- 2015 kinh tế của đất nước đã từng bước được ổn định, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành du lịch. Xin ông chia sẻ về những thành tựu nổi bật mà ngành du lịch đã đạt được trong năm vừa qua?
TCT Nguyễn Văn Tuấn: Có thể nói, 2015 là một năm đầy khó khăn thách thức đối với ngành du lịch Việt Nam. Nhưng cũng chưa bao giờ mà ngành du lịch lại nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như hiện nay. Nhờ đó, từ tháng 7 cho đến hết tháng 12. 2015, ngành du lịch Việt Nam đã phục hồi rất ấn tượng và đã khỏa lấp được sự sụt giảm trong 6 tháng đầu năm.
Năm 2015, ngành du lịch đã đón được 7,94 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn so với 7,87 triệu lượt khách so với năm 2014. Đặc biệt, khách du lịch nội địa đã tăng trưởng rất ấn tượng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển, phục hồi của ngành du lịch ViệtNam. Với số lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 57 triệu lượt, trong đó 29,5 triệu lượt khách có lưu trú. Theo đó, tổng doanh thu từ khách du lịch trong năm 2015 đạt 338.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6,2% so với năm 2014, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, đồng thời tạo thu nhập, tạo công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước.
Cũng trong năm 2015, ngành du lịch đã tập trung thực hiện Nghị quyết 92 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới. Qua thực hiện, bước đầu, những nội dung quan trọng của Nghị quyết đã được triển khai và đi vào cuộc sống, có tác động tích cực cho sự phát triển của ngành. Cùng với đó, là Chỉ thị 14 của Thủ tướng chính phủ ngày 2.7.2015 về khắc phục những hậu quả, những hạn chế, yếu kém và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp ở những tập đoàn, đặc biệt các nhà đầu tư chiến lược như VinGroop, SunGroop, FLC, Mường Thanh, Tuần Châu… và gia tăng một cách đáng kể tỷ trọng cơ sở dịch vụ lưu trú chất lượng cao và tích lũy nội hàm và nội lực để chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, ngành du lịch đã triển khai một chuỗi các hoạt động quảng bá xúc tiến ở trong nước và ngoài nước với quy mô rất lớn. Nhiều địa phương đã gia tăng đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm đang trở thành các động lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Sự liên kết, liên ngành, liên vùng giữa du lịch với các Bộ, ngành, giữa các tỉnh trong tiểu vùng hoặc trong vùng với nhau ngày càng được quan tâm chú trọng.
Có thể nói, năm 2015 là năm mà ngành du lịch nhận được sự quan tâm rất lớn của các ngành, các cấp và của cộng đồng dân cư. Nhận thức của xã hội về du lịch đã có một bước tiến triển rất tích cực.
- Bên cạnh những mặt thuận lợi, ngành du lịch đang đứng trước những thách thức, thưa ông?
TCT Nguyễn Văn Tuấn: Khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch của ta vẫn còn nhiều. Bao gồm những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của biến đổi khí hậu và những tồn tại nội tại trong ngành du lịch của ta về năng lực cạnh tranh mà vấn đề này chưa thể khắc phục một sớm một chiều.
Trong lúc ngành du lịch của Việt Nam đang cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh thì các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đang gia tăng các giải pháp để nâng cao được năng lực cạnh tranh của họ. Khả năng cạnh tranh của ngành du lịch ViệtNamso với các nước còn những hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, khi chúng ta đã hội nhập sâu vào cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP… đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ hơn, nhưng về phương diện chuẩn bị cho hội nhập thì chúng ta còn hạn chế và còn nhiều việc phải làm.
Đồng thời, những tồn tại cố hữu như sự trùng lặp về chất lượng sản phẩm và chất lượng nguồn nhân lực chúng ta cần phải cố gắng rất nhiều. Điều này, đòi hỏi chúng ta cần phải cải thiện ngay.
- Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết miễn thị thực có thời hạn cho công dân 6 nước Châu Âu vào Việt Nam. Thưa ông, đây có phải là bước đột phá cho ngành du lịch trong việc mở rộng thị trường trọng điểm đối với khách quốc tế có mức chi tiêu cao?
