Phung phí tài nguyên du lịch
|
Năm 2014, Hội đồng Du lịch Thế giới đã xếp Việt Nam thứ 16/184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Điều này hoàn toàn có cơ sở với điều kiện đất nước ổn định, con người thân thiện, thiên nhiên hoang sơ, xã hội đa văn hóa; đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của trào lưu du lịch mới, khi con người muốn trở về tự nhiên, trải nghiệm sự khác biệt mà họ không thể tìm thấy ở những trung tâm đô thị lớn. Đảng và Nhà nước đã sớm xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển du lịch ViệtNamtrong thời kỳ mới. Tuy nhiên, tại sao du lịch ViệtNamchậm phát triển? Trên thế giới, tốc độ tăng trưởng du lịch vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, bất chấp khủng hoảng kinh tế, bất ổn gia tăng tại nhiều khu vực. Năm 2014, thế giới có hơn 1 tỷ 140 triệu người du lịch nước ngoài. Trong khu vực, Thái Lan đón 24,8 triệu khách quốc tế, Malaysia đón 27,4 triệu khách, Singapore đón 15,1 triệu khách, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ 8 triệu lượt khách. Hơn thế, tính đến tháng 6.2015, khách quốc tế đến ViệtNamgiảm liên tiếp trong 13 tháng...
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề: cần giải tỏa khó khăn cho ngành du lịch hay phải xây dựng ngành du lịch ViệtNamkhác? “Ngành du lịch đã không phát triển như mong đợi, không thay đổi được đẳng cấp trong suốt 30 năm qua và cũng chưa thấy dấu hiệu rõ ràng về một sự thay đổi như vậy”. Những yếu tố cốt lõi làm phung phí tài nguyên du lịch ViệtNamđược PGS.TS. Trần Đình Thiên kể ra gồm: chiến lược phát triển du lịch thiếu tầm nhìn “tiến vượt” và thiếu tư duy đột phá; hạ tầng du lịch yếu kém và chậm được nâng cấp, không kết nối với nhau thành hệ thống quốc gia, bao gồm hạ tầng giao thông, chính sách (miễn thị thực, chính sách ưu tiên du lịch - hàng không...), và hạ tầng của chính các khu du lịch (khách sạn, khu vui chơi, mua sắm, khu ẩm thực, sự đa dạng của các sản phẩm du lịch đặc trưng...). Bên cạnh đó, cách làm du lịch manh mún, chia cắt, thiếu tính chuyên nghiệp và những yêu cầu văn hóa du lịch tối thiểu - tính trung thực, thân thiện và hiếu khách, trình độ chuyên môn của người làm du lịch... là nguyên nhân khiến khách du lịch một đi không trở lại Việt Nam.
Khác biệt, đặc sắc, mức độ thỏa dụng cao
Theo ông Lương Hoài Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Du lịch Thiên Minh, nhận thức lâu nay về ngành du lịch chưa rõ, chưa đầy đủ, thậm chí chưa đúng. Du lịch là ngành hiếm hoi mà ViệtNamcó khả năng làm được tất cả các khâu trong chuỗi giá trị của sản phẩm dịch vụ, từ xây khách sạn, khu nghỉ, tổ chức tour, bán sản phẩm... Để du lịch phát triển, cần nhìn nhận lại quan niệm phát triển du lịch. Phải nhận diện rõ điều kiện của khách quốc tế để ngành du lịch phải đáp ứng và khả năng đáp ứng của du lịch Việt Nam. Du lịch Việt Nam phải khác biệt, đặc sắc, mức độ thỏa dụng cao, với những lợi thế độc nhất vô nhị.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đã là bước quan trọng của nhận thức, nhưng còn có nhiều rào cản, đặc biệt là dịch vụ và xây dựng môi trường du lịch. Tạo sức hút cho du lịch Việt Namkhông phải xây dựng nhiều khách sạn, mà cần được định vị trên bản đồ thế giới bằng sức hút thật rõ ràng. Ví dụ, có ý kiến đưa Việt Namtrở thành “bếp ăn” của thế giới. Điều này có lý nhưng chưa đủ, phải xác định cái bếp này như thế nào, ẩm thực đặc trưng ra sao. Hiện tại, hầu như không có nhà hàng cao cấp Việt Namtại khách sạn 5 sao, món ăn Việt Nam lép vế với vài món trong một thực đơn chung. Trên sân nhà lại quảng bá cơm Tây, cơm Tàu. Vẫn biết rằng, ẩm thực đường phố là lợi thế lớn của Việt Nam, nhưng khoảng trống trong quảng bá ẩm thực cao cấp ở các khách sạn rất đáng quan tâm...
Nhiều vấn đề của ngành du lịch đã được người trong ngành nhận ra và nói tới từ lâu, nhưng du lịch Việt Namchưa thể cất cánh là do thiếu hành động - ông Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch nhận định. Các ngành phải chung tay với ngành du lịch trong thời kỳ mới. Bởi thực tế từ các quốc gia khác cho thấy, du lịch chỉ là phương tiện đưa khách tới để xuất khẩu tại chỗ, chi tiêu của khách du lịch đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Họ đã lấy lợi ích của cả nền kinh tế để làm mục tiêu. Trong khi đó, ở ViệtNam phát triển theo kiểu đơn ngành, ngành nào biết ngành ấy. Do vậy, để phát triển, ngành du lịch phải vượt qua chính mình, sự liên kết với các ngành thực chất hơn. Khi đó, công cuộc phát triển của du lịch ViệtNam mới thực sự bắt đầu.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh, du lịch Việt Nam muốn cạnh tranh phải có thương hiệu gắn liền với hình ảnh lớn, đầy đủ của thương hiệu quốc gia. “Tôi không yên tâm, thậm chí bức xúc với khẩu hiệu du lịch Việt Nam (Việt Nam - vẻ đẹp bất tận - PV). Tôi từng hỏi nhiều khách nước ngoài, đa số cho rằng, khẩu hiệu ấy tĩnh quá, xưa quá. Trong khi khách nước ngoài ấn tượng ở Việt Nam là sức sống, sự sống động. Một khách du lịch New Zealand đến Việt Nam đã chia sẻ rằng: “Châu Âu đẹp nhưng chết, cuộc sống mới là ở đây”. Do đó ngành du lịch phải tìm khẩu hiệu phù hợp”.
Người đại biểu nhân dân