267
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 05/08/2016 08:50
Giáo dục theo định hướng STEM
Từ ngày 2 - 6.8, tại Hà Nội, Bộ GD - ĐT, Hội đồng Anh và Quỹ Newton phối hợp tổ chức tập huấn Phương pháp giáo dục theo định hướng STEM dành cho 22 lãnh đạo nhà trường và 54 giáo viên bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ tại 14 trường tham gia thí điểm dự án Giáo dục STEM.

Khóa tập huấn nằm trong chuỗi hoạt động trong giai đoạn 2016 - 2017 của Bộ GD - ĐT về thí điểm các phương pháp tiếp cận giáo dục phổ thông theo hướng toàn diện, khuyến khích trải nghiệm và sáng tạo. Chương trình hướng đến xây dựng tầm nhìn cho lãnh đạo nhà trường  và các giáo viên về phương pháp giáo dục theo định hướng STEM, từ đó lập kế hoạch thực tiễn để áp dụng tại các trường học. STEM là phương pháp học qua hành, học theo dự án, học sinh sẽ sử dụng kiến thức tổng hợp của 4 môn khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán để giải quyết những vấn đề của cuộc sống, giúp các em hình thành những kỹ năng và tư duy quan trọng như: giao tiếp, cộng tác, tư duy phản biện và làm dự án. Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam chía sẻ: “Với những kinh nghiệm được chia sẻ từ Vương quốc Anh, đất nước đi đầu trong sáng tạo và đổi mới giáo dục, chúng tôi hy vọng các trường học ở Việt Nam sẽ áp dụng thành công phương  pháp giáo dục dạy học tích hợp liên môn”.

 

Chương trình tập huấn được dẫn dắt bởi 2 chuyên gia đến từ Anh là TS. Mark Hardman, hiện đào tạo giáo viên tại hai trường đại học của Vương quốc Anh và ông Alan West, Giám đốc Điều hành Công ty Exscitec. Trong 3 ngày đầu, khóa tập huấn đi sâu phát triển năng lực giảng dạy cho giáo viên với 3 kỹ năng STEM cơ bản: xác định vấn đề, sử dụng những phương pháp phù hợp để tìm hiểu, và phân tích đánh giá. Giáo viên được tham gia làm thí nghiệm thực tế, phân tích, đánh giá và lên kế hoạch xây dựng dự án STEM trong trường học. Hai ngày cuối cùng, chương trình tập huấn sẽ định hướng tầm nhìn STEM cho những người lãnh đạo nhà trường, giúp họ xác định lợi ích của giáo dục định hướng STEM, bao gồm: phát triển năng lực suy nghĩ của học sinh, phối hợp hiệu quả giữa các môn học, tạo động lực học tập cho các em và thu hút sự tham gia của phụ huynh. Ngoài ra, những kinh nghiệm quản lý từ các trường tại Anh và thách thức trong xây dựng thời khóa biểu, không gian và sự tự tin của giáo viên cũng sẽ được đưa ra thảo luận. Chương trình còn tập huấn cho các lãnh đạo trường học về việc thiết lập mối quan hệ để tiếp tục được đào tạo chuyên môn với các trường đại học và các tổ chức cung cấp giáo dục STEM.

 

Tham gia khóa tập huấn, cô giáo Nguyễn Thị Đoan Trang, Trường THCS Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) đánh giá cao những ý tưởng và kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Anh về cách tiếp cận phương pháp giảng dạy liên môn cho học sinh, để các em có thể áp dụng những kiến thức được học vào thực tiễn một cách tốt nhất. Để phổ biến phương pháp này tại ViệtNamcòn rất nhiều vấn đề cần bàn luận nhưng trước mắt chúng ta có thể áp dụng vào các hoạt động ngoài giờ. Chẳng hạn như với tiết ngoại khóa của môn Toán, giáo viên có thể đưa phương pháp này vào các trò chơi mang tính chất vui vẻ, thoải mái nhưng đồng thời cũng giúp học sinh biết đào sâu suy nghĩ, từ đó hình thành cho các em thói quen luôn biết đặt câu hỏi và tìm ra hướng giải quyết khi đứng trước vấn đề nào đó.

 

Đại biểu nhân dân