305
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 17/12/2015 08:08
Giới thiệu bộ sách “Văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”
Ngày 15.12, tại Thư viện Quốc Gia đã diễn ra Buổi Tọa đàm, giới thiệu tác phẩm “Văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của GS, TS Đinh Xuân Dũng.
Bộ sách “Văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”

Đây là sách nằm trong chương trình đặt hàng của Nhà nước, thể hiện quá trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa - văn nghệ đương đại Việt Nam của một nhà hoạt động và nghiên cứu lâu năm trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng và giảng dạy đại học.

 

Sách có hai tập, tập hợp 73 bài viết chuyên sâu về văn hóa - văn nghệ, giúp bạn đọc có thể nắm bắt một cách có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng cũng như thực tiễn cùng xu thế vận động, phát triển của văn hóa, văn học, nghệ thuật, thực trạng lý luận, phê bình, sáng tác văn hóa - văn nghệ và hoạt động báo chí - xuất bản ở nước ta hiện nay.

 

Tập một của cuốn sách với độ dày 480 trang, bao gồm 38 bài viết, được chia thành ba phần. Phần thứ nhất có tiêu đề Văn hóa, văn học, nghệ thuật trong tầm nhìn Hồ Chí Minh và trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam tìm hiểu những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, tập trung phân tích và làm rõ những quan điểm của Người về văn hóa - văn nghệ; tư tưởng đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Ở phần nội dung này, tác giả đã bước đầu đề cập quá trình tiếp thu các luồng tư tưởng lớn của thế giới và vận dụng xây dựng nên hệ tư tưởng cách mạng Việt Nam trên con đường hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước, giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Bên cạnh phương pháp luận để nghiên cứu chủ thuyết phát triển của Việt Nam, là những quan điểm cơ bản về đường lối, chính sách và chiến lược phát triển văn hóa của Đảng từ khi thành lập, đề ra Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943) cho đến các Nghị quyết Trung ương Đảng gần đây về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bổ sung những nhận thức mới về văn hóa, đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn và chỉ ra những định hướng lớn, mang tính chiến lược lâu dài, xuyên suốt các giai đoạn phát triển, đổi mới, hội nhập, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.

 

Phần thứ hai của cuốn sách: Suy nghĩ từ thực tiễn vận động và phát triển văn hóa Việt Nam đương đại là những bài viết về xu thế vận động, phát triển và thực tiễn vận động của văn hóa trong một số lĩnh vực đời sống xã hội; bàn về văn hóa truyền thống, vai trò của văn hóa và giáo dục trong xây dựng và phát triển nhân cách con người Việt Nam. Phần thứ ba: Một số vấn đề lý luận văn hóa, văn nghệ có 12 bài chuyên sâu về lý luận văn hóa - văn nghệ làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, đề xuất những giải pháp chính sách để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc trong công cuộc phát triển và hội nhập, toàn cầu hóa.

 

Tập hai của cuốn sách bao gồm 35 bài viết gồm: Những vấn đề về văn học, nghệ thuật; Văn học với đề tài chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc; Một số vấn đề về xuất bản - báo chí Việt Nam hiện nay. Cuốn sách đã đề cập những vấn đề về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật theo quan điểm Mác - Lê-nin, nhìn nhận về đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay, từ đó phác thảo định hướng và những nội dung cơ bản trong quá trình triển khai xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam. Tập hai cũng đi sâu phân tích những thể loại và tác phẩm văn học cụ thể về đề tài chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh về vai trò, thực trạng của hoạt động báo chí - xuất bản, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động báo chí - xuất bản.

 

Cuốn sách tuyển tập những bài viết của GS, TS Đinh Xuân Dũng về một số vấn đề lý luận, thực tiễn của văn hóa, văn học, nghệ thuật đương đại Việt Nam là tài liệu tham khảo có giá trị, nhất là đối với những người làm công tác hoạch định chính sách, quản lý, nghiên cứu và hoạt động văn hóa ở nước ta hiện nay.

 

Đại biểu nhân dân