362
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 17/08/2015 08:25
DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỔNG THỂ: Không thể đốt cháy giai đoạn
Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” vừa được Bộ GD - ĐT công bố với những đổi mới tất yếu đã phác họa bức tranh giáo dục Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, dự thảo cũng đã bộc lộ một số điểm nóng vội khi có vẻ chưa tính hết khó khăn với đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất...

Với thiết kế chương trình 12 năm gồm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm tiểu học và trung học cơ sở) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) hướng đến mục tiêu tiếp cận năng lực người học, Chương trình giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng sẽ thay đổi toàn diện, căn bản tất cả các khâu, từ nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, đến kiểm tra đánh giá, thi cử, quản lý và công tác thực hiện…

 

Dạy được khác dạy tốt


Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xác định xương sống xuyên suốt chương trình 12 năm phổ thông là dạy tích hợp kết hợp dạy phân hóa đối tượng. Theo đó, học sinh THCS chỉ còn học 7 - 8 môn và THPT chỉ còn học 4 môn thay vì phải 13 môn học như trước đây. Tên gọi mới một số môn học thực chất là sự tích hợp từ các môn học truyền thống. Chẳng hạn, ở lớp 1, 2, 3 có môn học Cuộc sống quanh ta, lớp 4, 5 tách thành hai môn Tìm hiểu xã hội và Tìm hiểu tự nhiên… Ở bậc THCS tương ứng với môn Khoa học tự nhiên là tích hợp của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Tương ứng với môn Khoa học xã hội là tích hợp của các môn Lịch sử, Địa lý. Việc tích hợp các môn học như trên được xem là bước đột phá và theo khẳng định của một lãnh đạo Bộ GD - ĐT, giáo viên hiện nay có thể dạy được các môn tích hợp bởi kiến thức này thầy cô được học từ thời phổ thông và tiếp tục thêm kiến thức ở trường đại học. Nhưng trên thực tế không phải bất cứ giáo viên nào cũng thể dễ dàng dạy tích hợp như vậy.

 

Ở bậc phổ thông, không phải mọi học sinh đều có sức học khá, giỏi đều các môn. Hơn nữa, thời gian khá lâu không được tiếp xúc với những kiến thức này nên việc quên, nhầm lẫn là bình thường. Có thể nói, giáo viên dạy môn gì chỉ dạy tốt môn học đó. Nhiều người nghĩ rằng giáo viên đã tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học, dạy Lý sẽ dạy được Hóa, Sinh và ngược lại. Hay giáo viên dạy Sử nhất định phải dạy được Địa... Hiểu theo nghĩa dạy được thì chẳng có gì sai nhưng để dạy tốt, bảo đảm chất lượng thì không phải ai cũng đáp ứng được. Thực tế, có giáo viên dạy Địa khi được phân công dạy Sử chỉ dạy hơn 20 phút là hết bài. Hay một số giáo viên dạy Lý nhưng khi giải một bài tập Hóa cũng rất vất vả. Chưa nói đến việc đời sống của giáo viên hiện nay không cho phép các thầy cô dành nhiều thời gian sau giờ lên lớp để toàn tâm, toàn ý với việc nghiên cứu bài giảng, mà còn phải tất tả ngược xuôi để làm đủ thứ nghề để bảo đảm cuộc sống gia đình.

 

Ngổn ngang


Chia sẻ vấn đề này, Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội cho rằng, vấn đề giáo viên rất khó khăn, đào tạo lại họ như thế nào? “Nên nhớ thầy ở đây không phải theo kiểu cũ là đọc cho học sinh chép; mà là thầy với cách tổ chức, hướng dẫn học sinh tự tìm đến những kiến thức đó để các em đứng vững được trong cuộc sống. Đấy mới là định hướng của cách học mới”. Ông Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn, khi đặt ra yêu cầu dạy học tích hợp và liên môn, giáo viên chỉ quen dạy một môn sẽ được đào tạo, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng như thế nào? Dù giáo viên được học nhiều môn ở bậc ĐH nhưng kiến thức tích hợp về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội không ôn luyện thường xuyên thì làm sao đủ độ chuyên sâu để dạy học trò? Một vấn đề nữa là nỗi lo thiếu đội ngũ giáo viên đủ chuẩn, thích ứng với mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Một hiệu trưởng trường dân lập tại Hà Nội bộc bạch: “Trăm hay không bằng tay quen” và dù có kinh nghiệm giỏi, tay nghề cao thì một bộ phận giáo viên có thâm niên, lớn tuổi sẽ khó bắt kịp yêu cầu đổi mới, dạy học theo hướng tích hợp, liên môn.

 

Theo dự thảo, năm 2018 Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được thực hiện. Với thời gian gấp rút, ngành GD - ĐT chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản, ngổn ngang, không chỉ là chuyện giáo viên mà còn là vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn, trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp, sĩ số lớp học quá đông… Hiện khá nhiều trường ở các thành phố đã khởi động dạy tích hợp nhưng chỉ dừng ở bước thí điểm với một số môn và theo họ, muốn triển khai đại trà không dễ, vì thiếu đội ngũ giáo viên giỏi nghề, năng động. Hơn nữa, điều kiện về trang thiết bị - phòng thí nghiệm, thực hành được thiết kế đơn lẻ cũng không đáp ứng yêu cầu dạy tích hợp, liên môn.

 

Việc đổi mới nền giáo dục là rất cần thiết và cấp bách nhưng cũng không thể đốt cháy giai đoạn, duy ý chí. Cho nên đòi hòi ngành GD - ĐT phải có lộ trình. Lo nội dung chương trình phải đồng bộ với lo đội ngũ giáo viên thực hiện nội dung đó, chứ không thể chủ quan làm đến đâu hay đến đó.

 

Người đại biểu nhân dân