Quá thời hạn 4 tháng, chỉ 27/60 NXB được cấp phép
Thực hiện các quy định tại Điều 13 Luật Xuất bản và Điều 8 Nghị định 195/2013/NĐ-CP trong việc xét cấp, đổi giấy phép thành lập NXB, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chủ quản tiến hành việc rà soát, phân loại, đánh giá từng NXB. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, cho đến nay, đã quá thời hạn hơn 4 tháng để cấp, đổi giấy phép thành lập theo quy định, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông mới thực hiện cấp, đổi giấy phép thành lập cho 27/60 NXB (chiếm tỷ lệ 45%). Như vậy, cho đến thời điểm này, vẫn còn 33 NXB chưa được cấp đổi giấy phép thành lập, trong đó 26 NXB chưa đủ điều kiện cấp đổi giấy phép thành lập theo quy định (chưa đủ nguồn kinh phí để hoạt động xuất bản, chưa đủ chức danh lãnh đạo nhà xuất bản, cơ quan chủ quản không phù hợp); 7 NXB chưa được cơ quan chủ quản làm thủ tục đề nghị cấp đổi giấy phép thành lập hoặc đã nộp hồ sơ đề nghị nhưng thiếu giấy tờ liên quan, như: NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, NXB Trẻ, NXB Hội Nhà văn, NXB Phụ nữ, NXB Hồng Đức, NXB Đại học Nông nghiệp, NXB Thanh niên.
Theo Điều 13 của Luật Xuất bản, một trong những điều kiện để thành lập NXB là phải có “trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoạt động của NXB do Chính phủ quy định”. Điều 8 tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21.11.2013 của Chính phủ nêu rõ: “1. Ngoài điều kiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 13 của Luật Xuất bản, nhà xuất bản được thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200m2 sử dụng trở lên; b) Có ít nhất 5 (năm) tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản; c) Có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản. 2. Trong quá trình hoạt động, cơ quan chủ quản nhà xuất bản có trách nhiệm duy trì các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này. 3. Cơ quan chủ quản và nhà xuất bản bảo đảm kinh phí hằng năm ít nhất 05 (năm) tỷ đồng, để nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ xuất bản theo tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản”.
Thực tế, trong những điều kiện để cấp đổi giấy phép theo quy định, nhiều NXB còn thiếu kinh phí hoạt động theo quy định. Theo ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngoài 2 NXB Âm nhạc và Văn hóa - Thông tin đang trong quá trình sáp nhập, đa số NXB chưa đủ điều kiện về kinh phí.
Có thể sửa Nghị định 195
Ông Nguyễn Trí Huân - đại diện Hội Nhà văn Việt Nam - đơn vị chủ quản của NXB Hội Nhà văn chia sẻ: “Điều kiện cấp, đổi giấy phép cho NXB là phải có vốn 5 tỷ đồng, trụ sở có diện tích sử dụng 200m2, có chức danh giám đốc, tổng biên tập. Chức danh thì không khó khăn, có thể tìm được người, làm không tốt có thể thay, nhưng vốn và trụ sở là vấn đề lớn. Hội Nhà văn ViệtNamđược Nhà nước cấp 2 tỷ đồng/năm để hoạt động. Chúng tôi lúng túng không biết lấy đâu ra 5 tỷ đồng cho NXB. Hơn nữa, trụ sở không phải điều kiện tiên quyết để nhà xuất bản hoạt động trong xu thế công nghệ hiện nay. Do đó, nên có chính sách linh hoạt”.
Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, với tư cách là đại diện đơn vị chủ quản của NXB Tài chính cho biết: Hoạt động xuất bản mấy năm vừa rồi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, NXB Tài chính tự chủ toàn bộ đã nỗ lực hết mức, Bộ cũng quan tâm hỗ trợ. Hằng năm, Bộ Tài chính có rà soát ấn phẩm cần thiết và đặt hàng với NXB Tài chính, trị giá khoảng 1 tỷ đồng. NXB Tài chính có 24 cán bộ nhân viên, 2 năm vừa qua, doanh số hơn 6 tỷ đồng, chênh lệch thu chi 100 triệu đồng. Như vậy, tính cả số tiền Bộ Tài chính đặt hàng mỗi năm được 1 tỷ đồng, vốn cấp từ xa xưa khi thành lập 450 triệu đồng, được khoảng 1,5 tỷ đồng. Nhưng vốn vào sách tồn đọng, 450 triệu đồng, giờ tiền mặt không còn. Không chỉ với NXB Tài chính, việc cấp, đổi giấy phép sẽ không khả thi với 30 NXB còn lại. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xem xét điều kiện này, gỡ khó cho các NXB.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Với những vướng mắc trong việc cấp, đổi giấy phép thành lập NXB, đề nghị các cơ quan chủ quản phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, thống nhất nguyên tắc thực hiện các quy định của Luật Xuất bản. Việc xác định nguồn vốn 5 tỷ đồng cần xem xét lại, không phải vì cớ này mà không cấp, đổi giấy phép cho các NXB. Nếu cần thiết có thể tiến tới sửa đổi Nghị định 195, hoặc trong lúc chờ sửa Nghị định, có thể phối hợp vận dụng sáng tạo, tạo thuận lợi cho NXB hoạt động.
Điều kiện bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động ít nhất 5 tỷ đồng cũng gây khó ngay cả với đơn vị đã được cấp, đổi giấy phép thành lập NXB. Ông Nguyễn Bá Cường - Giám đốc NXB Đại học Sư phạm Hà Nội lo lắng: “Vừa qua, để có 5 tỷ đồng theo quy định cấp, đổi giấy phép, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tạo điều kiện cho NXB vay 2 tỷ đồng, chúng tôi có 3 tỷ đồng. Nếu 5 tỷ đồng này còn ở lại tài khoản của NXB, chúng tôi lại phải chịu trả lãi suất theo ngân hàng cho nhà trường...”.
Đại biểu nhân dân