Đó là việc, chiều 13.6, sau cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định chuyển các thí sinh của 3 huyện, thị xã: Tuy An, Đồng Xuân và Sông Cầu (thuộc tỉnh Phú Yên) về các cụm thi tại tỉnh Bình Định (không dự thi tại cụm thi Khánh Hòa như quy định trước). Đây là động thái nhằm “tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2015”, thể hiện sự cầu thị của Bộ trưởng trước phản ánh của ĐBQH về việc phân chia địa bàn thi không phù hợp, khiến thí sinh phải đi quá xa, vất vả và tốn kém.
Thế nhưng, điều Bộ GD - ĐT không ngờ, quyết định trên lại vấp phải phản ứng quyết liệt của dư luận, nhất là các phụ huynh và thí sinh thuộc diện được “ưu ái” thay đổi địa điểm thi cho gần nhà. Lý do: chỉ còn hơn 10 ngày nữa đến kỳ thi, mọi thay đổi đều khiến phụ huynh và thí sinh phân tâm, lo lắng. Nhiều phụ huynh đã lặn lội đặt trước phòng thi, mua sẵn vé xe, nay đứng giữa ngã ba đường trước quyết định bất ngờ từ phía Bộ.
Điều đáng nói, ngay tại diễn đàn QH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chính thức trả lời chất vấn của đại biểu rằng năm nay kế hoạch thi đã xong, giấy báo thi đã gửi, nên chỉ có thể xem xét thay đổi vào năm sau. Vậy nhưng chỉ mấy giờ đồng hồ sau đã lại có thông tin quay ngược 180 độ. Chính sự tiền hậu bất nhất ấy khiến dư luận hoang mang. Thậm chí, vị Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2015 tỉnh Phú Yên khi trả lời báo chí cũng bức xúc: “Tất cả các trường, đại diện phụ huynh học sinh ở ba huyện, thị xã bắc Phú Yên đều không chấp nhận việc thay đổi vào giờ chót này nên ý kiến chính thức của UBND tỉnh Phú Yên là đề nghị Bộ giữ kế hoạch thi như cũ, không thay đổi, xáo trộn gì nữa”. Cũng dễ hiểu, thi cử là việc lớn của mỗi gia đình, truyền thống hiếu học, chịu thương chịu khó khiến nhiều người đã lo xa các phương án để con mình yên tâm đến ngày lên đường ứng thí. Tiếc là những câu chuyện giản đơn, đời thường ấy lại chưa được các chuyên gia của Bộ đặt lên bàn trước khi ra quyết định.
Cuối cùng thì Giám đốc Sở GD - ĐT Phú Yên đã thông tin lại rằng Bộ đã chấp nhận đề nghị “không xáo trộn”, không thay đổi gì thêm trong mùa thi này như dự định ban đầu. Các bậc phụ huynh có thể yên tâm tiếp tục lộ trình đưa con về Khánh Hòa ứng thí. Các em học sinh có thể tập trung cho việc ôn luyện thật tốt, không phân tâm vì chưa biết sẽ về đâu, ăn ở ra sao khi kế hoạch địa điểm thi thay đổi. Thế nhưng, lo âu của dư luận về quy trình và cách thức ra quyết định của ngành giáo dục thì vẫn còn nguyên đó. Chặng đường đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đất nước mới chỉ đang bắt đầu. Giáo dục không thể là trận đánh với ý nghĩa là “bí mật, bất ngờ”, đẩy xã hội vào thế bị động bởi những quyết định chưa được chuẩn bị kỹ càng.
PGS, TS NGUYỄN THANH HẢI (ĐBQH TỈNH HÒA BÌNH): Trước chuyến đi xa, phải chuẩn bị hàng tuần, huống chi một kỳ thi quan trọng
Tôi cho rằng, để giải quyết một vấn đề bất kỳ nảy sinh không đơn giản, kể cả ở tầm bộ trưởng, vì bất kỳ vấn đề nào khi được xây dựng, thực hiện đều có quy trình, thủ tục của nó. Nếu Bộ trưởng nhận thấy có thể điều chỉnh được và điều hành bộ máy để điều chỉnh những bất cập như ĐBQH nêu, nhanh chóng, hợp lý, tôi rất đồng tình. Điều đó thể hiện một bộ máy không có sức ỳ. Tuy nhiên, trong thực hiện đổi mới thi cử thì đây là lần đầu thực hiện nên cũng cần tiếp thu ý kiến của cộng đồng. Bộ GD - ĐT do không làm bước thử nghiệm nên sẽ rút kinh nghiệm qua chính những điều chỉnh của mình, tiến tới bố trí, tổ chức các cụm thi, kỳ thi sao cho không quá áp lực nhưng vẫn đạt kết quả đánh giá như mong muốn, không quá tốn kém, bảo đảm quyền lợi của người học.
Về việc bố trí cụm thi cho học sinh ở Phú Yên, phương án đưa ra có thể là bất cập nhưng để bảo đảm quyền lợi của con em mình thì người dân cũng phải thích nghi, tìm cách bố trí nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại, vì ngày thi đã quá gần. Nếu việc này xảy ra cách đây nửa tháng (việc ĐBQH kiến nghị thay đổi điểm thi) thì tôi tin là phụ huynh học sinh sẽ đồng tình nhưng bây giờ nó sẽ ảnh hưởng rất lớn. Ngay như chúng ta trước một chuyến đi xa, đi du lịch chẳng hạn, cũng phải chuẩn bị hàng tuần, còn đây là một cuộc thi có ý nghĩa quan trọng thì phụ huynh, học sinh và các cơ quan chức năng địa phương cũng cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Thôi thì lựa chọn cái ban đầu, dẫu có bất cập đôi chút nhưng mình cũng đã chuẩn bị kỹ. Mong là năm sau các em thuộc các cụm thi khu vực Phú Yên sẽ đỡ được thiệt thòi về khoảng cách đến điểm thi, để có sức khỏe tốt hơn cho kỳ thi.
