- Có ý kiến cho rằng, cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều là do nhà trường đào tạo không sát với nhu cầu thực tế của xã hội. Theo Giáo sư, còn những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp ngày càng tăng có rất nhiều. Ở đây, tôi chỉ nêu 4 nguyên nhân chính:
Thứ nhất là đào tạo thiếu cân đối, đặc biệt giai đoạn từ 2005 – 2010 đã mở ra quá nhiều trường đại học, cao đẳng, khiến cho số lượng sinh viên đại học, cao đẳng tăng chóng mặt trong khi nền kinh tế không cần nhiều cử nhân đến vậy. Năm 2010, QH đã có báo cáo giám sát và ra Nghị quyết, trong đó nói đến việc Chính phủ cần điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, tới năm 2015 tỷ lệ đào tạo đại học, cao đẳng vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Đấy là nguyên nhân trực tiếp và quan trọng dẫn tới tình trạng hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.
Về việc đào tạo vượt quá nhu cầu của thị trường lao động, năm 2004, tôi cũng đã có cảnh báo trước kỳ họp thứ 5 của QH Khóa XI. Lúc ấy, các trường đại học, cao đẳng đào tạo khoảng 200.000 cử nhân mỗi năm. Tại thời điểm đó nước ta chỉ cần khoảng 20.000 cử nhân, nhưng tỷ lệ vào đại học, cao đẳng cứ tăng vùn vụt. Những năm vừa qua, mỗi năm có tới 500.000 người vào đại học, cao đẳng, trong khi nhu cầu thực tế mỗi năm chỉ cần tới 1/10 số này, do đó cử nhân thất nghiệp nhiều là chuyện dễ hiểu.
Thứ hai là chất lượng đào tạo không cao. Chúng ta đã có nhiều dẫn chứng về việc doanh nghiệp loại các ứng viên do hạn chế về kỹ năng làm việc. Với thị trường kinh tế ASEAN mở thì trong tương lai gần, thanh niên Việt Namđang đứng trước cơ hội và thách thức rất lớn. Nếu như được đào tạo tốt, vừa có kiến thức, kỹ năng làm việc thuần thục vừa có ngoại ngữ thì thanh niên nước ta sẽ có cơ hội tìm được việc làm phù hợp trên khắp thị trường Đông Nam Á. Nhưng nếu các trường tiếp tục đào tạo xa với thực tế như hiện nay thì nguy cơ bị tranh mất việc ngay trên quê hương của mình là điều khó tránh khỏi.
Thứ ba là sinh viên tốt nghiệp rất ít người có bản lĩnh để lập nghiệp, mà thường chỉ học lấy cái bằng rồi đi xin việc ở khu vực nhà nước hoặc khu vực tư nhân. Lẽ ra khi đã học xong đại học hoặc cao đẳng, một cử nhân hoàn toàn có thể tự lập nghiệp để vừa giải quyết việc làm cho bản thân, vừa tạo công ăn việc làm cho người khác và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Để giúp cho sinh viên khởi nghiệp và lập nghiệp thực sự khi ra trường Nhà nước cần có chính sách để tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi hơn.
Thứ tư, và có thể coi là cái gốc của vấn đề thất nghiệp, là nền kinh tế nước ta chưa phát triển, cơ cấu kinh tế không hợp lý, chính sách nhân lực không phù hợp. Nếu chúng ta chỉ chủ yếu làm gia công lắp ráp cho nước ngoài, xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển nhượng đất đai, kinh doanh nhà hàng, khách sạn… thì sẽ ngày càng thừa cử nhân. Một nền kinh tế thực sự phát triển, với cơ cấu các ngành hợp lý và chính sách nhân lực đúng sẽ là động lực để phát triển khoa học, giáo dục và để các bạn trẻ nỗ lực học tập, rèn luyện và tự lập nghiệp chứ không chỉ học để rồi chờ đợi xin việc vào một cơ quan, doanh nghiệp nào đó.
