396
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 28/09/2015 08:43
Du lịch đất ngập nước
Nhiều vùng đất ngập nước của Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước nhưng chưa khai thác tương xứng, làm giảm hiệu quả bảo tồn và giá trị kinh tế tại các khu vực này. Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là một hướng đi.

30% diện tích đất liền có đất ngập nước


Nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, phát triển du lịch có thể góp phần bảo tồn, tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo và hỗ trợ văn hóa ở các vùng đất ngập nước một cách bền vững. Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai từng nhận định, các vùng đất ngập nước là tài sản lớn nhất của du lịch thế giới, thu hút hàng triệu khách du lịch hằng năm và Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn trong phát triển lĩnh vực này. 

 

Ước tính 30% diện tích (khoảng 10 triệu hécta) đất liền nước ta có đất ngập nước. Theo danh sách các khu bảo tồn mà Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 5, Việt Nam hiện có 31 vườn quốc gia, 64 khu dự trữ thiên nhiên, 16 khu bảo tồn sinh cảnh và 55 khu bảo tồn cảnh quan gắn với tiềm năng du lịch lớn. Đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái rừng tràm ngập lũ sông Cửu Long là nơi cư trú của nhiều loài chim nước quý hiếm, đặc biệt là Sếu đầu đỏ; Sân chim Bạc Liêu, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - Long An bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước và nhiều loài chim được ghi trong Sách đỏ Thế giới… Công ước Ramsar mà ViệtNamlà một thành viên (1989) chia đất ngập nước thành 42 loại khác nhau trên toàn cầu thì có ít nhất 39 loại được tìm thấy tại Việt Nam.

 

Theo GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường ViệtNam, “Ngoài giá trị trực tiếp về các tài sản lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy hải sản thì tiềm năng du lịch vùng đất ngập nước ở nước ta rất lớn. Hiện nay, cả miền Bắc, miền Trung, miềnNamđều có đất ngập nước với sinh cảnh khá phong phú. Vai trò của đất ngập nước trong phát triển du lịch cực kỳ quan trọng”.

 

Tự phát và thiếu liên kết


Hiện nay, khai thác du lịch tại khu vực đất ngập nước chưa phát huy hết thế mạnh của vùng và nhìn chung thiếu chuyên nghiệp. Ngay cả Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch cũng chưa có công trình nghiên cứu, thống kê, đánh giá tình hình phát triển du lịch tại các khu vực đất ngập nước trên cả nước. Báo cáo của một vài địa phương cho thấy nguồn thu từ du lịch ở các vùng như: hồ Ba Bể (Phú Thọ), khu đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định)... mặc dù tăng đều đặn hằng năm nhưng còn thấp. Thống kê tại vườn quốc gia Xuân Thủy gần đây: lượng khách quốc tế đến tham quan khoảng 40 - 50 đoàn/năm, với hơn 200 lượt người, mục đích chủ yếu là nghiên cứu sinh vật.

 

Nhiều khu vực đất ngập nước có thể phát triển du lịch nhưng chưa được chú ý hoặc nếu có khai thác thì mang tính nhỏ lẻ, tự phát và thiếu liên kết. Điển hình là khu vực đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế), với diện tích hơn 21.000ha, hệ sinh vật đa dạng, phong phú, được nhiều chuyên gia đánh giá là “mỏ vàng” du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại khu vực này hầu như bị bỏ ngỏ. Ths. Nguyễn Việt Hùng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế cho biết: “Tại khu vực này, hoạt động du lịch sinh thái đang hình thành trên cơ sở những dự án, mô hình nhỏ và gói trong cộng đồng dân cư địa phương. Hạ tầng không hỗ trợ du lịch phát triển như: đường sá đi lại khó khăn, dịch vụ nhà ở, chòi nghỉ chân, dịch vụ phục vụ khách tham quan, nghiên cứu những loài cá thể đặc trưng ở vùng lõi hoàn toàn không có…”.

 

Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng


Đất ngập nước liên quan trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng và một trong những biện pháp để hướng người dân ứng xử thân thiện với môi trường là du lịch sinh thái cộng đồng. Đây cũng là một trong những nội dung trọng điểm của Dự án Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết sắp được thực hiện tại hai khu đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) và Thái Thụy (Thái Bình). Bà Lê Hà Thanh, đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, chuyên gia tư vấn dự án cho biết: “Một số nước khai thác du lịch sinh thái cộng đồng rất tốt nhưPhilippines,Indonesia… Mô hình du lịch như vậy vừa góp phần giải quyết bài toán về cơ sở vật chất tại các khu du lịch sinh thái, vừa tạo công ăn việc làm cho cộng đồng để giảm nhẹ áp lực khai thác, thu hút khách du lịch đến nhiều hơn”.

 

Du lịch sinh thái cộng đồng có vai trò quan trọng để bảo tồn vùng đất ngập nước, góp phần sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa địa phương cũng như đem lại phúc lợi cho cư dân. Tuy nhiên, nếu không khai thác hợp lý sẽ gây ô nhiễm, phá hủy môi trường sinh thái. GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh nhận định: “Ngoài tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, phải chỉ rõ cộng đồng địa phương cũng là một thành viên tham gia hoạt động du lịch, trong đó họ sẽ được hưởng gì, phải làm gì... Nếu cộng đồng không được hưởng lợi, họ không ra sức bảo vệ thì chẳng những không kích thích phát triển du lịch mà cũng không công bằng đối với việc sử dụng tài nguyên đất ngập nước”. Nhà nước cũng cần đưa ra cơ chế, chính sách, có hướng dẫn cụ thể để khuyến khích chính quyền địa phương thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng, từ đó tạo điều kiện cho việc bảo tồn, phát triển khu vực đất ngập nước một cách ổn định, bền vững.

 

Người đại biểu nhân dân