337
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 16/12/2014 10:36
Duy trì khối tuyển chọn truyền thống A, B, C, D...
Tại hội nghị tập huấn, trao đổi thông tin về giáo dục - đào tạo diễn ra tại Đà Lạt cuối tuần qua, Bộ GD - ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ duy trì khối thi truyền thống (A, B, C, D...) để không gây bất ngờ cho học sinh.
Nguồn: ITN

Theo Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD - ĐT Trần Văn Nghĩa, việc bỏ các khối thi truyền thống phải được thông báo công khai cho học sinh biết trước ít nhất 3 năm. Điều đó có nghĩa là, cùng với việc tự nghĩ ra khối thi mới, các trường vẫn phải duy trì khối thi truyền thống trong 3 năm nữa (như các khối A, B, C, D...). Về cơ bản đến nay, phần lớn các trường sẽ dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để xét tuyển. Khoảng tháng 3.2015, thí sinh sẽ làm hồ sơ đăng ký dự thi, nộp theo đơn vị trường THPT (với học sinh lớp 12) và theo các điểm thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi do các sở GD - ĐT quy định. 

 

Có một số điểm mới thí sinh cần lưu ý. Do Bộ GD - ĐT điều chỉnh quy định cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, trường sau khi có kết quả thi nên trên phiếu dự thi sẽ không có mục đăng ký xét tuyển vào các ngành, trường. Thí sinh sẽ phải đăng ký môn thi, bao gồm các môn thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ. Thí sinh cũng phải đăng ký cụm thi và xác nhận mục đích tham dự kỳ thi quốc gia (chỉ xét tốt nghiệp THPT, chỉ lấy kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ, hay vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh ĐH-CĐ). Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, nếu chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ cần đăng ký 4 môn thi, gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn thi bắt buộc trong số những môn còn lại. Trường hợp thí sinh không đủ điều kiện dự thi môn ngoại ngữ (do các sở GD - ĐT quyết định), có thể lựa chọn một môn thay thế trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Với những thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT năm trước, chỉ tham dự kỳ thi quốc gia để lấy kết quả xét tuyển ĐH-CĐ thì không phải thi các môn bắt buộc, mà tùy chọn những môn thi phù hợp với khối thi, tổ hợp môn thi do các trường quy định. Thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ phải đăng ký tối thiểu 4 môn thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký thêm các môn thi cần thiết để xét tuyển ĐH, CĐ.

 

Đề thi sẽ tương tự dạng đề năm 2014, thời gian làm bài các môn như cũ. Các môn xã hội sẽ tiếp tục ra đề mở theo hướng liên môn, không máy móc, bắt học sinh phải nhớ số liệu hay trả lời theo khuôn mẫu. Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh để đạt 2 mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thí sinh phải làm tối thiểu 4 bài thi, phổ biến là 5 - 6 bài thi, cá biệt là 8 bài thi. Địa điểm dự thi gần hơn so với thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây vì các cụm thi đã được mở rộng. Việc sử dụng kết quả thi vẫn giữ như năm 2014. Việc coi thi, chấm thi, phúc khảo, chế độ ưu tiên cũng không thay đổi.

 

Về cụm thi, Bộ GD - ĐT giao các trường ĐH có uy tín và năng lực chủ trì cụm thi phối hợp với địa phương tổ chức coi thi, chấm thi. Việc tổ chức ở các cụm thi đều theo quy định của quy chế và quy trình thi giống nhau. Tham gia coi thi và chấm thi là giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT. Riêng các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, để tạo điều kiện cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, dùng kết quả để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD - ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh do các trường ĐH chủ trì. Bộ GD - ĐT đã làm việc với những trường ĐH dự kiến giao chủ trì cụm thi liên tỉnh (34 cụm thi) và các sở GD - ĐT để khảo sát thực trạng nguồn lực và các điều kiện tổ chức. Cụm thi không đủ năng lực có thể bỏ hoặc bố trí cụm thi khác. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ có nhiều cụm thi hơn. Mỗi cụm thi có ít nhất thí sinh của 2 tỉnh, bảo đảm thí sinh sẽ đi lại gần hơn.

 

428 trường dùng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển

428 ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ đã gửi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ GD - ĐT, tất cả đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển. Trong đó, 235 trường sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển, 192 trường (81 trường ĐH, 111 trường CĐ) vừa sử dụng kết quả kỳ thi vừa xét học bạ THPT. Đặc biệt, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, các ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm, khối y - dược, công an, quân đội đều sử dụng kết quả để xét tuyển.

 

Người đại biểu nhân dân