BÙI THỊ AN (ĐBQH TP HÀ NỘI): Quyết định đúng cần bản lĩnh của Tư lệnh ngành
Giáo dục - Đào tạo đang bước vào giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện. Năm nay, điểm nhấn là tổ chức thi theo cụm và các cụm thi này sẽ do các trường đại học chủ trì, thay vì giao cho các địa phương và cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức kỳ thi và chấm như năm ngoái. Theo đánh giá của tôi, đây sẽ là bước tiến lớn, không chỉ bảo đảm tính nghiêm túc, chất lượng và công bằng của kỳ thi THPT quốc gia mà còn giúp tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực thi cử cho thí sinh cũng như giảm chi phí cho phụ huynh và toàn xã hội. Song thực tế phải nhìn nhận lại công tác thực hiện khoanh vùng cụm thi hiện nay. Đơn cử trường hợp ở Tuy An, Đồng Xuân và Xuân Cầu (Phú Yên) hoàn toàn có thể chọn sang tỉnh giáp ranh là Quy Nhơn (Bình Định) thi nhưng lại bị chỉ định thi tận Nha Trang (Khánh Hòa).
Vậy việc tổ chức cụm thi tạo điều kiện cho thí sinh như thế nào khi mà ĐBQH có ý kiến chất vấn, Bộ trưởng mới biết, để rồi nhanh chóng ra quyết định chuyển đổi cụm thi cho thí sinh, xong ngay lập tức vấp phải phản đối của phụ huynh và giữ nguyên như cũ? Nhìn vào đây có thể thấy tinh thần cầu thị của Bộ Giáo dục - Đào tạo nhưng đúng là mọi quyết định cần phải có kế hoạch và lộ trình. Sau khi lắng nghe ý kiến ĐBQH, sẽ tiếp thu và thực hiện sửa đổi; đồng thời thuyết phục lại cho người dân, từ đối tượng ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng có liên quan đến tác động chính sách; ở đây là từ học sinh, phụ huynh đến địa phương và toàn xã hội. Bởi chỉ khi có được sự đồng thuận của xã hội thì chính sách mới có thể thành công. Thị trường động, kinh tế động thì giáo dục cũng phải động để thích nghi với quá trình đổi mới của toàn xã hội. Lúc này chính là lúc Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phải thể hiện bản lĩnh, vai trò Tư lệnh ngành trong việc ra quyết định, ứng biến đối với các vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
NGUYỄN THÁI HỌC (ĐBQH TỈNH PHÚ YÊN): Quyết định vội vàng sẽ không tạo được niềm tin
Chiều 13.6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo bất ngờ ra quyết định thay đổi cụm thi đối với các thí sinh tại 3 huyện, thị xã của Phú Yên là Tuy An, Đồng Xuân và Xuân Cầu từ Nha Trang (Khánh Hòa) sang Quy Nhơn (Bình Định) ngay sau khi nghe ý kiến chất vấn của ĐBQH Đặng Thị Kim Chi tại Hội trường buổi sáng, theo tôi là rất vội vàng. Tại sao khi Sở Giáo dục - Đào tạo Phú Yên đã có ý kiến vào tháng 1 về vấn đề này lại không nhận được sự phản hồi của Bộ Giáo dục - Đào tạo, để đến bây giờ, khi chỉ chưa đầy 2 tuần nữa là kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, phụ huynh và học sinh tại đây gần như đã mua vé tàu xe, chuẩn bị chỗ ở xong xuôi thì Bộ Giáo dục - Đào tạo lại quyết định thay đổi? Về cơ bản, quyết định như vậy vào lúc này thực sự không giải quyết được vấn đề mà lại gây ra xáo trộn trong tâm lý, gián tiếp gia tăng sức ép thi cử cho học sinh, phụ huynh.
Đổi mới, cải cách để xác định lại bất cập, hạn chế của nền giáo dục lâu nay, từ đó có chiều hướng phát triển tốt thì ai cũng ủng hộ nhưng vấn đề là quá trình và bước đi phải thận trọng, chắc chắn. Trong thực hiện khoanh vùng cụm thi cũng vậy, một chủ trương lớn như thế cần làm điểm, qua đó rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng, không thể nhanh nhanh chóng chóng thực hiện. Nếu đúng như Bộ trưởng nói, cụm thi là nhường phần thuận lợi cho thí sinh thì liệu có xảy ra trường hợp như tại Phú Yên hay không? Theo tôi, cần tổ chức rút kinh nghiệm, lấy ý kiến của thí sinh, phụ huynh thậm chí cả địa phương và toàn xã hội. Suy cho cùng, chỉ khi tạo được sự đồng thuận của người dân thì chính sách mới đi vào đời sống. Chưa kể, từ một chủ trương giáo dục lớn mà đưa ra quyết định vội vàng sẽ không tạo được niềm tin của phụ huynh, học sinh; chứ không nói đến các quyết định mang tính chất đổi mới căn bản và toàn diện khác.
Người đại biểu nhân dân