Không công bằng nếu đánh giá một việc ở tầm quốc gia, liên quan đến triệu con người, dựa trên một sự kiện mang tính cá nhân, như việc một phụ huynh thuê xe cứu thương để kịp rút (hay nộp) hồ sơ cho con.
Năm ngoái tôi có phát biểu quan điểm của mình về việc thi tốt nghiệp THPT. Lý do làm tôi nghĩ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là những biểu hiện thiếu trung thực ở kỳ thi này những năm gần đây. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng kiểm tra chất lượng dựa vào một quá trình thì tốt hơn là vào một cuộc thi, cho nên học bạ, điểm học trong năm là đủ để quyết định việc lên lớp và việc tốt nghiệp. Bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế.
Khi Bộ GD - ĐT quyết định giữ phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học thành một kỳ thi quốc gia, tôi đã mường tượng ra sự phức tạp để tổ chức một kỳ thi như thế. Tuy tôi vẫn ngờ rằng có thể có phương án thi và tuyển sinh ít phức tạp hơn, nhưng tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD - ĐT trong việc bảo đảm cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể.
Việc thông báo điểm, phương cách chọn trường của các thí sinh, tuyển sinh của các trường đại học gặp một số trục trặc, gây ra nhiều mệt mỏi, thậm chí tâm lý hoảng loạn ở một số thí sinh và phụ huynh. Chắc chắn những năm tới, Bộ GD - ĐT sẽ phải cải tiến nền tảng công nghệ, phương án kỹ thuật nếu tiếp tục duy trì việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia cho việc tuyển sinh đại học...
Vì trục trặc trong tuyển sinh, một số thí sinh muốn đỗ đại học, không nhất thiết vào ngành nào, đó là điều đáng tiếc, vì ngành học rất quan trọng. Tôi muốn các trường đại học sẽ có sự mềm dẻo để các em có thể học ngành các em thích và có khả năng.
Người đại biểu nhân dân