Cửa sổ như cuốn nhật ký bằng tranh của một cậu bé sống trong khu phố cổ Hà Nội vào thời bao cấp, những năm 1980. “Giống như bao trẻ em khác thời bấy giờ, tôi chỉ đi học một buổi, buổi còn lại bị nhốt trong nhà để bố mẹ yên tâm đi làm. Và trong căn phòng tù túng, tôi luôn muốn bắc ghế trèo lên ô cửa sổ để nhìn khoảng không bên ngoài. Thế giới với tôi khi đó chỉ là hình chữ nhật của ô cửa sổ. Khi ở nhà, tôi thường chơi đùa với ánh nắng hiếm hoi hắt ra từ cửa sổ, dùng những chiếc gương chiếu rọi vào góc tối để khám phá ra điều gì đó trong nhà, và thích thú với trò chơi này cả ngày như ở cõi thần tiên. Ánh nắng qua ô cửa còn là chỉ dấu về thời gian, nhìn vạch sáng trên nền nhà tôi có thể biết bố mẹ sắp về hay chưa...”.
Ám ảnh, ước mơ thời bé đã khiến họa sĩ Tạ Huy Long vẽ ra những phác thảo đầu tiên, và dần hình thành truyện tranh Cửa sổ. 82 bức tranh trong tác phẩm được anh vẽ bằng chất liệu tổng hợp, chủ yếu là màu nước. Tuy nhiên, Cửa sổ không kể câu chuyện của một đứa bé, mà thể hiện hình ảnh, đời sống thành phố từ một góc nhìn. “Tôi muốn thấy Hà Nội qua lăng kính khác, muốn lãng mạn hóa cuộc sống khá tù túng thời kỳ ấy. Và hình ảnh con châu chấu xuất hiện xuyên suốt tác phẩm với mục đích chuyển đổi giữa thực và ảo, tạo cho câu chuyện có chút gì quái dị và kỳ lạ. Khi ấy, cửa sổ không chỉ là cánh cửa thông với không gian bên ngoài, mà đã trở thành cánh cửa hứa hẹn về một thế giới khác”.
Cửa sổ mang tới cho người xem một Hà Nội gần gũi, với những hình ảnh vẫn còn đến hôm nay: phố phường náo nhiệt, những ngôi nhà có kiến trúc đặc trưng của phố cổ, mái ngói nhấp nhô, cầu Long Biên. Nhưng đây cũng là một Hà Nội đã xa, bởi khi đó, Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền chưa bị dỡ bỏ, tàu điện vẫn leng keng trên phố, và phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp... “Tôi ghen tị với các họa sĩ, bởi họ có sự điềm tĩnh trong việc chiêm nghiệm về quá khứ, tung tăng trong hoài niệm mà không có rào cản về tâm lý như người viết. Khi viết về đề tài xưa cũ, nhà văn thường bị cho là thiếu tính đương đại” - Nguyễn Trương Quý, nhà văn có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội chia sẻ.
Qua nét vẽ của Tạ Huy Long, người xem thấy một hình ảnh Hà Nội chân thực, với khung cảnh, góc phố vẫn có bóng dáng thời phồn hoa, có đường nét mềm mại của mái ngói, những ô cửa. Nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét: “Họa sĩ đã chọn tứ rất đắt giá là ô cửa sổ, qua đó Hà Nội hiện lên như một thế giới khác biệt với nông thôn xưa. Và chỉ bằng một vài nét vẽ, anh đã thổi vào tranh một cảm giác huyền ảo, mà người viết rất khó truyền tải bằng câu chữ. Các bức tranh sống động, có toàn cảnh, nhưng cũng chi tiết, với từng cái chai, lọ, bếp dầu... đem lại cảm giác chỉn chu, tinh tế. Có thể thấy cảm xúc đã làm nên thành công của tác phẩm này”.
Cửa sổ thể hiện khung cửa sổ có thật của một cậu bé sống trong phố cổ, khi chiến tranh đã chấm dứt nhưng vẫn hiện diện trong đời sống thời bao cấp. Một cửa sổ phục vụ cho đôi mắt của cơ thể và tâm tưởng đã đánh động ký ức mỗi người về Hà Nội, cũng như thôi thúc họ mở cửa sổ của ngôi nhà mình, cửa sổ của tri thức, tâm hồn mình để nhìn ra thế giới xung quanh. Tuy nhiên, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên băn khoăn: “Quá khứ không thay đổi, nhưng hình dung của con người về quá khứ thì thay đổi. Có thể thấy, ký ức của nhiều người về Hà Nội thường rất đẹp, nhưng liệu chúng ta có quá hoài niệm, ăn màyquá khứ, lãng mạn hóa quá khứ? Chúng ta ca tụng cái đẹp của quá khứ, nhưng cũng cần tạo ra cái đẹp của hôm nay và trách nhiệm là của những người đang gắn bó với Hà Nội”
Người đại biểu nhân dân