354
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 14/09/2015 08:11
GIÁO SƯ, VIỆN SĨ ĐÀO TRỌNG THI: Chương trình cũ, không thể thi kiểu mới
Bộ GD - ĐT cho rằng, phương thức xét tuyển ĐH, CĐ năm nay sẽ tạo nhiều cơ hội cho thí sinh, nhưng theo GS. VS. ĐÀO TRỌNG THI, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có vậy, tạo cơ hội cho người này sẽ lấy cơ hội của người khác. Thách thức thực sự của kỳ thi THPT Quốc gia là có ra được đề thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển được những em thực sự có năng lực vào ĐH hay không? Hơn thế, nếu vẫn học chương trình, sách giáo khoa cũ thì khó có thể tổ chức thi kiểu mới.
Nguồn: news.zdn.vn

Không phân hóa được thí sinh, có thể tuyển sai


Như tôi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm, tôi không ủng hộ kỳ thi 2 trong 1, vì lý do kỳ thi này đã ghép 2 mục đích khác xa nhau vào trong cùng 1 kỳ thi. Kỳ thi THPT Quốc gia lần đầu tiên đã chứng tỏ việc khâu ra đề thi khó đáp ứng được cả 2 mục đích. Để cho an toàn, Bộ GD - ĐT ưu tiên mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, phần đề thi nhằm phân hóa thí sinh để giúp các trường ĐH, CĐ xét tuyển không được coi trọng lắm. Đề thi có đến khoảng 70% câu hỏi dễ để các em lấy điểm tốt nghiệp, chỉ còn 30% câu hỏi nâng cao thì làm sao phân hóa được thí sinh? Trước đây, toàn bộ bài thi dành cho mục đích tuyển sinh ĐH mà tính phân hóa còn chưa đáp ứng được mọi mong muốn.

 

Chính vì có quá ít câu hỏi dành cho việc phân hóa thí sinh, nên về thực chất, kỳ thi vừa qua không phân hóa được học sinh trung bình, học sinh trung bình khá và học sinh khá. Những câu hỏi khó giúp chọn ra được những em giỏi, xuất sắc, còn những em từ khá trở xuống không phân hóa được thì các trường có yêu cầu khác nhau về đầu vào (ở tốp giữa, tốp trung bình và tốp dưới) rất khó tuyển đúng được sinh viên.

 

Không phân loại được thí sinh thì có thể dẫn tới tuyển sai. Dù lấy điểm từ trên xuống, nhưng chưa chắc người có điểm cao hơn đã thực sự giỏi hơn người có điểm thấp. Về kỹ thuật, quá nhiều em có cùng mức điểm thi thì các trường sẽ khó xác định điểm chuẩn. Lấy điểm chuẩn ở mức này thì vượt chỉ tiêu, nhưng nếu lấy điểm chuẩn cao hơn một chút lại hụt chỉ tiêu.

 

Tạo cơ hội cho người này sẽ lấy cơ hội của người khác


Một số quy định trong quy trình xét tuyển ĐH 2015 của Bộ GD - ĐT chưa lường trước được một số vấn đề phát sinh. Có những cái Bộ nghĩ có lợi cho học sinh, nhưng trên thực tế có lợi cho tất cả các em không? Như việc cho phép thay đổi nguyện vọng quá nhiều trong xét tuyển đợt 1 đòi hỏi điều kiện tiếp cận, xử lý thông tin. Trên thực tế, chỉ những em ở đô thị, gia đình có điều kiện mới được hưởng lợi; những em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa hầu hết không có điều kiện theo dõi, xử lý thông tin. Như vậy, người được hưởng lợi từ việc tạo cơ hội này thực chất chỉ là một nhóm nhỏ, mà lại không phải là nhóm yếu thế, cần quan tâm hỗ trợ. Làm tăng cơ hội cho người này tức là phải giảm cơ hội của người khác, bởi chỉ tiêu vào các trường chỉ có vậy. Bình thường cơ hội trúng tuyển có thể chia đều cho học sinh đô thị và nông thôn, miền núi, nhưng nếu xét tuyển như vừa qua, có thể cả cơ hội sẽ tập trung chủ yếu cho học sinh đô thị. Xét theo góc độ này là không công bằng, không bảo đảm ưu tiên cho nhóm học sinh yếu thế. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã sửa, xét tuyển ĐH đợt 2 không còn cho thay đổi nguyện vọng nữa.

