp, công nghệ, kỹ thuật quân sự, quân y, hàng hải). Ngoài hai ĐH quốc gia và ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm hiện đang có sự quan tâm và đầu tư một nguồn lực đặc biệt, nhất là trong đầu tư xây dựng và phát triển, thể hiện sự cam kết và ưu tiên của Chính phủ, dù rằng không có văn bản hay quy định nào cụ thể về sự cam kết này.

 

Theo TS Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM): “Đối với Việt Nam, ĐH đẳng cấp quốc tế là một mục tiêu xa vời và không thực tế. ĐH trọng điểm là một mô hình phù hợp hơn với điều kiện hiện nay của Việt Nam, và cần thúc đẩy để tạo ra những điểm nhấn trong hệ thống nhằm trở thành một mô hình mẫu mực mà các trường khác có thể học tập”.

 

Cần sự công bằng


Một trong những thành quả quan trọng của chủ trương xã hội hóa của Nhà nước là sự ra đời của hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (ĐHNCL). Mở đầu là sự ra đời của Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long (Hà Nội) vào năm 1989 và đến nay đã hơn 100 trường. Trong hơn hai thập kỷ qua, sự phát triển của các trường ĐHNCL đã đạt được những kết quả ấn tượng: góp phần giải quyết nhu cầu học tập to lớn của xã hội, trong khi các trường công lập và ngân sách chưa cáng đáng nổi, quy mô sinh viên hiện hơn 220.200 người, gánh cho ngân sách nhà nước trên 30.000 tỷ đồng.

 

Cùng với sự phát triển ấy, quy mô, các ngành nghề đào tạo của các trường ĐHNCL cũng ngày một mở rộng, hàng trăm ngành nghề từ các ngành xã hội cho tới các ngành khoa học kỹ thuật được đưa vào đào tạo… Bỏ qua những “khuyết tật”, các trường ĐHNCL đã có công trong việc góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa của Nhà nước, đào tạo một lực lượng tri thức không nhỏ để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một xu hướng tất yếu, một chủ trương đúng đắn ngay từ khi ra đời đã được đón nhận một cách tích cực của xã hội.

 

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: “Giáo dục đào tạo là công việc của toàn xã hội, do đó việc xã hội hóa là tất yếu. Để làm được điều đó, cần bình đẳng toàn diện giữa công lập và ngoài công lập, kể cả điều kiện tài chính. Nếu không có sự bình đẳng và vẫn bao cấp, đầu tư dàn trải thì không thể có đột phá và có chất lượng được. Do đó, ĐH trọng điểm dứt khoát phải hướng đến chất lượng, chất lượng cũng chính là điểm cốt lõi nhất của đổi mới giáo dục”.

 

PGS-TS Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng: “Trong các văn bản nghị quyết, các quyết định, quy định của Nhà nước đều bình đẳng trong việc phát triển các trường ĐH trọng điểm, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trong danh sách 21 trường ĐH trọng điểm chỉ có các trường công lập, không hề có trường ngoài công lập cũng là điều đáng nói và cần xem lại”.

 

Ngày 15-3, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức buổi tọa đàm “Quy trình hướng nghiệp - gắn kết đem lại hiệu quả” thu hút gần 100 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường THPT trên địa bàn TPHCM tham dự.


Trước đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Mô hình trường ĐH trọng điểm trong khu vực ngoài công lập, không sử dụng ngân sách nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn khu vực và quốc tế”. Buổi tọa đàm thu hút rất nhiều lãnh đạo, chuyên gia giáo dục từ trung ương, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, các viện trưởng viện nghiên cứu giáo dục, lãnh đạo các trường ĐH về dự.


“Trường ĐH trọng điểm trong khu vực ngoài công lập, không sử dụng ngân sách nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn khu vực và quốc tế” là mô hình mang lại cơ hội cho những nhà làm chính sách, đầu tư, nghiên cứu và quản lý giáo dục ĐH thảo luận, phân tích và đưa ra các mô hình ĐH trọng điểm ngoài công lập phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.


Với mô hình ĐH trọng điểm là chuẩn chất lượng đẳng cấp quốc tế cần vươn tới thì sân chơi cần được mở rộng ra đối với cả các trường ĐH ngoài công lập.

 

SGGP