537
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 08/09/2015 08:14
Đưa nghệ thuật vào không gian sống
Nghệ thuật cộng đồng làm phong phú, sinh động cuộc sống đô thị. Ở Việt Nam, một số thành phố như Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội đã thay đổi không gian đô thị bằng nghệ thuật. Các mô hình ấy cần được nhân rộng. Chính sách đô thị cần khuyến khích nghệ sĩ cùng cộng đồng tham gia sáng tạo tác phẩm.
Nguồn: ITN

Nâng cao thẩm mỹ, gắn kết cộng đồng


Từ năm 2010 đến nay, dự án Phục dựng khu phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc đã được thực hiện. Người dân tự thiết kế khu phố mình đang sống thành một không gian pha trộn văn hóa và nghệ thuật, kiến trúc và môi trường. Hoạt động của dự án không chỉ chú trọng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mà còn tăng cường tuyên truyền về nghệ thuật đến cộng đồng. Theo ông Kwon Hyouk Do, Ban Xúc tiến xây dựng cộng đồng, Tòa thị chính thành phố Suwon, đến nay, thành quả chủ yếu của dự án là giáo dục người dân tham gia; tạo nên các chương trình cộng đồng: biểu diễn nghệ thuật, lễ hội… Ngoài thành phố Suwon, tại Hàn Quốc, nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng cấp thành phố, thị trấn và cấp làng được triển khai với sự tham gia của chính quyền địa phương, nghệ sĩ, cộng đồng dân cư... Mỹ thuật cộng đồng xuất hiện tại nhiều nơi: nhà bỏ hoang, chợ cóc, văn phòng bất động sản, cánh đồng, nhà thờ, bến xe bus, ngân hàng... với các hình thức tranh vẽ, video, điêu khắc, nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ ca, nghệ thuật sắp đặt, kiến trúc cảnh quan... Đó có thể là triển lãm, đối thoại giữa nghệ sĩ và khán giả, thuyết giảng, trình diễn, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm về nghệ thuật...

 

Trong 15 năm gần đây, Hàn Quốc đưa ra nhiều dự án mỹ thuật cộng đồng. Theo TS. Cho Kwan Yong, Tổng biên tập tạp chí Đàm luận Mỹ thuật, Phó chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Hàn Quốc: Mỹ thuật công cộng thường là tác phẩm của một nghệ sĩ hoặc nhóm nghệ sĩ được đặt hoặc thực hiện ở những nơi công cộng. Trong khi đó, mỹ thuật cộng đồng là những tác phẩm mang mục đích chung của cộng đồng với sự tham gia tích cực của tập thể người dân khu vực vào dự án và nội dung nghệ thuật phản ánh sự liên kết chặt chẽ với cuộc sống của cư dân. Bên cạnh mục đích đem nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, hoạt động này còn có tác dụng nâng cao thẩm mỹ, gắn kết cộng đồng, phòng chống tệ nạn xã hội, thúc đẩy du lịch địa phương. GS. Kim Kwi Gon (Đại họcLondon- UCI, Anh), Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cộng đồng khu vực Hàn Quốc cho rằng: Mỹ thuật cộng đồng là một lĩnh vực đang phát triển thuộc phạm vi quốc gia, quốc tế, vùng và địa phương. Mỹ thuật cộng đồng được kỳ vọng nhiều, từ duy trì giá trị truyền thống, phản ánh hiện tại đến phát triển tương lai.

 Nguồn: Think Playground


Làm phong phú cuộc sống đô thị


Tại ViệtNam, có thể thấy, nghệ thuật cộng đồng vẫn khá hạn chế. Sau khi chiến tranh kết thúc, ngân sách chủ yếu được sử dụng xây dựng công trình thiết yếu, như bệnh viện, trường học, cơ quan, nhà máy... Khoảng hai chục năm trở lại đây, việc xây dựng các bảo tàng và tượng đài kỷ niệm dần được chú trọng. Có thể nói đây là các công trình nghệ thuật công cộng đầu tiên ở các đô thị ViệtNam. Gần đây có một số dự án mang tính nghệ thuật cộng đồng, trong đó có thể kể tới dự án cải tạo sân chơi cho trẻ em bằng nghệ thuật của nhóm Think Playground đã thực hiện tại Hà Nội, Mộc Châu (Sơn La), Lý Sơn (Quảng Ngãi)...

 

Theo ông Nguyễn Quang, Giám đốc UN-HABITAT tại ViệtNam: Nghệ thuật cộng đồng làm phong phú, sinh động cuộc sống đô thị. Vì vậy, UN-HABITAT tham gia nhiều chương trình, dự án trên thế giới hỗ trợ đưa nghệ thuật vào không gian sống; và cùng đối tác ViệtNamxây dựng môi trường sống thân thiện cho các đô thị. UN-HABITAT phối hợp với Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc, Diễn đàn đô thị ViệtNamthúc đẩy áp dụng nghệ thuật vào đời sống đô thị. Ở Việt Nam đã có một số thành phố như Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội thay đổi không gian đô thị bằng nghệ thuật, nhưng các mô hình ấy cần được nhân rộng, chính sách đô thị cần khuyến khích nghệ sĩ cùng cộng đồng tham gia sáng tạo tác phẩm. Điều này bắt đầu từ sáng kiến của các thành phố, và đòi hỏi sự cam kết tham gia của họ, đặc biệt là lãnh đạo thành phố sẽ quyết định hỗ trợ cho các sáng kiến này, bên cạnh việc huy động nguồn lực từ cộng đồng.

 

“Mỹ thuật cộng đồng tuy chưa phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng hy vọng những công trình nghệ thuật cộng đồng đầu tiên sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trẻ phát triển ý tưởng mới để làm đẹp không gian đô thị, truyền niềm vui cho công chúng và quyết tâm cho các nhà lãnh đạo dành nhiều quan tâm hơn cho loại hình nghệ thuật non trẻ nhưng ý nghĩa này” - họa sĩ Thu Thủy, người có ý tưởng và thực hiện tác phẩm Con đường gốm sứ ven sông Hồng ở Hà Nội, khẳng định.

 

Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc đã đưa ra sáng kiến về hoạt động giao lưu nghệ thuật có sự tham gia của người dân hai nước thông qua dự án Đưa nghệ thuật vào không gian sống tại Việt Nam, nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc làm đẹp không gian sống đô thị, và dùng kết quả dự án để kết nối cộng đồng, tạo thành biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc. Triển khai dự án, Diễn đàn đô thị Việt Nam hiện đã tập hợp các thành phố, đặc biệt là các đô thị vừa và nhỏ: Lào Cai, Thái Nguyên, Quy Nhơn, Tam Kỳ... ưu tiên hỗ trợ chương trình nào khả thi nhất.

____________

“Chính phủ nhiều nước khuyến khích nghệ thuật cộng đồng bằng cách đưa ra những chính sách như việc trích 1% kinh phí xây dựng những tòa nhà mới cho nghệ thuật công cộng. Khẩu hiệu của họ là Phần trăm cho nghệ thuật (Percent for Art). Ngoài sáng kiến trên, nhiều dự án nghệ thuật đã được triển khai theo mô hình các mạnh thường quân tài trợ, hoặc kết hợp giữa chính quyền thành phố và nhân dân... Những hoạt động này được triển khai nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của người đứng đầu thành phố cũng như nỗ lực sáng tạo và cống hiến của nghệ sĩ”.

 

Người đại biểu nhân dân