TCT Nguyễn Văn Tuấn: Cùng với việc miễn thị thực song phương giữa các nước trong khối ASEAN, năm 2015, Chính phủ đã quyết định miễn thị thực đơn phương cho 6 quốc gia là thị trường trọng điểm của ViệtNam ở Châu Âu. Có thể nói, đây là chính sách quan trọng, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành đối với ngành du lịch. Thông qua chính sách này, thể hiện niềm tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thị trường trọng điểm, khách du lịch từ các thị trường trọng điểm đến Việt Nam. Đây không chỉ là giải pháp mà còn là thông điệp để chúng ta gửi tới bạn bè quốc tế.
Bên cạnh các chính sách đó, hiện nay hàng loạt các vấn đề quan trọng trong Nghị quyết 92 mà Tổng Cục Du lịch đang đề xuất để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ như, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, tiếp tục miễn Visa cho khách du lịch các thị trường trọng điểm đến Việt Nam theo chương trình Tuor du lịch trọn gói do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức, hỗ trợ về thuế đất, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú và một số các biện pháp khác…
Chúng tôi hy vọng rằng, các chính sách này sẽ đi vào cuộc sống, cải thiện và tạo ra đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Ngay sau khi các chính sách miễn Visa này được ban hành, ngành du lịch đã đồng loạt tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến rất mạnh vào 6 thị trường trọng điểm như tham gia hội chợ, tổ chức các talkshow... từ các thị trường này đến Việt Nam. Ngành du lịch cũng hy vọng, chính sách này sẽ phát huy tác dụng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả cũng cần phải có thời gian, cần phải có độ trễđể chính sách đi vào cuộc sống. Những thị trường ở 6 nước Châu Âu này, họ ở xa, họ thường đưa ra kế hoạch đi du lịch rất sớm. Cho nên, không phải chính sách ban hành mà có thể có sự tăng trưởng ngay được, nhưng về lâu dài chắc chắn chính sách này sẽ phát huy tác dụng và cần được kéo dài thay vì một năm như quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
- Vậy đâu là giải pháp phát triển hơn nữa ngành du lịch Việt Nam thời gian tới, thưa ông?
TCT Nguyễn Văn Tuấn: Nghị quyết 92 của Chính phủ quy định rất rõ về một số giải pháp, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới với 5 nhóm vấn đề. Một là,nâng cao nhận thức của xã hội về du lịch. Hai là, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thông qua 3 chính sách lớn: tạo điều kiện thuận lợi về Visa; mở cửa bầu trời kết nối hàng không trực tiếp các đường bay tới thị trường trọng điểm của chúng ta; tăng cường các hoạt động quảng bá xúc tiến. Ba là, đẩy mạnh việc thu hút đầu tư và tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực du lịch. Bốn là, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch. Năm là, nâng cao các hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Nếu 5 nhóm giải pháp này được các cấp, các ngành, các bộ ngành, đặc biệt chính quyền các cấp ở các địa bàn du lịch trọng điểm quan tâm chỉ đạo để đưa nghị quyết vào cuộc sống, chắc chắn ngành du lịch của chúng ta sẽ có bước phát triển mới và nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Năm 2016, ngành du lịch sẽ tập trung chuẩn bị cho Luật Du lịch (sửa đổi) để trình QH xem xét và thông qua, nhằm tạo điều kiện, cơ sở pháp lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Cùng với các hoạt động trọng tâm, chú trọng để tăng trưởng khách du lịch quốc tế đặc biệt là phân khúc khách du lịch có thị trường chi tiêu cao lưu trú dài ngày. Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, đầu tư, phát triển sản phẩm liên kết, phát triển du lịch giữa các vùng miền, các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, trú trọng đến công tác quản lý điểm đến để bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.
Để làm được công việc đó, chỉ có ngành du lịch thì không thể làm được mà cần được sự quan tâm, vào cuộc giữa các cấp, các ngành, các bộ, ngành có liên quan với tư cách là ngành kinh tế tổng hợp có tính xã hội hóa và liên vùng liên ngành cao. Thông qua Báo điện tử ĐBND, tôi hy vọng sẽ truyền tải thông điệp này tới các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân để chúng ta cùng chung tay xây dựng môi trường của du lịch Việt Nam văn minh, thân thiện, hấp dẫn và tạo niềm tin cho du khách quốc tế vào trong nước.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đại biểu nhân dân