- Hiện nay không chỉ có cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp mà sinh viên ở các trường đại học đang có xu hướng dừng học chuyển sang học nghề, hoặc đã tốt nghiệp đại học xong quay lại học nghề nhằm tìm kiếm việc làm với mức thu nhập ổn định. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Hiện tượng sinh viên chuyển hướng sang học nghề để tìm việc làm, hoặc câu chuyện “liên thông ngược” khi nhiều cử nhân phải giấu bằng đại học để đi học nghề và sau đó tìm được việc làm với mức thu nhập rất ổn định đã thể hiện một lối suy nghĩ cởi mở, thích nghi với kinh tế thị trường. Có thể thấy, nhiều bạn trẻ hiện nay tỉnh táo hơn, không câu nệ bằng cấp nữa mà đã tính đến sở trường, điều kiện của bản thân và nhu cầu của thị trường lao động để chọn hướng đi. Đây là điều rất tốt. Nghĩ đến con số hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, tôi rất buồn. Nếu như các bạn này đi học nghề ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thì bây giờ đã tìm được công việc tốt, nghề nghiệp vững vàng và thậm chí đã trở thành ông chủ rồi. Nhưng lỗi không phải chỉ của các bạn trẻ. Gia đình và Nhà nước có trách nhiệm lớn hơn. Bởi nếu làm tốt công tác phân luồng ngay sau trung học cơ sở thì những thanh niên này không lãng phí tiền bạc, thời gian (7 – 8 năm trên ghế nhà trường) và cơ hội tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, dù sao muộn con hơn không, cho nên tôi ủng hộ các bạn trẻ dũng cảm thay đổi để thích nghi với đời sống. Ai cũng phải có một công việc để ổn định cuộc sống rồi mới có thể tính tới những điều xa hơn.
- Xu hướng dịch chuyển lao động trong khối ASEAN liệu có dẫn đến việc người lao động Việt Nam thua ngay trên sân nhà không, thưa giáo sư?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Chắc chắn là như vậy rồi. Theo hiệp định ký giữa các nước ASEAN, trước mắt sẽ mở cửa cho 8 ngành chuyển dịch tự do trong các nước Đông Nam Á. Hiện nay sự chuyển dịch này cần dựa trên hiệp định song phương giữa các nước nên thực sự doanh nghiệp và người lao động nước ta vẫn chưa cảm thấy đe dọa. Song, trong thời gian tới, chắc chắn sự chuyển dịch ngành nghề sẽ được mở rộng hơn và có thể không nhất thiết phải qua hiệp định song phương nữa. Bởi vậy, nếu không thay đổi cách nghĩ, cách đào tạo, cách làm việc, sẽ ngày càng có nhiều người bị tranh mất việc ngay trên quê hương mình.
- Vậy giáo sư có đề xuất gì để thời gian tới hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng cũng như hệ thống giáo dục nghề nghiệp có chương trình đào tạo phù hợp để sinh viên, học viên ra trường có thể dễ dàng tìm được việc làm hơn?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, từ Chính phủ đến cơ sở đào tạo và người học đều cần có tầm nhìn xa, thấy được những yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường kinh tế mở ASEAN để có sự thay đổi phù hợp ngay từ bây giờ, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, như vậy các cử nhân nói riêng và người lao động nói chung mới dễ tìm kiếm việc làm.
Tôi nhớ là trong cả hai kỳ họp của QH năm 2015, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) đều chất vấn Thủ tướng Chính phủ về giải pháp, kế hoạch chuẩn bị cho việc ra đời Cộng đồng ASEAN với thị trường lao động, hàng hóa, dịch vụ mở từ ngày 31.12.2015. Nhưng sau hai lần đại biểu nhắc nhở như vậy, tôi vẫn chưa thấy có chuyển biến gì đáng kể. Từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp, người lao động và người dân nói chung đều thờ ơ, “bình chân như vại”. Chính phủ, các nhà chuyên môn và báo chí cần tuyên truyền sâu rộng nội dung hiệp định về Cộng đồng ASEAN, kế hoạch hội nhập ASEAN và các giải pháp cần chuẩn bị để doanh nghiệp, người lao động và người dân Việt Nam gia nhập Cộng đồng một cách vững vàng, có lợi nhất.
Về đào tạo nhân lực, cũng cần gấp gáp thay đổi mô hình, nội dung và phương thức đào tạo sao cho người được đào tạo ra có năng lực thực tiễn, tác phong công nghiệp và những phẩm chất khác phù hợp với xã hội công nghiệp. Trong “chuẩn đầu ra” của các trường, năng lực sử dụng tiếng Anh cần được đặc biệt chú ý, bởi nếu không có tiếng Anh thì rất khó tham gia thị trường kinh tế mở ASEAN. Các cơ sở đào tạo cần được kiểm định chất lượng và công khai kết quả kiểm định, làm cơ sở cho người học và các đơn vị sử dụng lao động lựa chọn.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Đại biểu nhân dân