Cuốn sách là tập hợp các bài viết của các nhà khoa học, trong đó đa số là học trò nhiều thế hệ của Giáo sư Đinh Gia Khánh được trình bày tại hội thảo “Giáo sư Đinh Gia Khánh với sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo văn học – văn hóa truyền thống Việt Nam“ do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức.
Nội dung các bài viết thể hiện sự tưởng kính, tri ân, khẳng định và tôn vinh Giáo sư Đinh Gia Khánh trên nhiều phương diện: Một nhà giáo mẫu mực, một nhà nghiên cứu văn học và văn hóa truyền thống xuất sắc, một nhà tổ chức và quản lý khoa học có uy tín, một nhân cách lớn giữa đời thường…
GS. Đinh Gia Khánh được mọi người biết đến là một nhà giáo chuẩn mực. Với khả năng tự học, tự đào tạo ông đã tự trang bị cho mình một khối lượng kiến thức uyên bác Đông, Tây, kim, cổ trên các phương diện ngôn ngữ, văn học và văn hóa. Trong quá trình giảng dạy, ông không chỉ truyền đạt kiến thức mà rất quan tâm đến phương pháp. Với khả năng chuyên môn và sư phạm, GS Đinh Gia Khánh đã đào tạo được nhiều học trò giỏi, trong đó nổi lên những chuyên gia đầu ngành kế tục sự nghiệp của thầy như các PGS. Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn (văn học dân gian); Bùi Duy Tân, Nguyễn Lộc, Trần Nho Thìn, Trần Ngọc Vương (văn học trung đại). Để phục vụ cho công tác đào tạo, thầy đã chủ biên và viết những bộ giáo trình mà cho đến những năm đầu thế kỷ XXI này vẫn là những tượng đài sừng sững không thể thay thế như: Văn học dân gian ViệtNam, Văn học ViệtNamtừ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII.
Bên cạnh đó, GS. Đinh Gia Khánh là nhà nghiên cứu văn học và văn hóa truyền thống xuất sắc. Từ 1980, Giáo sư Đinh Gia Khánh được điều chuyển sang công tác ở Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, nay là Viện nghiên cứu văn hóa với chức trách Viện trưởng. Ở đó Giáo sư đã viết những công trình để đời như: “Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian” được coi như tuyên ngôn học thuật của Viện trong những năm đầu mới thành lập; “Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông nam Á” là công trình nghiên cứu rất bổ ích không chỉ cho ngành văn hóa dân gian mà cả cho khu vực học và văn hóa so sánh…
Về đóng góp của GS. Đinh Gia Khánh trong nghiên cứu khoa học không thể không nhắc đến những công trình dịch thuật và nghiên cứu các tác giả, tác phẩm Hán Nôm như: “Việt Điện U linh”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thiên nam ngữ lục”, “Lâm tuyền kỳ ngộ”, “Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm”, những khảo cứu chuyên sâu về chữ và nghĩa trong “Truyện Kiều”… Những công trình này được các nhà nghiên cứu chuyên ngành đánh giá cao.
Với những đóng góp xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, GS. Đinh Gia Khánh đã được phong học hàm giáo sư khá sớm (1980) và được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt đầu tiên vào năm 1996.
Ngoài nghiên cứu, GS. Đinh Gia Khánh còn là nhà tổ chức và quản lý khoa học có uy tín. Hơn 20 năm làm chủ nhiệm bộ môn Cổ Cận Dân (Văn học dân gian, văn học trung và cận đại ViệtNam) của khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS. Đinh Gia Khánh có tầm nhìn chiến lược về xây dựng bộ môn. Ông coi bộ môn là đơn vị học thuật chứ không phải là đơn vị hành chính. Vì vậy ông chú trọng việc viết giáo trình, xây dựng hệ thống tư liệu chuyên ngành và bồi dưỡng cán bộ trẻ. Năm 1980 ông được giao trọng trách làm Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian và sau đó (1983) là Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian. Giới khoa học đặc biệt đánh giá cao việc ông làm chủ tịch Hội đồng biên tập bộ Tổng tập Văn học Việt Nam, chỉ đạo hơn 100 nhà khoa học có chuyên môn và cá tính khác nhau, làm việc trong 20 năm để hoàn thành 42 tuyển tập từ văn học dân gian đến văn học trước năm 1945. Ông tổ chức và quản lý khoa học không phải bằng mệnh lệnh, sự áp đặt mà bằng cái tầm và cái tâm của một nhà sư phạm, một nhà khoa học uyên bác./.
ĐCSVN