 

Tuy nhiên, khắc phục những bất cập dẫn tới hỗn loạn như vừa qua thực ra không khó vì đó là các lỗi mang tính kỹ thuật. Vấn đề cốt lõi ở đây là có ra được đề thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển được những em thực sự có năng lực và bảo đảm công bằng mới khó. Quan điểm của tôi là vào thời điểm này chưa làm được loại đề thi đó. Vừa qua người ta ít quan tâm đến vấn đề này là do dư luận bị cuốn hút bởi những lộn xộn mang tính kỹ thuật nhưng lại gây bức xúc xã hội. 

 

Học một đằng thi một nẻo sẽ làm khó thí sinh


Tổ chức thi đánh giá năng lực như ĐHQG Hà Nội làm vừa qua được kỳ vọng là một hướng giải quyết khâu ra đề thi 2 trong 1. Chỉ làm 1 bài thi, trong 1 buổi, nhưng có thể đánh giá chính xác hơn năng lực của học sinh. Chúng ta cần những học sinh có đủ năng lực vào học đại học, chứ không phải những học sinh đủ kiến thức. Cách thi như ĐHQG Hà Nội làm cũng xử lý được nhiều lo ngại về tính nghiêm túc trong coi thi và chấm thi, sự phân biệt giữa các cụm thi đại học và địa phương, vì việc làm bài thi và chấm thi đều thực hiện trên máy tính. Muốn đánh giá chính xác, có thể tổ chức thi 2 vòng, vòng 1 đánh giá năng lực chung để xét tốt nghiệp THPT và đặt ngưỡng tuyển sinh đại học, vòng 2 đánh giá năng lực chuyên biệt để tuyển sinh vào các ngành đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, tôi chưa ủng hộ thi cách này vào thời điểm hiện tại, bởi học sinh vẫn còn đang học theo chương trình, sách giáo khoa cũ. Nếu áp dụng cách thi đánh giá năng lực, ta đã yêu cầu học sinh quá cao, phải biết tổng hợp các kiến thức riêng biệt để giải quyết vấn đề. Học một đằng thi một nẻo sẽ làm khó thí sinh.

 

Vừa rồi, kỳ thi THPT Quốc gia ra được một số đề thi mở dựa vào sự kiện thời sự nóng hổi, nhưng đâu phải lúc nào cũng có những sự kiện thời sự nóng, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo học sinh? Hơn thế, nếu chỉ dựa vào tin tức thời sự để làm bài thì học sinh việc gì phải đi học, mà chỉ cần đọc báo, nghe đài là đi thi được. Điều cần thiết là phải dạy các em các kiến thức tích hợp và phương pháp áp dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Trong cuộc sống, một vấn đề không bao giờ được giải quyết chỉ bằng kiến thức của một bộ môn khoa học nào đó. Có hiện tượng vừa liên quan tới vật lý, vừa liên quan tới hóa học, sinh học, toán học… và học sinh phải biết cách vận dụng tổng hợp tất cả kiến thức ấy để giải quyết. Không dạy mà bắt học sinh tự vận dụng tổng hợp như vậy thì rất khó, chẳng khác gì đòi hỏi các em như một nhà khoa học.

 

Bộ GD - ĐT chọn đổi mới thi cử làm khâu đột phá đầu tiên trong đổi mới giáo dục, nhưng đây chỉ là đổi mới về hình thức, chứ nội dung đã thay đổi đâu. Tổ chức thi đánh giá năng lực thật sự mà học sinh chưa được học theo chương trình phát triển năng lực thì rất khó. Vì thế vừa qua, ĐHQG Hà Nội phải chọn những câu hỏi thuộc loại đơn giản, mà như thế thì chắc gì đã đánh giá chính xác những năng lực cần có của thí sinh?

 

Người đại biểu nhân dân